TikTok có gì 'hot' mà Mỹ quyết lấy, Trung Quốc dứt khoát không buông?

Phân tích - Bình luận
10:39 AM 18/09/2020

Trong vòng 2 năm, TikTok đã trở thành mạng xã hội nổi tiếng, "làm mưa làm gió" trên toàn cầu. Điều gì đã khiến TikTok thành công và "hot" như vậy? Đó chính là nhờ Thuật toán của TikTok

Công thức bí mật tạo nên sự hấp dẫn của TikTok

Một trong những điểm tạo nên sự thu hút lớn nhất của mạng xã hội Trung Quốc này là nằm ở thuật toán gợi ý những video hiển thị tiếp theo. Các gợi ý này bám sát vào sở thích, xu hướng cá nhân của riêng mỗi người đến mức hấp dẫn họ không thể ngừng "lướt".

TikTok có gì 'hot' mà Mỹ quyết lấy,Trung Quốc dứt khoát không buông? - Ảnh 1.

TikTok có thể gợi ý nội dung hiển thị tiếp theo rất hấp dẫn, gây "nghiện"

Để tạo được thuật toán này tất nhiên không hề đơn giản, và là vũ khí của ByteDance (chủ sở hữu TikTok). Đã có không ít ứng dụng video ngắn tìm cách bắt chước, tái tạo nó nhưng chưa ai thành công.

Eugene Wei - một chuyên gia công nghệ lâu năm nhận xét thuật toán đề xuất video kế tiếp của TikTok như một 'nhà mai mối' nội dung cực hiệu quả và nhanh nhẹn. Cụ thể, thuật toán của TikTok sử dụng máy học AI để dự đoán, xác định nội dung nào sẽ tạo sự hấp dẫn với cá nhân từng người.

Khi lần đầu dùng ứng dụng, hệ thống sẽ hiển thị 8 video trong chủ đề người dùng đã lựa chọn yêu thích từ bước đăng ký. Tiếp tục, TikTok lại phân tích sở thích của họ qua tương tác trước đó (ví dụ như xem có hết video không, có tương tác với video nào…) để gợi ý video tiếp theo. TikTok có thể phân tích rất chi tiết từ caption, các hashtag cho đến âm thanh, hình ảnh của từng video. Ngoài ra, hệ thống cũng có thể phân tích sở thích người dùng qua thiết lập của tài khoản như tùy chọn ngôn ngữ, thiết lập quốc gia và loại thiết bị. Người dùng xem càng lâu, hệ thống TikTok càng "hiểu" rõ về họ và có cách để giữ chân ở lại thật lâu.

Lý do Mỹ cáo buộc TikTok đánh cắp dữ liệu người dùng

Theo SCMP, một số chuyên gia nhận định, thuật toán gợi ý của TikTok cơ bản cũng tương tự thuật toán của nhiều ứng dụng khác. Điểm mấu chốt trong bí kíp thuật toán của TikTok là thu thập được kho thông tin cá nhân về người dùng. Jim DuBois, cựu Giám đốc thông tin của Microsoft nhận định: "Thuật toán sẽ chẳng là gì nếu không có dữ liệu". Hao Peiqiang, một blogger về phần mềm phân tích rằng quy định về quyền riêng tư ở Trung Quốc rất lỏng lẻo, ý thức bảo vệ quyền riêng tư của người dùng cũng thấp. Vì vậy mà TikTok đã dễ dàng thu được nhiều loại thông tin cá nhân của người dùng.

TikTok có gì 'hot' mà Mỹ quyết lấy,Trung Quốc dứt khoát không buông? - Ảnh 2.

TikTok thu được không ít dữ liệu cá nhân nên có thể phân tích chính xác hành vi và sở thích của người dùng

Vào tháng 8 năm nay, Chính phủ Mỹ đã đưa ra cáo buộc TikTok ăn cắp dữ liệu người dùng và tiềm ẩn nguy cơ gây ảnh hưởng đến an ninh quốc gia nước này. Nhà Trắng nghi ngờ TikTok có thể thu thập được các cuộc ghi âm, thông tin, dữ liệu cá nhân hoặc thậm chí định vị của các vị chính khách gia Mỹ, sau đó gửi về cho Bắc Kinh. TikTok đã phủ nhận các cáo buộc này.

Chính phủ Mỹ đã đưa ra yêu cầu đối với ByteDance - chủ của TikTok. Mạng xã hội này sẽ phải bán lại cho một công ty Mỹ quản lý, hoặc ngừng hoạt động tại Mỹ - thị trường nơi nó có khoảng 100 triệu người dùng mỗi ngày. Trước thời hạn 15/9 một ngày, ByteDance đã đạt được thỏa thuận hợp tác với tập đoàn Oracle, nhưng không đáp ứng đúng như yêu cầu ban đầu của Mỹ. ByteDance và Oracle sẽ chỉ trở thành đối tác. ByteDance thậm chí có thể vẫn giữ cổ phần công ty tại Mỹ, và không thể giao lại thuật toán của mình. Việc này giống như mua lại một nhà hàng nhưng lại không được truyền cho công thức nấu nướng.

Thế nhưng lý do không đến từ công ty này, mà do chính phủ Trung Quốc đã đưa ra chính sách kiểm soát xuất khẩu mới, quy định công nghệ về "đề xuất nội dung cá nhân hóa dựa trên phân tích dữ liệu" và "giao diện tương tác trí tuệ nhân tạo" không được xuất khẩu. Quy định này vừa mới được bổ sung trong tháng 8 vừa qua, được coi là đòn đáp trả của Bắc Kinh.

Theo tin tức từ tờ Wall Street Journal, ngày 16/9, trong thỏa thuận của 2 công ty có điều khoản ByteDance Trung Quốc sẽ cho phép Tập đoàn Oracle xem lại mã nguồn và phần mềm của mình dù không thể bàn giao. Đây sẽ là cách TikTok chứng minh và đảm bảo không có "cửa sau" giúp chính phủ Trung Quốc hay bên nào khác truy cập dữ liệu. Bên cạnh đó, ByteDance cũng sẽ lập một công ty độc lập mới cho mảng kinh doanh của TikTok tại Mỹ. Công ty này sẽ thuê một ủy ban độc lập do chính phủ Mỹ phê duyệt và cả bên giám sát thứ ba, tạo sự yên tâm cho Mỹ.

Kim Chi
Ý kiến của bạn
Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới

Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.