Tìm đầu ra cho lúa gạo dịp cuối năm 2021
Việc giá lúa ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) liên tục sụt giảm khiến cho người nông dân như ngồi trên đống lửa khi không có thương lái đến thu mua, trong khi đó mùa mưa lại đang tới gần.
Giá lúa rớt nhanh
Theo ông Nguyễn Văn Diêm, người trồng lúa có tiếng ở thị trấn Thanh Bình (huyện Thanh Bình) chia sẻ: "Giá lúa rớt nhanh quá. Chỉ sau 1 đêm, giá lúa giảm 400 đồng/kg. Mới hôm trước, thương lái đồng ý mua với giá 5.300 - 5.500 đồng/kg lúa (tươi), nhưng qua hôm sau, viện cớ mưa làm ướt lúa, họ đột ngột hạ giá xuống còn 5.000 đồng/kg. Với giá bán hiện nay, sau 3 tháng chăm sóc, nông dân chỉ huề vốn sản xuất, mất trắng công sức lao động. Còn nếu nông dân thuê đất thì coi như lỗ nặng".
Vụ lúa hè thu ở ĐBSCL bắt đầu nở rộ. Ảnh Duy Khương
Đây cũng là tình trạng chung đang diễn ra tại nhiều địa phương có diện tích lúa hè thu sớm ở Đồng Tháp. Điển hình như Kiên Giang, đây là địa phương có diện tích trồng lúa lớn nhất vùng, trong đó diện tích gieo sạ vụ Hè thu đạt trên 280.000 ha. Trong những ngày qua bà con nông dân ở đây rất lo lắng vì giá lúa giảm mạnh nhưng rất khó bán.
Theo ghi nhận của ngành nông nghiệp, hiện giá lúa đang sụt so với cuối vụ đông xuân khoảng 700 đồng/kg. Tuy nhiên, dấu hiệu cho thấy giá lúa sẽ tiếp tục diễn biến tiêu cực trong thời gian tới, nhất là thời điểm chính vụ
Ông Lê Quốc Việt, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang, giá lúa tại địa phương hiện nay đã rớt xuống dưới 5.000 đồng/kg, giảm 1.000 đồng/kg so với vụ Đông Xuân nhưng rất ít thương lái đến mua, nông dân rất sốt ruột vì đang mùa mưa bão, lúa không kịp thu hoạch sẽ đổ ngã, thiệt hại rất lớn.
Nhiều "lão nông chi điền" cho rằng, với quy định thương lái mua lúa, tài xế lái máy gặt đập liên hợp và người đi cùng khi đến địa phương phải có giấy xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ cho dù đã chích đủ 2 liều vắc xin cũng đã gây khó khăn cho thương lái đến mua lúa và rất khó kêu máy gặt đập đến thu hoạch lúa.
Thực tế, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đã khiến các tỉnh ĐBSCL gặp khó khăn trong tiêu thụ nông sản nói chung, lúa gạo nói riêng. Ngoài khó khăn về thị trường, các đầu mối thu mua nông sản còn gặp khó khăn về vận chuyển do nhiều địa phương siết chặt kiểm soát dịch bệnh.
Tìm lối ra cho lúa gạo
Theo Cục trồng trọt (Bộ NN&PTNT), vụ lúa Hè thu năm nay khu vực đồng bằng sông Cửu Long đã xuống giống được hơn 1,5 triệu ha, đến thời điểm này đã thu hoạch được trên 70% diện tích, tổng sản lượng ước đạt trên 6 triệu tấn lúa. Trà lúa còn lại đang trong giai đoạn chín rộ nông dân phải thu hoạch dứt điểm trong 15-20 ngày tớ mà giá tiếp tục giảm, thương lái không đến thu mua sẽ gây khó khăn cho bà con nông dân tại khu vực ĐBSCL.
Nhiều chuyên gia cũng nhận định rằng, sẽ rất khó khôi phục lại giá lúa cao như vụ đông xuân. Nguyên nhân cơ bản là do giá gạo của hai cường quốc "đối thủ" của gạo Việt Nam là Ấn Độ và Thái Lan đang giảm theo đà giảm giá của đồng tiền quốc gia của họ do ảnh hưởng của đại dịch Covid - 19.
Điều này đang mang lại lợi nhuận lớn cho doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo trong nước đang nhập khẩu lúa. Gạo từ bên ngoài vào, đẩy giá lúa gạo trong nước vào "thế chân tường". Đó là chưa kể đến nguy cơ ảnh hưởng đến danh tiếng của chất lượng gạo Việt.
"5 tháng qua, Việt Nam đã nhập 1,6 triệu tấn lúa từ Campuchia và trên 300 ngàn tấn gạo từ Ấn Độ. Đặc biệt, giá gạo Ấn Độ rẻ bình quân 100 USD/tấn so với gạo cùng loại của Việt Nam, do quốc gia này trúng mùa, và đến thời điểm xả kho gạo dự trữ, lại còn được hưởng thuế suất 0% theo cam kết của Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN - Ấn Độ (AIFTA)", ông Nguyễn Phước Tuyên- chuyên gia nghiên cứu độc lập nông nghiệp tại Đồng Tháp cho biết.
Nông dân thu hoạch lúa hè thu
Theo thống kê của Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA), do cạnh tranh trên thị trường, đặc biệt là Ấn Độ đã đẩy mạnh xuất khẩu gạo trắng với giá rất rẻ làm cho thị trường thừa nguồn cung, giá giảm mạnh. Riêng gạo Việt Nam trong 6 tháng đầu năm giá gạo xuất khẩu loại 5% tấm đã giảm đến hơn 100 USD/tấn xuống còn trên dưới 400 USD/tấn.
Tuy nhiên, theo báo cáo mới đây của VFA, tình hình đã được cải thiện đáng kể. Luỹ kế xuất khẩu gạo Việt Nam từ đầu năm đến giữa tháng 7/2021 đạt trên 3,3 triệu tấn, với trị giá xuất khẩu đạt trên 1,8 tỷ USD, tuy giảm hơn 10% về sản lượng nhưng chỉ giảm 0,15% về giá trị so với cùng kỳ. Điều đáng mừng là mặc dù giảm giá mạnh nhưng gạo 5% tấm của Việt Nam vẫn còn cao hơn Thái Lan 10 USD/tấn, cao hơn gạo Ấn Độ và Pakistan khoảng 17 USD/tấn và sản lượng xuất khẩu tăng mạnh trong tháng 7 với mức tăng trên 50% so với cùng kỳ.
Để tìm lối ra cho gạo Việt, không chỉ những tháng cuối năm mà thời gian dài hơn hơn nữa, nhiều chuyên gia cho rằng cần xây dựng tinh thần của nền nông nghiệp thông minh: Thông minh trong quy hoạch, trong sản xuất và tiêu thụ...
Ngoài việc kết nối quan hệ hài hòa giữa người nông dân và doanh nghiệp, doanh nghiệp cần có cách làm chuyên nghiệp hơn và chia sẻ lợi ích hài hòa với nông dân là một trong những đối tác quan trong trong chuỗi hoạt động xuất khẩu gạo.
Bên cạnh đó, Nhà nước và các Bộ, ngành chức năng cần nghiên cứu và ban hành chính sách phù hợp, kịp thời. Mục đích là tạo điều kiện thuận lợi cho cả doanh nghiệp và người nông dân bắt tay nhau chặt chẽ hơn trong quá trình sản xuất và tiêu thụ nông dản, đưa nền nông nghiệp phát triển một cách bền vững, nhất là đem lại giá trị đúng với tiềm năng và lợi thế vốn có.
Hiện nay, Việt Nam không ngừng thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng và toàn diện, Việt Nam đã ký kết, thực thi 15 hiệp định thương mại tự do và 2 hiệp định đang trong quá trình đàm phán. Trong đó, các Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam với Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) được coi là các FTA thế hệ mới với phạm vi cam kết rộng và mức độ cam kết cao nhất của Việt Nam từ trước tới nay với mức cắt giảm thuế gần như về 0% với lộ trình ngắn, đây là lợi thế để Việt Nam mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu.
Trương HưngCông ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.