Tìm giải pháp tăng sức cạnh tranh, thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm trái cây có lợi thế
Đó là chủ đề được nhấn mạnh tại Diễn đàn giải pháp tăng sức cạnh tranh, thúc đẩy xuất khẩu 4 sản phẩm trái cây có lợi thế cạnh tranh: Chanh dây, chuối, dứa, dừa do Bộ Nông nghiệp và Môi trường tổ chức ngày 18/7, tại thành phố Hồ Chí Minh.
Ngày 18/7/2025, nhiều đại biểu từ các cơ quan quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân đã tham dự Diễn đàn “Giải pháp tăng sức cạnh tranh, thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm trái cây có lợi thế: chanh dây, chuối, dứa, dừa” do Bộ Nông nghiệp và Môi trường tổ chức, dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Trần Thanh Nam.
Theo Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), Việt Nam hiện có hơn 1,3 triệu hecta cây ăn quả với sản lượng khoảng 15 triệu tấn mỗi năm; hơn 50 loại cây ăn quả phân bố khắp các vùng miền. Trong đó, chuối 161.000ha, kim ngạch xuất khẩu đạt gần 380 triệu USD vào năm 2024, giúp Việt Nam trở thành nước xuất khẩu chuối lớn thứ 9 thế giới. Sản phẩm chuối Việt Nam có mặt tại Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu, Mỹ và nhiều quốc gia khác.

Các chuyên gia và doanh nghiệp phân tích cơ hội và tiềm năng thị trường của các loại trái cây tỷ đô của Việt Nam
Về dứa, cả nước hiện có hơn 52,5 nghìn hecta, dự kiến sản lượng đạt 807.000 tấn vào năm 2026. Các sản phẩm từ dứa của Việt Nam đã xuất sang các nước châu Âu, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Australia… Theo dự báo, thị trường dứa toàn cầu có thể đạt 36,8 tỷ USD vào năm 2028.
Với chanh dây, Việt Nam hiện đạt 163.000 tấn sản lượng/năm, chủ yếu sản xuất tại các tỉnh khu vực Tây Nguyên. Việt Nam đang trong top 10 quốc gia sản xuất và xuất khẩu chanh dây lớn trên thế giới, đứng sau Brazil, Colombia, Ecuador và Peru. Khoảng 70-80% sản lượng chanh dây tươi và chế biến của nước ta được xuất khẩu đến hơn 20 quốc gia và vùng lãnh thổ. Năm 2024, xuất khẩu chanh dây đạt 172 triệu USD; 5 tháng đầu năm 2025, xuất khẩu các sản phẩm chanh dây thu 89,5 triệu USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ.
Về dừa, Việt Nam hiện có hơn 202 nghìn hecta canh tác, sản lượng hằng năm đạt hơn 2,28 triệu tấn. Việt Nam đang đứng thứ 4 về xuất khẩu dừa tại châu Á - Thái Bình Dương và thứ 5 thế giới. Năm 2024, dừa và các sản phẩm từ dừa xuất khẩu đạt gần 1,1 tỷ USD (trong đó, dừa tươi đạt 391 triệu USD).
Theo Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) Nguyễn Như Cường, nhóm cây ăn quả đang ngày càng khẳng định vai trò động lực trong tăng trưởng nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho nông dân, đóng góp quan trọng vào kim ngạch xuất khẩu nông sản cả nước.
Tuy vậy, con số trái cây xuất khẩu tỷ đô hiện nay vẫn rất khiêm tốn. Năm 2024, chỉ có sầu riêng đạt 3,3 tỷ USD - là mặt hàng duy nhất vượt mốc tỷ đô, trong khi thanh long giảm mạnh còn hơn 534 triệu USD. Điều này cho thấy, ngành trái cây vẫn còn nhiều dư địa nhưng cần giải pháp bứt phá mạnh mẽ, nhất là trong bối cảnh xuất khẩu rau quả nửa đầu năm 2025 có dấu hiệu chững lại.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường cũng đã xây dựng định hướng cho từng loại trái cây. Với chuối, sẽ phát triển vùng nguyên liệu đạt chuẩn VietGAP, đẩy mạnh chế biến sâu và xuất khẩu chính ngạch. Với dứa, chú trọng rải vụ, tăng năng suất và đa dạng sản phẩm. Với chanh dây, ưu tiên giống kháng bệnh, mở rộng thị trường. Với dừa, kết hợp phát triển kinh tế vườn với du lịch sinh thái và sản phẩm OCOP.
Nhiều diễn giả là các chuyên gia, nhà quản lý đã trình bày tham luận, chia sẻ góc nhìn và đề xuất các giải pháp thiết thực nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế của các mặt hàng trái cây chủ lực. Các nội dung thảo luận tập trung vào việc tổ chức lại sản xuất, xây dựng vùng nguyên liệu bền vững, thúc đẩy chế biến sâu, phát triển thị trường xuất khẩu và nâng cao năng lực cạnh tranh cho nông sản Việt.
Kết luận diễn đàn, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh: “Nông nghiệp là nghề đẻ ra tất cả các nghề”. Muốn phát triển công nghiệp nông thôn, du lịch sinh thái, thương mại nội địa hay xuất khẩu toàn cầu - tất cả đều phải bắt đầu từ nền tảng là nông nghiệp bền vững.
Chanh dây, chuối, dứa và dừa là những đại diện tiêu biểu, hội tụ nhiều yếu tố về lợi thế tự nhiên, giá trị kinh tế, khả năng chế biến và tiềm năng thị trường xuất khẩu. Nếu được tổ chức lại khoa học, đầu tư chiều sâu, liên kết toàn chuỗi, thì không chỉ giúp tăng giá trị xuất khẩu mà còn là nền tảng để thực hiện thành công mục tiêu "nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh" mà Đảng và Chính phủ đang kiên trì theo đuổi.
Huyền My (t/h)
Sáng 18/7, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã khai mạc trọng thể. Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì và phát biểu khai mạc Hội nghị. Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm.