Tìm giải pháp tiếp sức cho doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19

Doanh nghiệp - Doanh nhân
02:43 PM 24/08/2021

Dịch bệnh Covid-19 kéo dài đã ảnh hưởng đến nhiều doanh nghiệp (DN) thuộc tất cả các linh vực, trong đó nhiều doanh nghiệp có nguy cơ giải thể, phá sản. Nếu không có những giải pháp cấp bách hỗ trợ cho doanh nghiệp kịp thời thì việc phục hồi sau đại dịch là rất khó khăn.

Doanh nghiệp trước nguy cơ đứt gãy chuỗi sản xuất

Theo Tổng cục Thống kê, trung bình mỗi tháng có tới 8.500 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Còn theo Báo cáo tác động của dịch Covid-19 với doanh nghiệp Việt Nam do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB) công bố mới đây cho thấy có tới 87,2% trong số 10.200 doanh nghiệp tham gia khảo sát chịu ảnh hưởng ở mức "phần lớn" hoặc "hoàn toàn tiêu cực" trước tác động của đại dịch.

photo-1629790637282

Nhiều doanh nghiệp có nguy cơ phá sản vì dịch Covid. Ảnh minh họa

Đơn cử như ngành gỗ - vốn được xem là điển hình vượt dịch COVID-19 trong 2 năm qua, đang đứng trước bài toán suy giảm tăng trưởng. Theo Bộ Công Thương, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tháng 7/2021 giảm tốc so với tháng trước do ảnh hưởng bởi tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp và lan rộng ở trong nước và các quốc gia châu Á, khiến các DN ngành gỗ phải đối mặt với tình trạng ngưng trệ sản xuất, hoạt động xuất khẩu bị gián đoạn.

Được biết, triển vọng thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ từ nay tới cuối năm rất khả quan, bởi các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ và các quốc gia EU đang bắt đầu trong quá trình phục hồi sau dịch COVID-19, vì vậy nhu cầu tiêu thụ đồ gỗ sẽ tăng cao đáp ứng cho nhu cầu xây dựng tăng mạnh. Tuy nhiên, tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến khó lường tại thị trường trong nước, khiến hoạt động sản xuất và xuất khẩu của các DN bị đình trệ sẽ làm cản trở đà tăng trưởng của ngành gỗ trong thời gian tới.

Tương tự, với ngành thủy sản, trong nửa đầu tháng 8/2021, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 263,8 triệu USD, giảm 41% so với nửa cuối tháng 7/2021 và giảm 30,1% so với cùng kỳ năm 2020. Như vậy, xuất khẩu thủy sản trong nửa đầu tháng 8/2021 đã bị tác động mạnh khi dịch COVID-19 bùng phát mạnh, buộc TP. Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành phố phía Nam phải áp dụng Chỉ thị 16, khiến hoạt động sản xuất và xuất khẩu bị ảnh hưởng.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), nếu không khôi phục được hoạt động sản xuất kinh doanh vào tháng 9/2021 thì ngành thủy sản sẽ bị đứt gãy chuỗi sản xuất, không còn hoặc còn rất ít cơ hội để phục hồi.

Giải pháp nào giúp doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh

Làn sóng Covid tác động tới toàn bộ đời sống kinh tế xã hội, ở mọi ngành nghề lĩnh vực làm cho nhiều doanh nghiệp kiệt quệ. Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI, nếu các doanh nghiệp bị ảnh hưởng do Covid-19 phải dừng hoạt động quá lâu, sẽ không tránh khỏi một làn sóng phá sản doanh nghiệp tại Việt Nam. Đặc biệt, đối với khu vực FDI, nếu bị thiệt hại quá nhiều do dừng sản xuất, nhiều doanh nghiệp có thể sẽ buộc phải rút khỏi thị trường, kéo theo giá trị sản xuất công nghiệp và xuất khẩu của Việt Nam sụt giảm, ảnh hưởng tới thu ngân sách nhà nước, thất nghiệp và gánh nặng an sinh xã hội sẽ gia tăng...

Tại dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp (DN) trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đã đặt ra rất nhiều mục tiêu, trong đó có mục tiêu đưa 50.000 DN quay trở lại hoạt động trong năm 2021. Đồng thời, hỗ trợ tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh của DN để giảm thiểu tối đa số DN tạm ngừng hoạt động, giải thể, phá sản do tác động bởi đại dịch COVID-19.

Dự thảo Nghị quyết nêu rõ mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2021 đạt một số chỉ tiêu như: Luỹ kế khoảng 1 triệu lượt DN, khách hàng được hưởng chính sách tín dụng hỗ trợ ứng phó đại dịch COVID-19. Khoảng 160.000 DN được hưởng chính sách gia hạn nộp thuế; miễn, giảm thuế, phí, tiền thuê đất.

photo-1629790638047

Cần nhiều giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp vực dạy. Ảnh minh họa

Theo GS.TS. Hoàng Văn Cường, đại biểu Quốc hội khóa XV, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, các DN cần được hỗ trợ khoản vay với lãi suất tối thiểu để họ trả lương lao động. Đồng thời, cần phải có những phương án hỗ trợ cụ thể cho từng nhóm DN.

Với DN quy mô lớn và trung bình, để tạo nguồn lực duy trì sản xuất, chớp lấy thời cơ khi thị trường thế giới phục hồi cần hỗ trợ họ hoạt động. Việc thực hiện kế hoạch vừa sản xuất vừa phòng dịch là rất cần thiết. Chính quyền địa phương cần vào cuộc để DN có thể duy trì hoạt động theo các phương án linh hoạt.

Đối với DN nhỏ và vừa, cần giảm gánh nặng như giảm tiền thuê đất, tiền điện, nước... để gia tăng điều kiện tồn tại của DN, hộ kinh doanh.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần chủ động xây dựng các kế hoạch, chương trình hành động giảm thiểu các tác động của đại dịch và đón đầu, sẵn sàng ứng biến trước những thay đổi của xã hội, thị trường, công nghệ…

Doanh nghiệp cần liên tục, linh hoạt triển khai các cách làm mới, nắm bắt cơ hội mới từ thị trường và ứng dụng công nghệ để nhanh chóng thích ứng, đảm bảo sản xuất, kinh doanh không gián đoạn, thông suốt trong quản trị, vận hành. Cùng đó, doanh nghiệp phải tăng cường tương tác đa kênh đảm bảo kết nối không tiếp xúc nhưng liền mạch, tăng cường trải nghiệm cho khách hàng, đối tác, nhân viên dựa trên công nghệ.

Theo các chuyên gia, các hiệp hội doanh nghiệp cần chia sẻ kinh nghiệm, cách thức của các doanh nghiệp đã ứng phó hiệu quả để tồn tại và phát triển được trong bối cảnh khó khăn của đại dịch Covid-19, nhất là những bài học về lựa chọn thị trường, đối tác, quan hệ kinh doanh, đầu tư xây dựng "nội lực" cốt lõi của doanh nghiệp để tăng khả năng chống chịu với các cú sốc. Với những diễn đàn chia sẻ thông tin như vậy, các ngành hàng có thể cùng nhau nhìn lại những gì đã và có thể sẽ xảy ra trong ngành mình, bàn hướng tăng cường hợp tác, liên kết để phát triển trong tương lai…

Trương Hưng
Ý kiến của bạn
Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới

Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.