Tin bão số 3 và hướng dẫn neo đậu tàu thuyền tránh trú bão
Ngày 5/9, Ban Chỉ đạo quốc gia Phòng chống thiên tai đã gửi tin nhắn hướng dẫn neo đậu thuyền an toàn trú bão Yagi tới hơn 9,3 triệu người dân các tỉnh ven biển.
Theo thông tin từ Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, cơn bão số 3 (tên quốc tế là Yagi) đã đạt mức siêu bão khi hoạt động trên Biển Đông. Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cũng đã công bố cấp độ rủi ro thiên tai cấp 4.
Hồi 13 giờ ngày 5/9, vị trí tâm siêu bão ở vào khoảng 19,2 độ Vĩ Bắc; 115,2 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Bắc khu vực Bắc Biển Đông, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 460km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm siêu bão mạnh cấp 16 (184-201km/h), giật trên cấp 17, di chuyển theo hướng Tây, tốc độ khoảng 10km/h.
Dự báo: Trong 24 đến 72 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ khoảng 10-15km/h. Trên vùng biển: Khu vực Bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 11-14, vùng gần tâm siêu bão đi qua cấp 15-16, giật trên cấp 17; biển động dữ dội.
Từ khoảng trưa 06/9, vùng biển phía Đông của vịnh Bắc Bộ (bao gồm huyện đảo Bạch Long Vỹ) có gió mạnh dần lên cấp 6-7. Từ đêm 06/9, khu vực vịnh Bắc Bộ (bao gồm huyện đảo Bạch Long Vỹ, Cô Tô) gió mạnh dần lên cấp 8-9, sau tăng lên cấp 10-12, vùng gần tâm bão đi qua cấp 13-14, giật cấp 17; biển động dữ dội.
Trong đất liền: Từ gần sáng 07/9, vùng ven biển từ Quảng Ninh đến Thanh Hoá có gió mạnh dần lên cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8-9, vùng gần tâm bão cấp 10-12, giật cấp 14; khu vực sâu trong đất liền phía Đông Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6-8, giật cấp 9-11.
Để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản, người dân lưu ý không được chủ quan mà phải thường xuyên theo dõi vị trí, hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh. Thu lưới ngay, trường hợp khẩn cấp có thể phải cắt bỏ lưới. Xác định vị trí của tàu thuyền so với vùng nguy hiểm để kịp thời di chuyển vào nơi neo đậu an toàn gần nhất hoặc thoát ra khỏi vùng nguy hiểm của bão theo khuyến cáo của cơ quan chức năng. Tuyệt đối không điều khiển tàu chạy về bờ cùng với hướng di chuyển của bão. Đồng thời chuẩn bị các dụng cụ chống thủng, chống chìm để sử dụng khi cần và luôn giữ liên lạc thường xuyên với các đài trực canh ven bờ và cơ quan chức năng.
Người dân neo đậu tàu thuyền tránh trú bão số 3 cần lưu ý và tuân thủ những kiến thức cơ bản như: Đưa tàu thuyền ra khỏi khu vực nguy hiểm. Đối với tàu đậu ở cửa sông, dọc triền sông thì có thể neo buộc cố định vào các trụ độc lập dọc bờ, mũi tàu hướng ra ngoài bờ, vị trị của tàu so với bờ tạo thành góc 45 độ để khi gặp tình huống khẩn cấp tàu có thể quay, trở dễ dàng.
Tàu đậu ở bến bãi không có cầu tàu thì neo đậu phải theo hướng thẳng với góc bờ, giữ khoảng cách với các tàu đủ rộng để tránh va nhau. Tuyệt đối không neo đậu tàu theo hướng song song bờ, vì như thế tàu rất dễ bị sóng đánh thẳng vào mạn làm lật tàu. Thả cả neo lái và neo mũi để giữ cho tàu cố định.
Khi trong vùng neo đậu có nhiều tàu, để việc neo tàu không ảnh hưởng đến việc di chuyển của tàu khác, đồng thời giảm sức căng dây neo khi chịu tác động của sóng, có thể dùng một vật bằng kim loại treo vào dây neo, trọng lượng của vật bằng khoảng ½ trọng lượng neo. Sử dụng các lốp xe hơi cũ treo ở thành mạn tàu thuyền và cả mũi tàu thuyền để hạn chế va vào nhau và va vào cầu tàu thuyền. Không neo đậu tàu dưới hoặc bên cạnh cầu giao thông, không lấy trụ cầu để buộc neo tàu.
Thành Trung - Đức Thạnh
Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.