Tín dụng chính sách đồng hành cùng người dân trên con đường an cư, lạc nghiệp
Nguồn vốn vay ưu đãi của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn trong những năm qua đã trở thành động lực quan trọng giúp nhiều hộ dân phát triển kinh tế gia đình, cải thiện đời sống. Từ đó, xuất hiện nhiều tấm gương điển hình trong sản xuất kinh doanh, vượt khó vươn lên làm giàu chính đáng.
Thôn Phiêng Phàng nằm cheo leo trên đỉnh núi Pù Lầu, là thôn vùng cao của xã Yến Dương. Hầu hết các hộ trong thôn là người Dao, đời sống khó khăn do khí hậu khắc nghiệt, đất canh tác ít.
Gia đình anh Đặng Hành Duy quanh năm chỉ trông chờ vào ruộng vườn, đồng áng, gia đình còn phải phụ giúp cho hai người bác ruột bị khuyết tật, nên anh trai Duy chỉ học đến lớp 9 rồi xin nghỉ học phụ giúp bố mẹ việc đồng áng, chăn nuôi. Duy may mắn hơn, được bố mẹ cho đi học đến hết lớp 12. Cũng như bao bạn học sinh khác, Duy cũng có ước mơ được bước chân vào giảng đường đại học, tuy nhiên, với sức học vừa phải, bản thân Duy đành chấp nhận dừng bước trước kỳ thi đại học khó khăn năm đó.
Trong điều kiện khó khăn, gia đình Anh Đặng Hành Duy luôn trăn trở tìm cách để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Và thật may mắn, với sự quan tâm, hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền địa phương, Hội Liên hiệp phụ nữ xã và Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Ba Bể, gia đình đã có thêm động lực vươn lên phát triển kinh tế, trải qua giai đoạn khó khăn nhất.
Anh Duy vẫn còn nhớ lần bố dắt 2 con trâu đầu tiên gia đình mua được từ vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội về, ánh mắt của bố chứa đầy niềm tin, hi vọng và lòng quyết tâm mãnh liệt sẽ vươn lên phát triển kinh tế. Với những kiến thức chăn nuôi đã được Hội Liên hiệp phụ nữ xã tập huấn, hướng dẫn, từng lứa trâu đã lần lượt được xuất chuồng đem lại cho gia đình anh những nguồn thu nhập đầu tiên.
Bản thân Anh Duy, sau khi hoàn thành xong nghĩa vụ quân sự đã đi học nghề sửa điện nước, điều hòa tại thành phố Bắc Kạn. Sau này khi được biết để lo cho mình được đi học nghề, bố mẹ đã phải bán đi một con trâu, là tài sản của gia đình tích cóp được. Bản thân tự dặn với lòng mình phải cố gắng học tập và làm việc để không phụ lòng tin của bố mẹ và những con người, những đơn vị đã giúp đỡ cho gia đình.
Được học nghề, được làm việc và được tiếp xúc với môi trường lao động năng động, náo nhiệt như thành phố Bắc Kạn và huyện Chợ Đồn, nhưng bản thân Duy lúc nào cũng hướng về quê hương Phiêng Phàng, nơi đó có gia đình, bố mẹ, vợ con và những người thân yêu. Anh luôn khao khát muốn đem một điều gì đó mới mẻ, đóng góp công sức của mình, giúp cho quê hương mình không còn khó khăn, gia đình, bố mẹ và vợ con bớt khổ. Và rồi cơ hội cũng đã đến với chàng trai vùng cao, cuộc sống của Duy đã thay đổi từ khi được một người anh trong nhà giới thiệu lên Sa Pa (Lào Cai) để tham quan mô hình chăn nuôi cá hồi, cá tầm.
Ngọn núi Pù Lầu nằm trong dãy Phja Bjoóc, nơi gia đình Duy sinh sống, có khí hậu mát mẻ lại có nước đầu nguồn sạch, quanh năm lạnh. Sườn núi có độ dốc cao, nước chảy xuống mạnh, thích hợp để nuôi cá tầm, cá hồi. Số vốn liếng tích góp được từ việc đi làm điện nước, sửa chữa điều hòa trước kia, anh đã tập trung vào đầu tư làm bể, nghiên cứu kỹ thuật chăn nuôi cá hồi.
Anh Duy tâm sự những năm đầu nuôi, cá chết nhiều, chẳng mấy chốc số tiền mà gia đình và cá nhân anh tích cóp bấy lâu đã cạn, phải chạy vạy vay anh em người thân trong gia đình. Có những lúc trong nhà chỉ còn có vẻn vẹn 02 triệu đồng, nhưng vì tin vào khả năng của anh, bố, mẹ cũng gửi gắm hết cho anh để đầu tư nhập giống cá về chăn nuôi, anh đã từng nghĩ đến đi vay nặng lãi, tín dụng đen để có tiền trang trải cho giấc mơ của mình.
Và một lần nữa, cơ duyên giữa gia đình Duy và Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Ba Bể lại được viết tiếp. Biết đến chính sách cho vay để hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm từ Ngân hàng chính sách xã hội, Duy đã chủ động đề xuất với tổ Tiết kiệm và vay vốn.
Sau khi được nghe tư vấn về thủ tục cũng như quy trình tiếp cận vốn vay, bản thân anh đã chủ động đăng ký và được hướng dẫn rất tận tình. Được tiếp xúc với các anh chị tổ chức hội, tổ Tiết kiệm và vay vốn, cán bộ ngân hàng chính sách rất tận tâm, tận tình đã giúp anh xua tan đi nỗi lo lắng về nguồn vốn, có thêm động lực để tiếp tục cùng với các anh chị em trong thôn thực hiện tiếp những công việc còn dang dở.
Anh Đặng Hành Duy chăm sóc đàn cá của mình
Số tiền anh Duy vay vốn từ Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện Ba Bể tuy không nhiều, nhưng nó đã giúp những người con của quê hương Phiêng Phàng như anh có một công việc ổn định, đem lại cho gia đình khoản thu nhập khá. Sau hơn 4 năm đầu tư, bản thân Duy tự hào khẳng định khi đã tự tay trả được hết các khoản nợ mà bố mẹ và những người thân trước kia đã chạy vạy vay giúp mình.
Đây là địa điểm tham quan trải nghiệm của du khách
Trong một lần ngồi tâm sự, Duy bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, Hội đoàn thể xã và đặc biệt là Ngân hàng Chính sách xã hội đã quan tâm, tạo điều kiện cho anh được vay vốn.
Nguồn vốn tín dụng chính sách không chỉ giúp anh cùng gia đình vươn lên thoát nghèo, có việc làm, thu nhập ổn định mà còn giúp cá nhân anh Duy càng tâm đắc với câu nói đúc kết của các bậc tiền nhân: "An cư" rồi mới "Lạc nghiệp".
"Và thật sự, Ngân hàng Chính sách xã hội đã giúp cho gia đình và cá nhân tôi có được cả hai điều đó cùng một lúc, tôi sẽ không bao giờ quên ơn họ", anh Duy chia sẻ.
Nghĩa Đồng“Với hạ tầng, hệ sinh thái du lịch hoàn thiện và khả năng tiếp cận thuận tiện, Phú Quốc có thể trở thành địa điểm tổ chức các sự kiện tầm cỡ thế giới như APEC. Phú Quốc đang ở giai đoạn vàng để phát triển toàn diện”, Phó Chủ tịch thường trực Hội Lữ hành G7 đánh giá.