Tín dụng đến cuối tháng 5 mới chỉ tăng 2,41%

Ngân hàng
04:08 PM 06/06/2024

Tín dụng tính đến cuối tháng 5 chỉ tăng 2,41% so với cuối năm 2023, dư nợ tín dụng đã tăng thêm hơn 326.800 tỷ đồng. Con số này cách khá xa mục tiêu mà Chính phủ và NHNN đã đề ra trước đó là tăng trưởng tín dụng đến nửa năm 2024 đạt 5 - 6%.

Từ đầu năm 2024, NHNN đã đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm khoảng 15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. Với tỷ lệ tăng trưởng tín dụng tính đến cuối năm 2023 đạt 13,5%, tăng 15% so với cuối năm 2022, tổng dư nợ tín dụng của nền kinh tế trong năm 2023 đạt gần 13,6 triệu tỷ đồng, theo đó ước tính 1,3 triệu tỷ đồng đã được bơm ra.

Tín dụng đến cuối tháng 5 mới chỉ tăng 2,41%- Ảnh 1.

Như vậy, với mục tiêu tăng trưởng tín dụng là 15%, ước tính khoảng 2 triệu tỷ đồng sẽ được đưa vào nền kinh tế.

Tuy nhiên, thông tin từ cuộc họp thường kỳ Chính phủ tháng 5 cho biết, tín dụng tính đến cuối tháng 5 chỉ tăng 2,41% so với cuối năm 2023, dư nợ tín dụng đã tăng thêm hơn 326.800 tỷ đồng. Hiện chỉ còn chưa đầy 1 tháng là quý II kết thúc nhưng tăng trưởng tín dụng mới chỉ đạt chưa được nửa mục tiêu mà Chính phủ đề ra.

Theo lý giải của Thống đốc NHNN, tín dụng những tháng đầu năm chậm lại do một loạt nguyên nhân như cầu tín dụng yếu, khó khăn trong triển khai các chương trình chính sách. Cụ thể, cầu và sức hấp thụ vốn của nền kinh tế đang gặp khó khăn, nhiều khách hàng vay chưa đáp ứng đủ điều kiện vay vốn; đầu tư, sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng giảm, dẫn tới cầu tín dụng của người dân, doanh nghiệp giảm tương ứng.

Thống đốc NHNN chỉ ra những khó khăn, vướng mắc trong triển khai một số chương trình, chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng. Cụ thể, đối với gói tín dụng 120.000 tỷ đồng: các quy định pháp luật liên quan đến dự án nhà ở xã hội (quỹ đất, trình tự, thủ tục mua bán, định giá…) còn nhiều vướng mắc; số lượng dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư rất ít; một số điều kiện đối với người mua nhà không còn phù hợp.

Bên cạnh đó, các gói cho vay tiêu dùng gặp khó khăn khi thu nhập của người lao động sụt giảm trong bối cảnh thất nghiệp, mất việc làm tăng nên không có nguồn để trả nợ dẫn đến cầu tín dụng tiêu dùng giảm…. công nhân, người lao động chưa nắm bắt rõ thông tin trong khi doanh nghiệp, công đoàn cơ sở chưa thật sự chú trọng truyền thông, phổ biến gói vay.

Theo CTCK SSI Research, tăng trưởng tín dụng thấp giúp cho thanh khoản hệ thống không gặp nhiều vấn đề mặc dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã thực hiện các nghiệp vụ hút ròng trong tháng 5 nhằm ổn định tỷ giá.

Từ đầu tháng 6, sau hàng loạt biện pháp của NHNN và đặc biệt với phương án bình ổn vàng qua Big 4+1 (Vietcombank, BIDV, VietinBank, Agribank + SJC), giá vàng trong nước đã thu hẹp khoảng cách (gap) với giá vàng quốc tế, mức chênh chỉ còn 6 triệu đồng/ lượng. Cùng với đó, tỷ giá hạ nhiệt đáng kể.

Dự trữ ngoại hối sẽ là một trong những "điểm tựa" để đánh giá dư địa về can thiệp tỷ giá cũng như đảm bảo khả năng cung ứng vàng bình ổn thị trường đủ để thị trường trong nước "chạy" theo mặt bằng được ấn định. Qua đó, giảm áp lực nhấc tăng lãi suất và các biện pháp can thiệp bơm - hút, trung hòa của NHNN, giảm áp lực tới cân đối vốn của các ngân hàng.

Bên cạnh đó, tình hình nhập siêu trở lại trong tháng 5 tuy nhiên không phải vấn đề đáng lo lắng khi chủ yếu nhập các hàng hóa nguyên vật liệu sản xuất, hứa hẹn phục vụ cho xuất khẩu đến kỳ có đà tăng trưởng cao hơn. Đó là cũng là điểm để tín dụng có thoát khỏi tình trạng còn ì ạch chậm trong tăng dư nợ của hiện nay.

An Mai (t/h)
Ý kiến của bạn
Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới

Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.