Tín dụng ngân hàng đối mặt nhiều khó khăn

Doanh nghiệp - Doanh nhân
05:35 PM 11/09/2021

Nhiều doanh nghiệp đang đối mặt với những khó khăn do đợt bùng phát dịch bệnh Covid -19 lần thứ 4 cũng kéo theo những thách thức với các ngân hàng hiện nay với việc gia tăng nợ xấu và vấn đè tăng trưởng tín dụng (TTTD).

Dư nợ tín dụng tăng

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam, tính đến thời điểm này tín dụng của toàn hệ thống tăng gần 7% so cuối năm trước. Mặc dù mức tăng này vẫn được đánh giá là tích cực trong bối cảnh dịch bệnh, nhưng theo dự báo, việc tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố phía nam hiện nay sẽ tác động không nhỏ đến TTTD. 

photo-1631355540646

Doanh nghiệp khó khăn kéo theo dư nợ tín dụng gia tăng. Ảnh minh họa

Kết quả khảo sát được NHNN công bố mới đây cũng cho thấy, các tổ chức tín dụng (TCTD) dự báo dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng tăng 4,7% trong quý III/2021 và tăng 13,1% trong năm 2021, giảm so mức kỳ vọng 14,7% tại kỳ điều tra trước.

Nguyên nhân chủ yếu do tình hình dịch COVID-19 bùng phát, các thị trường và hoạt động của doanh nghiệp gặp khó khăn, tổng cầu giảm; tài chính của doanh nghiệp và dòng tiền bị gián đoạn do tạm ngưng hoạt động, đóng cửa và thị trường tiêu thụ gặp khó, thu hẹp sản xuất… Vì vậy, doanh nghiệp gặp khó khăn trong vay trả nợ ngân hàng, tiềm ẩn rủi ro nợ xấu phát sinh và có xu hướng gia tăng, nếu khó khăn kéo dài và không được tháo gỡ kịp thời.

Hơn thế, quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bị tạm ngưng hoạt động, gián đoạn sản xuất và tiêu thụ hàng hóa chậm kéo theo chu chuyển vốn chậm và vòng quay tín dụng chậm lại.

Theo các chuyên gia, kế hoạch vay vốn của các DN cũng như giải ngân vốn của ngân hàng trong thời gian tới nhiều hay ít, nhanh hay chậm phụ thuộc nhiều vào việc sớm kiểm soát dịch bệnh. Đây cũng là thách thức với các ngân hàng phải đối mặt khi vừa phải đảm bảo vừa giữ vững sự an toàn của hệ thống ngân hàng vừa phải hỗ trợ được và xử lý được những khó khăn của doanh nghiệp. Nếu như không có giải pháp trích lập dự phòng rủi ro thì trong tương lai ngân hàng sẽ rất khó khăn nếu các khoản nợ xấu phát sinh trong khi lợi nhuận thì đã "ăn" hết. Điều này sẽ kéo theo gánh nặng rất lớn cho ngành ngân hàng.

Đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp

Trong điều kiện sản xuất - kinh doanh bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, nhưng các chương trình cho vay đều tăng so với cùng kỳ với bình quân khoảng 5 - 6% và góp phần cho tăng trưởng tín dụng chung trong 8 tháng của năm 2021 tăng gần 6%. Đây là một thành tích đáng ghi nhận, thể hiện sự nỗ lực, chia sẻ khó khăn và đồng hành với doanh nghiệp, khách hàng của các tổ chức tín dụng.

Hiện tại, các ngân hàng đang triển khai rất nhiều giải pháp để hỗ trợ khách hàng như mạnh tay cắt giảm lợi nhuận để giảm lãi suất cho vay, tung các gói tín dụng ưu đãi với quy mô lớn hỗ trợ DN trong các lĩnh vực ưu tiên, DN có trụ sở, cơ sở sản xuất kinh doanh tại 19 tỉnh, thành phố phía nam đang thực hiện giãn cách xã hội hoặc mục đích vay vốn thuộc các ngành nghề bị ảnh hưởng nghiêm trọng như: dệt may, da giày, vật tư y tế, thương mại phân phối, bán lẻ, lúa gạo, thủy sản, vật tư nông nghiệp… Bên cạnh đó, các DN hoạt động trong lĩnh vực bị ảnh hưởng trực tiếp dịch bệnh đã dần thích nghi và có biện pháp tiếp cận tổ chức sản xuất kinh doanh phù hợp tình hình thực tế.

Về phía cơ quan quản lý nhà nước, NHNN cho biết, sẽ rà soát, xem xét điều chỉnh chỉ tiêu TTTD đối với từng TCTD trên cơ sở tình hình hoạt động, năng lực tài chính và khả năng TTTD lành mạnh. Trong đó, ưu tiên TCTD giảm mặt bằng lãi suất cho vay; chỉ đạo TCTD thực hiện TTTD an toàn, hiệu quả, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên.

Hiện, 16 ngân hàng đã cam kết cắt giảm lãi vay từ 0,5 - 2,5%/năm, với tổng giá trị lãi cắt giảm khoảng 20.300 tỷ đồng, để hỗ trợ DN và người dân đang gặp khó khăn bởi dịch Covid-19, trong thời gian từ ngày 13/7/2021 đến cuối năm 2021.

photo-1631355542785

Ngân hàng cầnđảm bảo vừa giữ vững sự an toàn của hệ thống ngân hàng vừa phải hỗ trợ được và xử lý được những khó khăn của doanh nghiệp. Ảnh minh họa

Tuy nhiên các giải pháp lâu dài cũng cần các ngân hàng tính đến khi tình hình dịch bệnh vẫn rất phức tạp. Giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp hậu Covid -19 cần bàn đến. Đó là tiếp tục đầu tư vốn cho phát triển sản xuất - kinh doanh, nhất là các ngành dịch vụ và thương mại, xuất khẩu cho doanh nghiệp.

Đồng thời, có ngay các gói tín dụng nhỏ phục vụ cho phần đông lao động nghèo với các ngành nghề kinh doanh và mua bán nhỏ, nhằm hạn chế tối đa nạn vay nóng hoặc tín dụng đen với lãi suất "cắt cổ" thông qua các công ty tài chính vốn khó kiểm soát và thật sự trở thành gánh nặng cho lao động nghèo.

Tương Hưng
Ý kiến của bạn
Đẩy mạnh chuyển đổi số cho các mô hình kinh doanh truyền thống Đẩy mạnh chuyển đổi số cho các mô hình kinh doanh truyền thống

Công cuộc số hóa chợ hay tiệm tạp hóa truyền thống không chỉ đơn thuần gói gọn trong việc quét mã QR để thanh toán. Đây là một "cuộc chơi lớn" với 1,4 triệu tạp hoá đang chờ “lên đời công nghệ".