Tín dụng ưu đãi góp phần xây dựng nông thôn mới ở Đồng Nai
Ngày 22/9, UBND tỉnh Đồng Nai đã tổ chức hội nghị tổng kết 20 năm thực hiện Nghị định 78/2002/NĐ-CP về triển khai chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh.
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai kiêm Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Đồng Nai, Nguyễn Sơn Hùng cho biết: Với những kết quả đạt được trong 20 năm qua cho thấy, chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác là chủ trương đúng đắn, có tính nhân văn sâu sắc của Đảng, Nhà nước; có vai trò quan trọng trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, đảm bảo an sinh và công bằng xã hội; đúng định hướng trong xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ đổi mới, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có sự quản lý của Nhà nước.
Thông qua đó đã góp phần chăm lo cho người nghèo và đối tượng yếu thế trong xã hội, tạo điều kiện để người nghèo và đối tượng chính sách có vốn để sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện chất lượng sống, góp phần thực hiện mục tiêu đảm bảo an sinh, công bằng xã hội và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn của Đồng Nai.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai kiêm Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Đồng Nai, Nguyễn Sơn Hùng, sau 20 năm triển khai thực hiện các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh đã có trên 600 ngàn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay với trên 11.449 tỷ đồng để tổ chức sản xuất kinh doanh, đầu tư cho con em học tập, giải quyết việc làm và các nhu cầu thiết yếu về đời sống.
Tổng nguồn vốn đến cuối tháng 8 năm 2022 đạt hơn 4.800 tỷ đồng, tăng 39,3 lần so với mới thành lập. Đến nay đã triển khai thực hiện 17 chương trình tín dụng ưu đãi với tổng dư nợ đạt 4.793 tỷ đồng, với hơn 110 ngàn hộ còn dư nợ, tăng 42 lần so với lúc mới thành lập, tốc độ tăng trưởng dư nợ bình quân hàng năm là 23,55% và đặc biệt bình quân dư nợ hộ vay đã tăng từ 2,9 triệu đồng/hộ lên hơn 43 triệu đồng/hộ.
Vốn tín dụng chính sách trong 20 năm qua đã góp phần cùng các biện pháp kinh tế - xã hội khác giúp gần 86 ngàn lượt hộ nghèo; tạo việc làm cho trên 122 ngàn lao động, giúp trên 88 ngàn học sinh, sinh viên được vay vốn để học tập, giúp xây dựng trên 336 ngàn công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, hỗ trợ mua, xây mới, cải tạo 591 căn nhà cho người nghèo và các đối tượng chính sách, hỗ trợ cho hàng ngàn hộ nghèo vùng khó khăn có vốn để sản xuất kinh doanh, cải thiện cuộc sống.
Trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai kiêm Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Đồng Nai, Nguyễn Sơn Hùng nhấn mạnh, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Đồng Nai cần bám sát chiến lược phát triển đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tham mưu hiệu quả cho Tỉnh ủy trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện và nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách xã hội. Đồng thời tiếp tục tranh thủ sự hỗ trợ về nguồn vốn của trung ương, tập trung nguồn lực của địa phương đối với một số chương trình tín dụng trọng tâm, coi các đối tượng người nghèo và đối tượng chính sách xã hội khác là trọng tâm để phát triển để phục vụ tốt hơn. Cần tiếp tục tăng cường hơn trong ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa ngân hàng, nâng cao năng lực, có giải pháp phát triển các sản phẩm, dịch vụ hỗ trợ đem lại tiện ích cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, ông Nguyễn Đức Hải, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam đánh giá cao những kết quả đạt được của Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Đồng Nai. Đồng thời, đề nghị cần thực hiện tốt Chỉ thị 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội và kết luận số 06-KL/TWcủa Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW.
Thời gian tới, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh cần tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả mô hình tổ chức và phương thức quản lý tín dụng chính sách xã hội đặc thù; chủ động thực hiện tốt việc huy động, quản lý và sử dụng vốn hiệu quả. Đồng thời, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa ngân hàng; nâng cao năng lực, có giải pháp phát triển các sản phẩm, dịch vụ hỗ trợ đem lại tiện ích cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe một số tham luận điển hình của các tập thể và cá nhân nhằm minh chứng và làm rõ thêm tính đúng đắn của chủ trương chính sách về tín dụng ưu đãi, những thành quả mà tín dụng chính sách đã góp phần thực hiện trong công tác giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn của tỉnh Đồng Nai trong 20 năm qua.
Cụ thể như Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh với tham luận về "Hiệu quả từ nguồn vốn chính sách tín dụng ưu đãi đối với Chương trình giảm nghèo và giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh Đồng Nai".
Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh với tham luận: "Kết quả phối hợp thực hiện hoạt động ủy thác cho vay với Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Đồng Nai".
UBND huyện Vĩnh Cửu với tham luận "Vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của UBND huyện trong việc triển khai thực hiện cho vay các chương trình tín dụng chính sách xã hội giai đoạn (2002-2022)".
UBND xã Xuân Đông, huyện Cẩm Mỹ với tham luận "Tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn xã Xuân Đông, huyện Cẩm Mỹ".
Hội Nông dân xã La Ngà, huyện Định Quán với tham luận "Gắn tín dụng chính sách xã hội với các mô hình, chương trình, dự án phát triển nông nghiệp trên địa bàn xã La Ngà, huyện Định Quán".
Bà Lê Thị Huế - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn ấp 1, xã Gia Canh, huyện Định Quán với tham luận"Vai trò của Tổ Tiết kiệm và vay vốn trong hoạt động ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác".
Ông Chăng Thanh Bình - Hộ vay vốn tiêu biểu ấp 6, xã Phú Tân, huyện Định Quán với tham luận: "Về thoát nghèo từ nguồn vốn vay của Ngân hàng chính sách xã hội huyện trong việc phát triển mô hình chăn nuôi dê".
Ông Nguyễn Văn Dội - Hộ vay vốn tiêu biêu ấp Phước Lương, xã Phú Hữu, huyện Nhơn Trạch với tham luận "Nhờ biết cách sử dụng vốn vay tín dụng chính sách có hiệu quả nên đã thoát nghèo bền vững".
Dịp này, có nhiều tập thể và cá nhân nhận bằng khen của Trung ương và địa phương vì đã có những đóng góp tích cực, thành tích xuất sắc trong 20 năm hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội và trong triển khai thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ trên địa bàn tỉnh.
Huỳnh MạnhBáo cáo từ Bộ Tài chính cho biết, ước giải ngân vốn đầu tư công của cả nước đến hết tháng 11 là 410.953,1 tỷ đồng, đạt 60,43% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.