Tín dụng vào đà tăng trưởng mạnh
Tốc độ tăng trưởng tín dụng được kỳ vọng sẽ tăng tốc mạnh vào những tháng cuối năm, do đó, chất lượng tài sản của ngành Ngân hàng cũng cải thiện hơn.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đến giữa tháng 9/2024 đạt 7,38% so với cuối năm 2023 (cùng kỳ đạt 5,73%). Trong đó, khối ngân hàng thương mại tư nhân tăng 8,6%, chiếm 45% thị phần, tăng cao nhất toàn hệ thống.
Các con số này cho thấy tín dụng đang vào đà tăng tốc, khi trước đó số liệu đến cuối tháng 8/2024, tăng trưởng tín dụng mới đạt 6,63%.
Trung tâm Phân tích Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS Research) cho biết, nhu cầu tín dụng sẽ tăng tốc trong nửa cuối năm 2024 khi mặt bằng lãi suất duy trì ở mức thấp, giúp thúc đẩy nhu cầu vay và nền kinh tế hồi phục.
VCBS dự báo, tốc độ tăng trưởng tín dụng cả năm 2024 ước đạt 14% với động lực tăng trưởng tín dụng đến từ thịtrường bất động sản và hoạt động sản xuất - xuất khẩu - đầu tư công duy trì mức tăng trưởng khả quan hơn trong 6 tháng cuối năm.
Bên cạnh đó, Chính sách điều hành tăng trưởng tín dụng mới của NHNN vào thời điểm tháng 8/2024 với chỉ đạo “những ngân hàng có tốc độ tăng trưởng dư nợ cho vay từ 80% chỉ tiêu đươc giao sẽ được tăng thêm hạn mức tín dụng dựa trên cơ sở điểm hạng” tạo điều kiện thuận lợi giúp các ngân hàng chủ động cung ứng nguồn vốn để đáp ứng mục tiêu tăng trưởng kinh tế.
Những dòng tín dụng mới trong những tháng cuối năm 2024 (với mức lãi suất và quy mô hợp lý) được bơm ra nền kinh tế để hỗ trợ doanh nghiệp và cá nhân ở khu vực phía Bắc có vốn mới quay vòng nhằm phục hồi sản xuất kinh doanh và khắc phục thiệt hại sau bão Yagi cũng như có thời gian vừa đủ để doanh nghiệp/hộ kinh doanh tái sản xuất sinh lời và có điều kiện để trả nợ.
Tín dụng khởi sắc, chất lượng tài sản của ngành Ngân hàng cũng cải thiện hơn. Áp lực nợ xấu trong nửa cuối năm 2024 không quá lớn. Bởi nợ xấu sẽ hạ nhiệt cùng với đà phục hồi của nền kinh tế nói chung. Nợ xấu phát sinh do ảnh hưởng của bão Yagi sẽ chưa quá lớn ở thời điểm hiện tại, tuy nhiên cần thêm thời gian để đánh giá. Theo thống kê sơ bộ của NHNN tính đến ngày 20/9, ước tính có khoảng 116.000 tỷ đồng dư nợ tại các tỉnh thành bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nợ xấu mới có thể phát sinh thêm trong tương lai theo chu kỳ tín dụng mới và điều này trở thành mối lo mới bên cạnh mối lo về nợ xấu “ẩn” trong việc thực thi các chính sách tái cơ cấu nợ của ngành Ngân hàng.
Con số nợ xấu thực tế có thể cao hơn con số các ngân hàng công bố. Nhiều khả năng trong thời gian tới, nợ xấu còn xu hướng tăng để cân đối được con số nợ xấu thực tế và nợ xấu ngân hàng tái cơ cấu. Theo đó, nếu đến hết năm 2024, khi Thông tư 02/2023/TT-NHNN (đã được sửa đổi bởi Thông tư 06/2024/TT-NHNN) hết hiệu lực, nợ xấu tiếp tục tăng, thì khả năng NHNN có thể lại phải gia hạn việc tái cơ cấu nợ thêm một thời gian, tạo điều kiện cho các ngân hàng xử lý nợ.
Do đó, cần xem xét, đánh giá thật kỹ đối tượng được áp dụng tái cơ cấu nợ theo hướng doanh nghiệp nào có khả năng phục hồi thì cần tìm mọi giải pháp tháo gỡ. Còn trường hợp doanh nghiệp không có khả năng phục hồi, năng lực tài chính yếu kém thì kiên quyết không cơ cấu nợ và thực hiện xử lý tài sản bảo đảm thu hồi nợ, phần thiếu hụt xử lý quỹ dự phòng rủi ro của TCTD.
Minh An (t/h)Sau 5 năm thực thi Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), doanh nghiệp Việt Nam đã tận dụng hiệu quả ưu đãi từ CPTPP, đưa kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá tăng hơn 56%.