Tín dụng xanh tăng trưởng cả về lượng và chất
Thời gian qua, NHNN đã triển khai kịp thời, đồng bộ nhiều giải pháp để tạo điều kiện triển khai, thúc đẩy hoạt động tín dụng xanh, từ đó, giúp tín dụng xanh tăng trưởng cả về lượng và chất.
Trong tiến trình xanh hóa nền kinh tế, nhu cầu về nguồn lực tài đang ngày càng trở nên cấp thiết. Đặc biệt, trong điều kiện thị trường trái phiếu xanh và thị trường carbon đang hình thành, nguồn vốn tín dụng của hệ thống ngân hàng đã và đang đóng góp vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy các hoạt động mang lại lợi ích môi trường, phát triển các mô hình sản xuất bền vững, góp phần xanh hóa nền kinh tế.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), thời gian qua tín dụng xanh đã phát triển cả về số lượng tổ chức tín dụng (TCTD) tham gia cho vay, quy mô và tốc độ tăng trưởng.
Cụ thể, đến 31/3/2025 đã có 58 tổ chức tín dụng (TCTD) phát sinh dư nợ tín dụng xanh với dư nợ đạt trên 704.244 tỷ đồng, tăng 3,57% so với cuối năm 2024, chiếm tỷ trọng 4,3% tổng dư nợ toàn nền kinh tế.
Tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng xanh bình quân đạt hơn 21,2%/năm trong giai đoạn 2017-2024, cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng của toàn nền kinh tế.
Về số lượng, từ chỗ chỉ có 15 TCTD tham gia cho vay xanh vào năm 2017 với dư nợ tín dụng xanh chỉ đạt 180 nghìn tỷ, đến 31/12/2024, đã có 48 TCTD cho vay với dư nợ tín dụng xanh đạt gần 680 nghìn tỷ đồng, tăng 9,5% so với cuối năm 2023, tập trung chủ yếu vào các ngành năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (chiếm hơn 41%) và nông nghiệp xanh (trên 29%).
Theo bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước (NHNN), thời gian qua, NHNN đã triển khai kịp thời, đồng bộ để tạo điều kiện triển khai, thúc đẩy hoạt động tín dụng xanh. Một trong những định hướng quan trọng là điều hành chính sách tín dụng hợp lý, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, hướng tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ, trong đó có hỗ trợ nền kinh tế chuyển sang mô hình tăng trưởng xanh.
Bên cạnh đó, NHNN định hướng mục tiêu, yêu cầu và xây dựng các giải pháp thúc đẩy phát triển “tín dụng xanh”, “ngân hàng xanh” để góp phần chuyển đổi nền kinh tế sang hướng tăng trưởng xanh, phát thải các bon thấp, thích ứng với biến đổi khí hậu; tăng tỷ trọng vốn tín dụng ngân hàng đầu tư vào năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, các ngành sản xuất và tiêu dùng ít các bon tại các Đề án, Chiến lược phát triển ngành ngân hàng. Đồng thời, đặt ra nhiệm vụ nghiên cứu, ban hành các chính sách ưu đãi, cơ chế hỗ trợ, khuyến khích các TCTD thúc đẩy tín dụng xanh, ngân hàng xanh.
Để cụ thể hóa các chính sách này, bà Hà Thu Giang cho biết, NHNN đã sửa đổi, hoàn thiện các quy định pháp lý liên quan đến cấp tín dụng theo hướng đồng bộ, thống nhất và phù hợp với xu thế phát triển bền vững. Đồng thời, NHNN đẩy mạnh hướng dẫn các TCTD xác định, thống kê hoạt động cấp tín dụng cho 12 lĩnh vực xanh và chỉ đạo tập trung vốn cho các ngành sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, tiêu dùng bền vững, nhà ở thích ứng biến đổi khí hậu…
NHNN đánh giá, tuy tốc độ và tỷ lệ cho vay tín dụng xanh cải thiện rõ, nhưng quá trình triển khai vẫn còn không ít rào cản. Đến nay, Danh mục phân loại xanh quốc gia vẫn chưa được ban hành, gây khó khăn trong việc xác định, thống kê, giám sát tín dụng xanh. Các cơ chế chính sách hỗ trợ đầu tư cho tăng trưởng xanh và chuyển đổi xanh còn đang trong quá trình hoàn thiện.
Trong khi huy động nguồn vốn đầu tư cho các dự án/lĩnh vực xanh trong nước và thị trường quốc tế còn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng từ tình hình bất ổn về kinh tế - chính trị ảnh, lãi suất vay bằng USD thời gian qua được duy trì ở mức cao, rủi ro tỷ giá, chênh lệch kỳ hạn giữa nguồn vốn huy động của các TCTD với thời gian hoàn vốn của các dự án.
Hiện tại, khoảng 50% ngân hàng đã thành lập bộ phận quản trị rủi ro cho vay vốn bảo vệ môi trường, khoảng 80 - 90% đã áp dụng các tiêu chuẩn ESG (môi trường - xã hội - quản trị doanh nghiệp) trong quá trình hoạt động. Việc áp dụng ESG cũng giúp ngân hàng tăng cường năng lực cạnh tranh, thu hút được các nguồn vốn ưu đãi quốc tế để về cho vay các dự án xanh ở trong nước.
Minh An (t/h)
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, giá trị gia tăng toàn ngành nông, lâm, thủy sản trong quý I/2025 đạt mức tăng 3,74%, cao nhất trong nhiều năm qua và vượt chỉ tiêu Chính phủ giao trong kịch bản tăng trưởng quý. Cụ thể, nông nghiệp tăng 3,53%, lâm nghiệp tăng mạnh 6,67%, và thủy sản tăng 3,98%.