Tin tặc tấn công hệ thống bệnh viện lớn nhất ở Mỹ

Quốc tế
10:59 PM 30/09/2020

Sự cố mất dữ liệu máy tính hơn 250 bệnh viện lớn tại Mỹ khiến chăm sóc bệnh nhân gián đoạn, nhân viên y tế buộc phải dựa vào hồ sơ giấy.

Tin tặc tấn công hệ thống bệnh viện lớn nhất ở Mỹ

Trang NBC News đưa tin, hệ thống máy tính của Dịch vụ Y tế Toàn cầu (UHS) - nhà cung cấp dịch vụ y tế lớn nhất nước Mỹ, với hơn 400 địa điểm, chủ yếu ở Mỹ, bắt đầu bị lỗi vào cuối tuần qua khiến một số bệnh viện đã phải sử dụng bút và giấy để ghi nhận thông tin bệnh nhân.

Theo các nhân viên của UHS tại bang Washington D.C, cuộc hỗn loạn bắt đầu với sự cố mất điện vào đêm chủ nhật vừa qua. Sau đó, các dữ liệu bệnh nhân trên máy tính bị mất, liên lạc bằng điện thoại gián đoạn...

Tin tặc tấn công hệ thống bệnh viện lớn nhất ở Mỹ - Ảnh 1.

Các nhân viên y tế không thể đăng nhập và phải làm việc một cách thủ công. Ảnh minh họa. (Nguồn: Getty Images)

Tại cơ sở UHS ở tiểu bang North Dakota, hệ thống máy tính ban đầu chạy chậm sau đó đã ngừng hoạt động hoàn toàn vào đầu giờ sáng 27/9.

Còn tại cơ sở ở Arizona, một y tá làm việc vào cuối tuần qua cho biết “các máy tính vừa khởi động đã tự tắt”, điều này đã gây không ít khó khăn cho các nhân viên khi hệ thống thuốc của họ dựa trên trực tuyến. Các nhân viên phải tự ghi nhãn cho tất cả mọi loại thuốc bằng tay.

Cố vấn an ninh mạng cao cấp của Hiệp hội Bệnh viện Mỹ, John Riggi, nghi ngờ đây là cuộc tấn công ransomware.

Ransomware là một mã độc tống tiền, lây lan trên các mạng máy tính, chuyên mã hóa các tập tin và yêu cầu khổ chủ phải trả tiền để được giải mã. Đây là một chiến thuật phổ biến của tin tặc, mặc dù các cuộc tấn công quy mô lớn vào các cơ sở y tế là không phổ biến.

Các tin tặc tìm cách triển khai ransomware thường đợi đến cuối tuần, thời điểm các trụ sở có khả năng không có nhiều nhân viên kỹ thuật có mặt.

Kenneth White, một kỹ sư bảo mật máy tính có hơn một thập kỉ kinh nghiệm làm việc với hệ thống mạng của bệnh viện, nói rằng sự chậm trễ do các cuộc tấn công ransomware có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng cho bệnh nhân.

“Khi các y tá và bác sĩ không thể truy cập dữ liệu phòng thí nghiệm, báo cáo kết quả X quang hoặc tim mạch, điều đó có thể làm chậm đáng kể quá trình điều trị và trong những trường hợp nghiêm trọng buộc phải chuyển viện để tiếp tục điều trị, có khả năng cao sẽ dẫn đến tử vong", ông Kenneth White cho biết.

Vào đầu tháng 9 năm nay, cuộc tấn công bằng ransomware nhằm vào một bệnh viện ở Đức, khiến một nữ bệnh nhân phải chuyển đến điều trị ở bệnh viện khác dẫn đến tử vong.

Một vụ tấn công bằng Ransomware có thể gây hậu quả "tàn phá" các bệnh viện. Vào năm 2017, một chủng ransomware có tên là WannaCry đã lan rộng khắp thế giới và lây nhiễm cho Hệ thống Y tế Quốc gia của Vương quốc Anh dù đó không phải là mục tiêu trực tiếp. 

Vụ tấn công đã làm gián đoạn ít nhất 80 cơ sở y tế, không có trường hợp tử vong nào được báo cáo công khai liên quan đến vụ việc.

My Lê
Ý kiến của bạn