Tính đến 13/12, tín dụng toàn nền kinh tế tăng khoảng 12,5%

Ngân hàng
09:35 AM 15/12/2024

Lãnh đạo NHNN cho biết tính đến ngày 13/12, tín dụng toàn nền kinh tế đã tăng 12,5% so với cuối năm 2023, tập trung vào các ngành sản xuất kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên.

Thông tin tại "Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2025" do Ngân hàng Nhà nước tổ chức sáng 14/12, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh, năm 2024 là năm thành công của hệ thống ngân hàng. 

Việt Nam nổi bật là điểm sáng về kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, qua đó tạo lợi thế lớn trong việc thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Lạm phát bình quân 11 tháng được kiểm soát ở mức 3,69%; tỷ giá cơ bản ổn định, trong bối cảnh thị trường quốc tế biến động mạnh.

Tính đến 13/12, tín dụng toàn nền kinh tế tăng khoảng 12,5% - Ảnh 1.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phát biểu tại hội nghị. Ảnh: SBV

Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành trong bối cảnh lãi suất thế giới vẫn neo ở mức cao, tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng hỗ trợ nền kinh tế. Theo báo cáo lãi suất của các ngân hàng, mặt bằng lãi suất cho vay tiếp tục giảm khoảng 0,96%/năm so với cuối năm 2023.

Về tín dụng, để tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng cung ứng nguồn vốn tín dụng cho nền kinh tế, ngày 31/12/2023, NHNN đã giao hết chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 và công khai nguyên tắc xác định để tổ chức tín dụng chủ động thực hiện tăng trưởng tín dụng.

Trong năm 2024, NHNN đã 2 lần điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các tổ chức tín dụng trong điều kiện lạm phát được kiểm soát tốt dưới mục tiêu và để kịp thời đáp ứng vốn cho nền kinh tế, hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh.

Bên cạnh đó, NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo và hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực là động lực tăng trưởng kinh tế.

Với các giải pháp kể trên, tính đến ngày 13/12, tín dụng toàn nền kinh tế đã tăng khoảng 12,5% so với cuối năm 2023, phản ánh nỗ lực của ngành ngân hàng trong việc đẩy mạnh dòng vốn vào sản xuất kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư; chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm, thủy sản… Đặc biệt, ngành Ngân hàng đã khẩn trương, kịp thời thực hiện các giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão số 3.

Về một số nhiệm vụ, định hướng thời gian tới, NHNN đặt mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ một cách chủ động, linh hoạt và hiệu quả. NHNN sẽ theo dõi sát sao diễn biến thị trường, tình hình kinh tế trong và ngoài nước để điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa, nhằm hỗ trợ ưu tiên tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, đồng thời góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

Bên cạnh đó, NHNN sẽ chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, ưu tiên và động lực tăng trưởng, đồng thời kiểm soát chặt chẽ các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Thủ tục vay vốn sẽ được rà soát, đơn giản hóa để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận tín dụng, qua đó hạn chế tín dụng đen và mở rộng tín dụng cho đời sống, tiêu dùng. Ngành ngân hàng tiếp tục triển khai quyết liệt, hiệu quả đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025” góp phần phát triển lành mạnh, chất lượng, hiệu quả, công khai, minh bạch và tiệm cận các chuẩn mực, thông lệ quốc tế…

Huyền My (t/h)
Ý kiến của bạn
Việt Nam là sự lựa chọn “chiến lược” của đa số các doanh nghiệp Nhật Bản Việt Nam là sự lựa chọn “chiến lược” của đa số các doanh nghiệp Nhật Bản

Với vị trí địa lý thuận lợi, sức phát triển cùng các chính sách thu hút đầu tư có chọn lọc và nguồn nhân lực chất lượng cao đang trở thành những lợi thế cạnh tranh cho Việt Nam trong thu hút đầu tư nước ngoài.