Tính đến giữa tháng 9, Việt Nam xuất khẩu gần 6,5 triệu tấn gạo
Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy tính đến giữa tháng 9, Việt Nam đã xuất khẩu gần 6,5 triệu tấn gạo các loại, thu về 4,06 tỷ USD.
So với cùng kỳ năm ngoái, gạo xuất khẩu chỉ tăng nhẹ 6,2% về lượng nhưng giá trị tăng mạnh 21,2% (tương đương tăng 710 triệu USD).
Về thị trường xuất khẩu, mặt hàng được ví như “hạt ngọc” Việt Nam rất đắt khách ở Đông Nam Á, với 3 khách hàng lớn nhất là Philippines, Indonesia và Malaysia tính đến hết tháng 8.
Cụ thể, khách hàng lớn nhất là Philippines đã chi ra gần 1,72 tỷ USD để mua 2,81 triệu tấn gạo của Việt Nam trong 8 tháng qua. So với cùng kỳ năm trước, gạo xuất khẩu của nước ta sang thị trường này tăng 19,6% về lượng và 39,8% về giá trị.
Indonesia cũng đã tăng thu mua gạo Việt từ năm ngoái đến nay. Trong 8 tháng, nước này mua gần 913.900 tấn gạo từ Việt Nam, tương đương 557,8 triệu USD. Xuất khẩu gạo Việt sang Indonesia tăng 27% về lượng, tăng 54% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023.
Tương tự, Việt Nam đã xuất khẩu gần 582.900 tấn gạo sang Malaysia, thu về 345,9 triệu USD. Gạo xuất khẩu sang thị trường này tăng 112% về lượng và tăng gần 153% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, lượng gạo xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 234.272 tấn, mang 37,2 triệu USD.
Giá gạo xuất khẩu trung bình của nước ta trong 8 tháng năm nay đạt 625 USD/tấn, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo dữ liệu từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), ngày 17/9, giá xuất khẩu gạo 5% tấm của nước ta đạt 565 USD/tấn, gạo 25% tấm có giá 535 USD/tấn, gạo 100% tấm giá 455 USD/tấn. Các chuyên gia và doanh nghiệp xuất khẩu gạo cho rằng, rất khó để dự báo giá gạo trong những tháng cuối năm. Tuy nhiên, giá sẽ khó giảm bởi nguồn cung dành cho xuất khẩu không còn nhiều.
Xuất khẩu gạo sẽ khởi sắc vào cuối năm 2024, khi nhu cầu nhập khẩu gạo tăng lên từ các khách hàng truyền thống của Việt Nam như: Philippines, Indonesia, Trung Quốc, Ghana, Malaysia, Singapore... Ngoài ra, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam cũng đang tích cực mở rộng sang các thị trường mới như Trung Đông, châu Phi, Nam Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản.
Để hỗ trợ xuất khẩu gạo, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết đã và đang triển khai các hoạt động giao thương, quảng bá sản phẩm, thương hiệu gạo Việt Nam, các hoạt động xúc tiến thương mại để khai thác hiệu quả lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do (FTA).
Huyền My (t/h)Sáng 21/01, Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị đã tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.