Tính đến ngày 15/4, xuất khẩu cà phê mang về 3,3 tỷ USD
Theo số liệu của Cục Hải quan, xuất khẩu cà phê của Việt Nam tính từ đầu năm đến hết ngày 15/4 đạt hơn 580.000 tấn, mang về 3,3 tỷ USD giảm 13,5% về lượng nhưng giá trị tăng tới 46,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo số liệu của Cục Hải quan, xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong 15 ngày đầu tháng 4/2025 đạt 83.572 tấn, trị giá 482,98 triệu USD, giảm 11% về lượng và 11,4% về trị giá so với nửa đầu tháng 3, đồng thời giảm 3% về lượng nhưng tăng 49,6% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.
Tính từ đầu năm đến hết ngày 15/4, xuất khẩu cà phê đạt 580.999 tấn, mang về 3,3 tỷ USD, so với cùng kỳ năm 2024 giảm 13,5% về lượng (tương đương 90.383 tấn), nhưng giá trị thu về tăng tới 46,8%.
Với kết quả này, cà phê đã lần đầu tiên vượt qua thuỷ sản (2,7 tỷ USD), vươn lên đứng top 2 về kim ngạch xuất khẩu trong lĩnh vực nông nghiệp, chỉ sau gỗ và sản phẩm gỗ (4,57 tỷ USD).

Ảnh minh họa: Internet
Giá cà phê xuất khẩu bình quân của Việt Nam trong nửa đầu tháng 4 ở mức 5.779 USD/tấn, giảm 1,6% so với tháng trước, nhưng tăng 54,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung từ đầu năm đến ngày 15/4, giá xuất khẩu bình quân đạt 5.685 USD/tấn, tăng gần 70% so với cùng kỳ.
Theo Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam, giá cà phê hiện đang ở mức cao nhất trong lịch sử thế giới. Điều này buộc các nhà sản xuất phải đầu tư vốn lớn gấp nhiều lần so với những năm trước cho sản xuất và chế biến. Do vậy, phần lớn doanh nghiệp đang thận trọng, hạn chế tăng lượng tồn kho để tránh rủi ro và chờ đợi thêm tín hiệu an toàn từ thị trường.
Hiện nay, cà phê Việt Nam đã xuất khẩu đến hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong bối cảnh giá cà phê tăng cao, nhiều nhà rang xay trên thế giới đã đẩy mạnh sử dụng Robusta thay thế Arabica nhằm giảm chi phí nguyên liệu, khiến sản phẩm Robusta ngày càng phổ biến. Nhờ đó, dù thị phần tại Mỹ có sụt giảm, doanh nghiệp Việt Nam vẫn có cơ hội gia tăng lợi nhuận tại nhiều thị trường khác.
Theo dự báo của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong ngắn hạn, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sẽ duy trì đà tăng trưởng nhờ nguồn cung trong nước còn dồi dào, cùng với động thái Mỹ tạm thời hoãn áp thuế đối ứng với nhiều đối tác thương mại, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà nhập khẩu đẩy mạnh thu mua.
Tuy nhiên, về dài hạn, xuất khẩu cà phê Việt Nam có thể chịu nhiều sức ép khi nguồn cung nội địa suy giảm vào cuối vụ thu hoạch, cạnh tranh gia tăng từ vụ mùa mới của Brazil, cùng với tác động từ các chính sách thuế quan mới. Đây là thách thức đặt ra yêu cầu cấp thiết đối với doanh nghiệp trong việc chủ động nguồn cung, nâng cao chất lượng sản phẩm và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.
Huyền My (t/h)
Lĩnh vực phát hành ứng dụng di động của Việt Nam đã tạo ra hơn 5,6 tỷ lượt tải xuống trên toàn cầu, đưa Việt Nam lọt vào Top 3 thế giới về số lượt tải ứng dụng.