Tính đến ngày 26/6, dư nợ tín dụng toàn hệ thống đạt trên 16,9 triệu tỷ đồng
Tính đến ngày 26/6, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đạt 8,3% so với cuối năm 2024, tương đương hơn 16,9 triệu tỷ đồng - mức cao nhất từ năm 2023 đến nay.
Chiều 3/7, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 6, báo chí đặt câu hỏi tới Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Phạm Thanh Hà liên quan đến tăng trưởng tín dụng.
Phó Thống đốc cho biết, từ đầu năm đến nay, bên cạnh những yếu tố thuận lợi, nền kinh tế cũng phải đối mặt với rất nhiều khó khăn và thách thức. Bám sát chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, căn cứ vào thực tế diễn biến của thị trường, NHNN đã điều hành chính sách tiền tệ một cách chủ động, linh hoạt, kết hợp hài hòa với chính sách tài khóa cũng như các chính sách vĩ mô khác.

Ảnh minh họa: Internet
Trong đó, nhà điều hành đã giữ nguyên các mức lãi suất điều hành để duy trì ổn định mặt bằng lãi suất, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thúc đẩy tín dụng. Các ngân hàng thương mại, với vai trò thực thi các chính sách, cũng đã tích cực giữ ổn định mặt bằng lãi suất huy động, tạo nền tảng để tiết kiệm chi phí, qua đó giảm lãi suất cho vay.
Kết quả lãi suất cho vay bình quân của các khoản cho vay mới ở mức 6,38%/năm, giảm khoảng 0,6% so với cuối năm 2024.
Về tín dụng để đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của nền kinh tế, NHNN cũng đã đặt ra chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay khoảng 16% và có điều chỉnh theo diễn biến tình hình thực tế. Kết quả là sau khi thực hiện các giải pháp quyết liệt và đồng bộ, tính đến ngày 26/6, dư nợ toàn hệ thống đạt trên 16,9 triệu tỷ đồng, tăng 8,3% so với cuối năm 2024. So với cùng kỳ của năm 2024 (cuối tháng 6/2024) tín dụng tăng 18,87%. Đây là mức tăng trưởng cao nhất trong kỳ từ năm 2023 trở lại đây.
Cơ cấu tín dụng phù hợp với cơ cấu của nền kinh tế và đáp ứng nhu cầu tín dụng của người dân và doanh nghiệp. Một số ngành cấp tín dụng chính như: Nông, lâm, thủy sản chiếm khoảng 6,37%; công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm khoảng 12,84%; xây dựng chiếm 7,53%. Trong xây dựng có cả các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng và ngành này được Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đang chỉ đạo đẩy mạnh tín dụng. Các ngành dịch vụ khác như bán buôn, bán lẻ chiếm tỷ trọng khoảng 23,74%.
Về tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên, nông nghiệp, nông thôn và doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp tục là hai lĩnh vực có tỷ trọng lớn. Cụ thể là nông nghiệp, nông thôn chiếm tỷ trọng 23,16%; tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm đến 17,51%.
Về tốc độ, hai lĩnh vực ưu tiên là công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng trưởng gần gấp đôi so với tốc độ chung. Trong đó lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao tăng 15,69% và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao là 17,59%.
Các tổ chức tín dụng tiếp tục giải ngân cho các chương trình tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng, như chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm thủy sản đã tăng quy mô từ 15.000 tỷ lên 100.000 tỷ.
Chương trình tín dụng hỗ trợ liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ 1 triệu ha lúa gạo chất lượng cao tại Đồng bằng sông Cửu Long cũng triển khai tích cực.
Một số chương trình khác như cho vay nhà ở xã hội, hay cho vay đối với người trẻ dưới 35 tuổi cho thuê, mua nhà ở xã hội, chương trình tín dụng 500.000 tỷ đồng cho các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng, sở hữu số... được các tổ chức tín dụng tích cực triển khai.
Trong 6 tháng cuối năm, NHNN sẽ tiếp tục điều hành đồng bộ các giải pháp tín dụng phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, cũng như khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế. Kịp thời triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận với tín dụng của ngân hàng.
Huyền My (t/h)
Nhằm phục vụ tu bổ, tôn tạo và chống xuống cấp các công trình di sản, đảm bảo an toàn cho du khách và bảo tồn giá trị văn hóa, lịch sử đặc sắc của khu phố cổ, Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội yêu cầu tạm dừng đón khách tham quan tại một số điểm di tích.