Tính giải pháp căn cơ gỡ ùn tắc nông sản tại cửa khẩu

Đầu tư và Tiếp thị
05:29 PM 30/12/2021

Để sớm khắc phục tình trạng ùn tắc hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới phía bắc, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương thực hiện nghiêm túc những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, cả về trước mắt và lâu dài.

Giải phóng sớm nhất hơn 5.000 container xuất khẩu đang ùn tắc

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo 350/TB-VPCP về kết luận của Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại cuộc họp trực tuyến liên quan việc tháo gỡ khó khăn trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua các tỉnh biên giới phía Bắc.

Để sớm khắc phục tình trạng ùn tắc hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc, Phó thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ, giải pháp tại Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 21/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ, văn bản số 9249/VPCP-KTTH ngày 18/12/2021 và các chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ có liên quan.

Trong đó, Phó thủ tướng đặc biệt lưu ý các đơn vị cần tập trung kết hợp cả giải pháp trước mắt và giải pháp dài hạn để xử lý tình hình.

Chuyển đổi xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch: Cần lộ trình và thời gian - Ảnh 1.

Cảnh ùn tắc container tại các cửa khẩu năm nay nghiêm trọng hơn. Ảnh: Internet.

Liên quan đến các giải pháp trước mắt, Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương và các bộ ngành liên quan làm việc với Trung Quốc tạo điều kiện hơn về thời gian và phối hợp phía Việt Nam thông quan nhiều hàng hóa (tăng 8 giờ lên 12 giờ). Cùng đó nâng cao vai trò của các địa phương, giảm nhanh đầu xe đang ùn tắc.

Chính phủ giao các địa phương có cửa khẩu ùn ứ thông báo tới các địa phương khu vực sản xuất và trên phương tiện thông tin đại chúng về hạn chế xe lên khu vực cửa khẩu (mở rộng 63 tỉnh thành), dự kiến trong thời gian 10 ngày.

Bộ Y tế, Hải quan, UBND các tỉnh và các bộ, ngành liên quan phối hợp, bàn bạc có phương án tạo luồng/vùng xanh khu vực biên giới, đề xuất tiêu chuẩn, tiêu chí, quy trình bảo đảm phòng, chống Covid-19 để xuất hàng sang Trung Quốc, phấn đấu giải phóng toàn bộ hơn 5.000 xe ở 2 cửa khẩu chính tại Quảng Ninh và Lạng Sơn sớm nhất.

Về giải pháp lâu dài, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chỉ đạo các địa phương tổ chức hội nghị với doanh nghiệp để thông tin kịp thời, chủ động kế hoạch tiêu thụ tại chỗ, bảo quản đóng gói phù hợp để xuất khẩu vào thời điểm phù hợp.

Mặt khác, các bộ, ngành và địa phương cụ thể hóa biện pháp để chuyển hình thức xuất khẩu sang chính ngạch theo quy trình sản xuất, kiểm soát, truy xuất CO, đóng gói đúng quy định, có hướng dẫn quy hoạch vùng. Chính phủ và các bộ, ngành hữu quan cần tiến hành đàm phán với bạn ở các cấp phù hợp, thống nhất diện mặt hàng, tiêu chuẩn và điều kiện đưa hàng sang Trung Quốc.

Chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch đối với nông sản Việt

Tại cuộc họp trực tuyến về tháo gỡ khó khăn trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua các tỉnh biên giới phía Bắc, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chỉ rõ: Nông sản Việt Nam phần lớn xuất khẩu theo tiểu ngạch, không theo quy hoạch, không đạt tiêu chí, tiêu chuẩn để xuất khẩu chính ngạch. Không những vậy, khi trên biên giới đã ách tắc, chúng ta không những không dừng mà vẫn cứ đưa xe lên, vượt quá công suất thông quan.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên: Cần coi việc tiêu thụ nông sản không phải là “giải cứu” mà là trách nhiệm. Ảnh: QĐND

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên: Cần coi việc tiêu thụ nông sản không phải là “giải cứu” mà là trách nhiệm. Ảnh: QĐND

Bên cạnh nhiều giải pháp đồng bộ và quyết liệt mà Bộ Công Thương đã, đang thực hiện, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị các địa phương cần coi việc tiêu thụ nông sản không phải là “giải cứu” mà là trách nhiệm của mình. Các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp khẩn trương chuyển đổi phương thức sản xuất theo quy hoạch, phải có kế hoạch; đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn, quy chuẩn truy xuất hàng hóa, tránh ngẫu hứng.

Đồng thời, các địa phương có cửa khẩu cần thông tin kịp thời từng ngày, thậm chí có thể từng giờ về tình hình ùn ứ để các địa phương điều tiết, tạo điều kiện cho lái xe nghỉ ngơi, hình thành kho tạm trữ. Các ngành chức năng tạo điều kiện thông thoáng trong lưu thông, vận chuyển hàng hóa nông sản.

Trong một cuộc trả lời báo chí về vấn đề nổi cộm trên, Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan nhận định, việc ùn ứ hàng hóa bộc lộ nhiều vấn đề, cần giải pháp tổng thể chứ không chỉ dừng lại từng sự vụ, sự việc.

Theo ông Hoan, hiện nay Trung Quốc vẫn là nước nhập khẩu nông sản Việt Nam chiếm tỷ trọng cao nhất. Tỷ lệ càng cao thì càng phụ thuộc vào thị trường, nhất là những thay đổi về an toàn vệ sinh thực phẩm, quy định về kiểm dịch, thông quan, phòng chống COVID-19.

Vì thế, Bộ trưởng NN&PTNT cho biết trong đề án Bộ đang dự thảo, xuất khẩu nông sản sẽ được đa dạng hóa thị trường dựa trên lợi thế từ các hiệp định thương mại với Hoa Kỳ, Nhật Bản, Liên minh châu Âu (EVFTA), Anh (UKVFTA)…

Riêng với thị trường Trung Quốc, Bộ cũng sẽ có đề án riêng, trong đó tiếp tục đàm phán mở rộng cho các loại nông sản xuất khẩu chính ngạch, đầu tư hạ tầng logistics ở các cửa khẩu như kho trữ lạnh, chế biến, đóng gói, bao bì nhãn hiệu. Ngoài ra, phải phân tích thông tin thị trường kịp thời bao gồm: những quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật, quy định thông quan hàng hóa, mùa vụ thu hoạch những nông sản Trung Quốc có thể sản xuất được.

Một điểm quan trọng khác là các bộ, ngành cần tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, người dân chuyển từ xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch, tiến tới chấm dứt xuất khẩu tiểu ngạch nhiều rủi ro.

Hoài Thương
Ý kiến của bạn
HCMC FOODEX 2024 – Ngành lương thực, thực phẩm bứt phá hướng mục tiêu phát triển bền vững HCMC FOODEX 2024 – Ngành lương thực, thực phẩm bứt phá hướng mục tiêu phát triển bền vững

Triển lãm Quốc tế ngành Lương thực, Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh lần thứ 3 – HCMC FOODEX 2024 do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh (ITPC) chủ trì, phối hợp với Hội Lương thực thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh (FFA) sẽ được tổ chức từ ngày 15 đến 18/05/2024 tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC), Quận 7, TP. Hồ Chí Minh