Tinh hoa hội tụ tại Ngày hội văn hóa các dân tộc vùng Tây Nguyên lần thứ I năm 2023
Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Tây Nguyên lần thứ I năm 2023 với chủ đề “Đại ngàn Tây Nguyên - Tinh hoa hội tụ” diễn ra từ ngày 29/11 đến ngày 1/12 tại thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum với sự tham gia của 5 tỉnh gồm Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Gia Lai.
Ngày 29/11, tại thành phố Kon Tum (tỉnh Kon Tum) đã diễn ra lễ Khai mạc các hoạt động tại Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Tây Nguyên lần thứ I, năm 2023.
Tham dự khai mạc có các đồng chí: Nguyễn Thị Hải Nhung, Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch); Y Ngọc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum; Nguyễn Văn Bình, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum; đại diện lãnh đạo các địa phương: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng.
Đặc biệt, ngày hội có sự tham gia của gần 600 nghệ nhân, diễn viên, vận động viên các dân tộc của 5 tỉnh Tây Nguyên.
Phát biểu khai mạc, bà Nguyễn Thị Hải Nhung, Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), cho biết: Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Tây Nguyên lần đầu tiên được tổ chức với sự tham gia của các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng, Đắk Nông, Đắk Lắk.
Đây là dịp để các nghệ nhân, diễn viên, vận động viên quần chúng dân tộc tham gia gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm trong việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước theo Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI và Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; đồng thời, giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc Tây Nguyên tới bạn bè trong nước và quốc tế.
Theo Ban Tổ chức, ngày hội cũng nhằm tôn vinh giá trị tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc vùng Tây Nguyên, góp phần giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc; tuyên truyền quảng bá về tiềm năng, lợi thế của các tỉnh Tây Nguyên, thu hút đầu tư vào các lĩnh vực...
Trong khuôn khổ của ngày hội sẽ diễn ra nhiều hoạt động đặc sắc như: Liên hoan văn nghệ quần chúng, trình diễn trang phục dân tộc truyền thống; Trình diễn, giới thiệu trích đoạn lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa truyền thống dân tộc; Trưng bày giới thiệu, quảng bá văn hóa truyền thống địa phương; Trưng bày ảnh nghệ thuật về sắc màu văn hóa đặc sắc các dân tộc thiểu số khu vực Tây Nguyên đồng hành cùng sự phát triển của đất nước.
Ngoài ra, ngày hội còn tổ chức trưng bày, chế biến và giới thiệu ẩm thực; triển lãm “Đặc trưng văn hóa các dân tộc Tây Nguyên trong cộng đồng văn hóa các dân tộc Việt Nam”; hoạt động thể thao và các trò chơi dân gian dân tộc; hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch.
Các hoạt động tại ngày hội là sân chơi bổ ích, lành mạnh, tạo mạch nguồn đầy cảm xúc cho các nghệ nhân, diễn viên, vận động viên đã gắn bó, đam mê với nghệ thuật dân gian và thể thao truyền thống dân tộc; tạo nên bức tranh sinh động, rực rỡ sắc màu nhưng không kém phần tinh tế và đa dạng về toàn cảnh đời sống văn hóa của các dân tộc vùng Tây Nguyên.
Đây cũng là dịp để tuyên truyền quảng bá với các doanh nghiệp, du khách trong và ngoài nước về tiềm năng, lợi thế của các tỉnh Tây Nguyên; thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch, tạo động lực đẩy mạnh xúc tiến đầu tư; đẩy nhanh quá trình xây dựng các khu du lịch trọng điểm của các tỉnh khu vực Tây Nguyên.
Tại buổi lễ, Ban tổ chức đã tặng hoa cho các đoàn nghệ nhân, diễn viên, vận động viên của 5 tỉnh Tây Nguyên, đại diện các đơn vị của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch tham gia Ngày hội. Ngay sau lễ khai mạc, nhiều hoạt động đã diễn ra, thu hút đông đảo người dân và du khách đến tham quan, trải nghiệm.
Phùng SơnTheo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.