Tính khả thi của 2 gói tín dụng NƠXH do Bộ Xây dựng đề xuất

Mới đây, Bộ Xây dựng đã đề xuất 2 gói tín dụng với tổng số tiền 65.000 tỷ đồng vay mua nhà ở xã hội (NƠXH) trong chương trình phục hồi sau dịch COVID-19.

Công nhân làm tại KCN sắp được vay ưu đãi mua NƠXH

Theo đó, gói tín dụng 65.000 tỷ đồng Bộ Xây dựng đề xuất trong vay ưu đãi mua nhà ở xã hội (NƠXH) gồm 2 gói.

Gói tín dụng 15.000 tỷ đồng theo phương thức cấp bù lãi suất cho Ngân hàng Chính sách Xã hội và các ngân hàng thương mại để thực hiện phát triển nhà ở xã hội theo các quy định của pháp luật nhà ở hiện hành, pháp luật về đầu tư công trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025.

Tính khả thi của 2 gói tín dụng NƠXH do Bộ Xây dựng đề xuất - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Cùng đó, bổ sung vốn cấp bù lãi suất phân bổ cho các tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 để cho các đối tượng tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội và cho các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội vay theo quy định tại Khoản 2 Điều 17 Nghị định số 100/2015/NĐ-CP với tổng số tiền 1.000 tỷ đồng.

Gói tín dụng thứ hai 50.000 tỷ đồng (khoảng 25% so với nhu cầu đầu tư xây dựng NƠXH giai đoạn 2021-2025 là 220.000 tỷ đồng) theo hình thức Ngân hàng nhà nước tái cấp vốn cho các ngân hàng thương mại cho vay hỗ trợ nhà ở theo quy định với lãi suất và thời hạn phù hợp để cho các đối tượng thuộc Chương trình vay ưu đãi.

Gói tín dụng này sẽ dành cho công nhân, người lao động làm việc trong các khu công nghiệp được vay ưu đãi từ Chương trình để mua, thuê mua NƠXH; Chủ đầu tư dự án nhà lưu trú cho công nhân khu công nghiệp thuê và chủ đầu tư dự án NƠXH để bán, cho thuê, cho thuê mua cho các đối tượng theo quy định của Luật nhà ở được vay ưu đãi.

Mục tiêu của gói tín dụng nhằm góp phần thực hiện “mục tiêu kép” mà Chính phủ đã đề ra: bảo đảm an sinh xã hội - nhà ở cho các đối tượng yếu thế (người thu nhập thấp, công nhân, người lao động trong khu công nghiệp); thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế bền vững, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp gắn với hỗ trợ phát triển thị trường bất động sản.

Theo đó, chủ đầu tư các dự án nhà lưu trú cho công nhân thuê, dự án nhà ở xã hội để bán, cho thuê, cho thuê mua sẽ được vay vốn ưu đãi từ chương trình. Công nhân, người lao động làm việc trong các khu công nghiệp cũng được vay ưu đãi để mua, thuê mua nhà ở xã hội.

Các gói tín dụng ưu đãi nhà ở xã hội sẽ đi đúng hướng?

Nhìn lại thực tế giai đoạn trước, không nói đến gói 30.000 tỷ đồng từ 2013-2016, thì giai đoạn 2016-2020 Ngân hàng Chính sách xã hội đã được phân bổ 2.163/9.000 tỷ đồng ngân sách được cấp cho nhà ở xã hội, còn thiếu hơn 7.000 tỷ đồng so với kế hoạch, do đó các doanh nghiệp không thể có vốn để triển khai xây nhà xã hội.

Bên cạnh đó, nhìn vào đề xuất đối tượng và điều kiện xây - mua - thuê nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân thấy một điều rằng, nếu gói hỗ trợ được phê duyệt, các doanh nghiệp vô cùng khó khăn khi tiếp cận vì hiện nay phần ách tắc đều ở quỹ đất hạn hẹp, không có vốn để triển khai, điều kiện này giống như “quả trứng có trước hay con gà có trước”.

Tính khả thi của 2 gói tín dụng NƠXH do Bộ Xây dựng đề xuất - Ảnh 2.

Còn nhiều vướng mắc khi triển khai gói hỗ trợ mua nhà ở xã hội.

Mặc dù trong kiến nghị, Bộ Xây dựng yêu cầu các địa phương bố trí quỹ đất xây nhà ở công nhân, nhà ở xã hội, nhưng trên thực tế hầu như các địa phương đều đã có quy hoạch dài hạn và việc bố trí lại đợi bổ sung, sửa đổi quy hoạch, thế nên đây vẫn là một vòng tròn "luẩn quẩn" khó khăn.

Rõ ràng, đối với việc phát triển nhà ở xã hội thì gói hỗ trợ phải đến tay người yếu thế nhưng đã có những câu chuyện rất "éo le".

Người dân làm thủ tục vay vốn trong gói hỗ trợ để mua nhà trong các dự án nhà ở xã hội nhưng đến vài năm sau họ vẫn chưa nhận được nhà. Thời gian hưởng ưu đãi từ gói hỗ trợ của Nhà nước kết thúc mà vẫn chưa nhận được nhà, họ sẽ phải trả lãi ngân hàng theo lãi suất vay thương mại, cuối cùng rẻ lại hóa đắt.

GS Đặng Hùng Võ – Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường cho rằng, cần đánh giá lại chính sách phát triển nhà ở thương mại và nhà ở thương mại giá rẻ hiện nay. Hiện chính sách phát triển nhà ở xã hội của Việt Nam mang tính bao cấp, trông chờ vào ngân sách Nhà nước nên chưa phát huy được hiệu quả.

Nhà nước sẽ không đủ lực để bao cấp cho nhà ở xã hội. Vấn đề là những dự án nhà ở xã hội hay thương mại giá rẻ, hiện Việt Nam chưa huy động được mọi nguồn lực và vận dụng được kinh nghiệm của các nước để phát triển.

Hệ quả đã nhìn thấy là nhiều dự án đang bị hụt hơi khi thiếu gói tín dụng ưu đãi. Dẫn chứng rõ nhất là khi gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng kết thúc, thị trường nhà ở xã hội chững lại cả lực cung và cầu hoặc để lại những dở dang, đứt đoạn.

Đối với thời kỳ kinh tế khó khăn ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 này, người thuê mua nhà ở xã hội gặp khó khăn về vấn đề thu nhập thì Chính phủ cũng đã có chính sách giãn nợ số tiền phải nộp để người dân có thời gian phục hồi lại thu nhập, duy trì cuộc sống. Tuy nhiên, trong thời gian tới, Chính phủ cần có động thái mạnh mẽ hơn để ưu đãi cho người dân, bởi thu nhập của họ đang bị ảnh hưởng, cần gia hạn cho họ dài hơn về thời gian tiền thuê, ít nhất là 6 tháng đến 1 năm.

Để chính sách đến đúng đối tượng mua nhà cần công khai, minh bạch thông tin, nhất là trong khâu xét duyệt dự án phải có sự giám sát đa chiều. Bên cạnh đó, các thông tin về quy mô, địa điểm của dự án cũng như thời gian, đối tượng, quy trình xét duyệt cũng cần phải công khai hết mức có thể.

An Mai
Ý kiến của bạn
Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới

Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.