Tính mua nhà, vợ chồng Hà Nội tiết lộ 1 con số khiến dân mạng thảng thốt: “Trời ơi đừng có vội”

Tư vấn Tiêu dùng
06:44 PM 17/07/2025

Mua nhà mà không tính toán kỹ thì…

Ở thời điểm hiện tại, nếu tính tới việc mua chung cư, hoặc mua nhà mặt đất ở các thành phố lớn như Hà Nội hoặc TP.HCM, phải vay tiền ngân hàng là lựa chọn của không ít người. Đơn giản vì đợi tiết kiệm đủ tiền thì không biết lúc ấy, giá BĐS đã tăng tới mức nào.

Vay tiền ngân hàng để mua nhà không phải việc gì sai trái, tuy nhiên, không phải ai cũng nên vay tiền mua nhà, dù mong muốn có nhà thì chẳng của riêng ai.

Mới đây trong một cộng đồng chia sẻ kinh nghiệm kiến thức quản lý tài chính, một cặp vợ chồng ở Hà Nội cũng tính vay tiền mua nhà. Điều bất ngờ là phần lớn mọi người lại ra sức can ngăn, khuyên vợ chồng cô nên bình tĩnh, vì…

Vay 70% giá trị căn nhà là quá rủi ro!

Trong bài tâm sự của mình, cô vợ này cho biết 2 vợ chồng đang rất hài lòng với việc thuê nhà để ở. Nhưng bố mẹ 2 bên lại ra sức hối thúc, khuyên vợ chồng cô nên mua nhà sớm để ổn định cuộc sống. Bởi vậy nên cả 2 cũng lên phương án, định mua 1 căn chung cư “nho nhỏ” khoảng 3 tỷ.

Tính mua nhà, vợ chồng Hà Nội tiết lộ 1 con số khiến dân mạng thảng thốt: “Trời ơi đừng có vội”- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Ngân sách hiện tại có hạn, bố mẹ lại không hỗ trợ được nhiều nên nếu chốt mua nhà, vợ chồng cô sẽ phải vay ngân hàng khoảng 70% giá trị căn hộ.

“Em đã tìm hiểu giá vài nơi, với tài chính hiện tại của bọn em, nếu mua nhà thì phải vay ngân hàng ít nhất 70% giá trị nhà. Em đang sợ là không kham nổi tiền lãi và gốc phải trả hàng tháng, chưa kể nếu có con thì còn tốn thêm 1 khoản kha khá nữa. Nhưng không mua bây giờ mà cứ đợi tích luỹ thêm 1 thời gian cũng không biết bao giờ mới mua nổi.

Vợ chồng em thì thấy chẳng có vấn đề gì với việc đi ở thuê, nhưng thấy mọi người có nhà ổn định, cộng thêm việc bố mẹ thúc giục nên em thấy rất phân vân” - Cô viết.

Trong phần bình luận của bài đăng, có khá nhiều ý kiến trái chiều. Một bên ra sức can ngăn, khuyên rằng dù có vay được 70% giá trị nhà thì cũng không nên vay, vậy là quá rủi ro, nhất là trong bối cảnh công việc, kinh doanh khó khăn như lúc này. Một bên lại đồng tình, cho rằng muốn có nhà thì phải “liều một chút”, có nợ là có động lực làm việc.

Tính mua nhà, vợ chồng Hà Nội tiết lộ 1 con số khiến dân mạng thảng thốt: “Trời ơi đừng có vội”- Ảnh 2.

Ảnh minh họa

“Mình đã từng vay gần 90% giá trị căn hộ lúc mua nhà, nhưng mà hồi đó thì nhà mình mua có hơn 1 tỷ thôi. Mình vay ngân hàng 70%, còn lại vay mượn bạn bè, người thân. Thời gian trả nợ phải nói thật là khốn khổ lắm, nhưng giờ thì mình thấy quyết định đó vẫn đúng đắn, khổ 1 thời gian cũng có nhà rồi nên không hối hận” - Một người chia sẻ.

“Thôi bạn ơi đừng có vội, vay tiền tỷ chứ có phải vài chục hay vài trăm triệu đâu mà vì bố mẹ giục, nên mình cố vay mua nhà được. Thời điểm này mình nghĩ phải có ít nhất 50% tiền mặt, thiếu 50% thì 30% vay người thân không lãi hoặc lãi thấp và cố định, vay ngân hàng 20% thôi. Vì lãi ngân hàng nó thả nổi đấy, sau vài năm ân hạn thì không biết tăng chừng nào đâu nên nói chung tỷ lệ vay ngân hàng càng ít càng tốt. Mang nợ vào người áp lực kinh khủng lắm, không cẩn thận vay tiền mua nhà, ở được vài năm lại phải bán trả nợ ngân hàng mà vẫn còn chưa hết nợ ý chứ” - Một người khuyên.

“Chưa có con nữa, tài chính cũng không dư dả mà vay 70% giá trị nhà thì rủi ro quá bạn ạ. Cái nên tính toán bây giờ là chi phí chuẩn bị đón con kìa, nhất là khi 2 vợ chồng thấy ở thuê vẫn ổn thì chẳng tội gì vay tiền tỷ cho áp lực ra. Chưa có con đến lúc có con là thấy chi tiêu cũng sốc lắm đấy, lúc ấy thêm khoản nợ mười mấy 20 triệu/tháng nữa thì mệt vô cùng” - Một người bày tỏ.

Vay tiền mua nhà, tính toán thế nào để không quá áp lực nợ nần?

Nếu quyết định vay tiền mua nhà, bạn cần lưu tâm 3 vấn đề dưới đây, để phòng trường hợp mua nhà xong, áp lực trả nợ lại trở thành gánh nặng quá lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng cuộc sống, dẫn đến kết cục bán nhà trả nợ.

1 - Phương án tính toán khoản vay mua nhà

Để khoản vay mua nhà không ảnh hưởng tới chi tiêu, sinh hoạt chung của bản thân hoặc gia đình, bạn có thể áp dụng quy tắc 28/36.

Quy tắc 28/36 có nguồn gốc từ các ngân hàng Mỹ, thường được dùng để xem xét các khoản vay thế chấp mua nhà không được chính phủ hậu thuẫn. Quy tắc này vừa giúp phía ngân hàng chọn lọc được khách vay có khả năng chi trả tốt, vừa giúp người đi vay mua nhà tự cân nhắc khả năng tài chính của bản thân.

Theo quy tắc 28/36: Bạn chỉ nên dành tối đa 28% tổng thu nhập hàng tháng của mình cho khoản vay mua nhà, và tối đa 36% thu nhập cho toàn bộ các khoản vay khác.

Tính mua nhà, vợ chồng Hà Nội tiết lộ 1 con số khiến dân mạng thảng thốt: “Trời ơi đừng có vội”- Ảnh 3.

Ảnh minh họa

Ví dụ: Thu nhập hàng tháng của bạn là 40.000.000 đồng. Như vậy, trong 1 tháng:

- Số tiền tối đa mà bạn nên dành cho khoản vay mua nhà là: 40.000.000 x 28% = 11.200.000.

- Số tiền tối đa mà bạn nên dành cho tất cả các khoản nợ khác (bao gồm cả nợ vay mua nhà) là: 40.000.000 x 36% = 14.400.000.

2 - Ưu tiên vay tiền người thân trước khi vay ngân hàng

Nếu bắt buộc phải vay tiền mua nhà, hãy ưu tiên vay người thân trước khi vay ngân hàng, vì thông thường, vay người thân sẽ không mất lãi; hoặc nếu lãi, khoản lãi có thể cũng sẽ "nhẹ nhàng" hơn nhiều lãi vay ngân hàng.

Vậy nên, cố gắng vay tiền người thân, đồng thời lên kế hoạch tiết kiệm để trả nợ cho họ, rồi xem còn thiếu bao nhiêu, hãy vay ngân hàng.

3 - Không được phép loại trừ khả năng bị giảm thu nhập sau khi vay tiền mua nhà

Khi thu nhập ổn định, việc trả nợ hàng tháng có thể không phải áp lực quá lớn. Tuy nhiên, cuộc sống luôn tiềm ẩn những bất trắc như mất việc, ốm đau, hoặc các vấn đề kinh tế khác có thể dẫn đến giảm hoặc mất thu nhập. Nếu đã quyết định vay tiền mua nhà hoặc mua BĐS, đặc biệt là trong bối cảnh hiện tại, đừng bao giờ bỏ qua khả năng bản thân có thể bị giảm thu nhập/mất thu nhập.

Việc trả nợ mua nhà là một cam kết tài chính dài hạn và thường chiếm một phần không nhỏ trong thu nhập hàng tháng. Nếu không tính toán đến khả năng giảm thu nhập, bạn có thể phải thắt chặt chi tiêu quá mức khi tình huống xấu xảy ra, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bản thân và gia đình. Việc có sự chuẩn bị trước giúp bạn có thể duy trì một mức sống chấp nhận được ngay cả khi thu nhập bị ảnh hưởng.

NGỌC LINH
Từ khóa: mua nhà
Ý kiến của bạn