Tình trạng di dân từ ĐBSCL về TP. HCM và Đông Nam Bộ ở mức đáng báo động
Theo Đại biểu Thạch Phước Bình - đoàn Trà Vinh, lượng người di cư từ đồng bằng sông Cửu Long về TP. HCM và Đông Nam Bộ trong 10 năm đạt gần 1,1 triệu người, lớn hơn dân số của một tỉnh trong vùng và tương đương với số tăng dân số tự nhiên của vùng.
Phát biểu trước Quốc hội trong phiên thảo luận chiều 25/7, Đại biểu Thạch Phước Bình - đoàn Trà Vinh cho biết, báo cáo kinh tế thường niên năm 2020 của Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam cho thấy, giai đoạn 2010-2019 chứng kiến sự chuyển đổi cơ cấu kinh tế mạnh mẽ ở đồng bằng sông Cửu Long. Tỷ trọng khu vực 1 đã giảm từ 39,6% trong năm 2010 xuống còn 28,3% trong năm 2019, nhưng kinh tế của đồng bằng sông Cửu Long vẫn chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp, trong khi công tác quy hoạch cho ngành kinh tế mũi nhọn này chưa đáp ứng và chưa thích ứng với biến đổi khí hậu.
Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2016-2020 của đồng bằng sông Cửu Long đạt khoảng 7,5%. Tuy nhiên, thu nhập bình quân đầu người của vùng chỉ đạt 2.217 USD, trong khi vùng Đông Nam Bộ là 5.289 USD. Vùng đồng bằng sông Cửu Long chỉ có duy nhất thành phố Cần Thơ có điều tiết ngân sách về trung ương, cả vùng chỉ đóng góp 18% GDP cho quốc gia.
Thứ hai, vấn đề di dân là câu chuyện đang gây nhức nhối ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Tình trạng người dân của đồng bằng di cư về TP. HCM và Đông Nam Bộ đáng báo động. Số lượng di cư 10 năm gần 1,1 triệu người, lớn hơn dân số của một tỉnh trong vùng và tương đương với số tăng dân số tự nhiên của vùng.
Thứ ba, về đầu tư năng lượng sạch. Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, đồng bằng sông Cửu Long sẽ trở thành trung tâm năng lượng lớn của quốc gia với tổng công suất điện than và khí đạt 22.650MW vào năm 2020. Như vậy, sau khi cập nhật đến năm 2030, đồng bằng sông Cửu Long dự kiến chỉ có khoảng 6.700MW điện than và 5.310MW nhiệt điện, nội khí, trong khi đồng bằng sông Cửu Long có nhiều tiềm năng phát triển mạnh mẽ năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió, điện mặt trời và điện sinh khối nhưng chưa được đưa vào quy hoạch hiện hành vào Quy hoạch điện VIII.
Thứ tư, về thu hút đầu tư. Từ khi có Nghị quyết 120, việc đầu tư của vùng đã tăng lên đáng kể, đặc biệt là thu hút FDI nhưng vẫn còn thấp hơn nhiều so với các vùng khác và hiệu quả mang lại chưa cao. Riêng về đầu tư cho đường cao tốc chỉ bằng 7% so với cả nước. Mặt khác, đầu tư trực tiếp nước ngoài còn hạn chế, mặc dù từ năm 2017 đến nay nhiều địa phương trong vùng đã thực hiện các cuộc xúc tiến đầu tư với quy mô lớn.
Tuy nhiên, tính đến ngày 20/6/2021 đồng bằng sông Cửu Long có 1.818 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng số vốn đăng ký khoảng 33 tỷ USD, chỉ bằng 10% so với tổng số dự án và số vốn đăng ký cả nước và lĩnh vực chủ yếu đầu tư là công nghiệp chế biến. Những ngành thâm dụng nhiều lao động như dệt may, da giày, tỷ lệ đầu tư vào nông nghiệp, năng lượng, thế mạnh của vùng còn rất hạn chế.
Bên cạnh đó, thách thức hàng đầu tại đồng bằng sông Cửu Long là đối mặt với những tác động do biến đổi khí hậu, triều cường, hạn mặn, sạt lở, các hoạt động phát triển thủy điện, khai thác tài nguyên với cường độ cao ở thượng nguồn sông Mê Kông khiến đồng bằng sông Cửu Long sẽ tiếp tục là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề.
Để giải quyết bài toán tăng trưởng kinh tế vùng đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian tới, Đại biểu Thạch Phước Bìn đề nghị Chính phủ cần quan tâm giải quyết những nguyên nhân tồn tại như:
Một là, khai thác hợp lý tài nguyên, bởi vì tài nguyên đã đến mức tới hạn, triển khai đồng bộ để các địa phương tiếp tục triển khai có hiệu quả 3 đề án: Đề án chuyển đổi thuận thiên kiến tạo phát triển bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu, Đề án chống sạt lở bờ sông, bờ biển và Đề án hiện đại hóa giao thông thủy lợi vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Hai là, cần phải thống nhất mô hình phát triển kinh tế của vùng. Như về hạ tầng giao thông thì đâu là trục chính của vùng, đâu là cảng biển, chấm dứt tình trạng mạnh ai nấy chạy về tăng trưởng GDP. Theo đó, mô hình phát triển mới của đồng bằng sông Cửu Long có thể phải bám vào 4 trụ cột đó là: Kinh tế, quản trị, xã hội, môi trường. Đổi mới mô hình kinh tế truyền thống, thay vì tập trung vào sản xuất nông nghiệp thì cần phải tập trung vào kinh tế nông nghiệp, tập trung vào chất lượng hơn thay vì số lượng liên kết thành chuỗi cung ứng, thay vì tích tụ ruộng đất, phân mảnh.
Ba là tiếp tục đổi mới công tác kêu gọi xúc tiến thu hút đầu tư, đặc biệt là thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thông qua cơ chế phối hợp, liên kết giữa các tỉnh trong khu vực nhằm giảm chi phí khai thác nguồn lực và lợi ích chung.
Bốn là, tập trung triển khai nhanh, bảo đảm tiến độ các dự án, công trình giao thông kết nối giữa các tỉnh trong khu vực với đồng bằng sông Cửu Long, tạo thuận lợi trong việc tiếp cận nguồn nguyên liệu dồi dào phục vụ ngành công nghiệp chế biến thực phẩm tại đồng bằng sông Cửu Long với vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp của Việt Nam với Thành phố Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, quan tâm triển khai các nguồn vốn đầu tư trung hạn giai đoạn 2021-2025 cho đồng bằng sông Cửu Long với tổng số kinh phí dự kiến được phân bổ trên 266.000 tỷ đồng, tăng 20% so với giai đoạn 2016-2020.
Nhã MiTrong báo cáo cập nhật kinh tế mới nhất về Việt Nam, Standard Chartered dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức vừa phải, lãi suất được duy trì ở mức thấp. GDP của Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng trưởng ở mức 6,8% năm 2024, nhờ xuất khẩu và công nghiệp giữ đà tích cực.