Tình trạng thiếu máy bay có thể kéo dài đến cuối năm 2025
Theo Tổng Giám đốc Vietnam Airlines Lê Hồng Hà, tình trạng thiếu tàu bay do sự cố động cơ - yếu tố chính làm tăng giá vé có thể phải đến cuối năm sau mới giảm dần.
Chia sẻ tại Đại hội cổ đông thường niên 2024 sáng 21/6, ông Lê Hồng Hà, Tổng Giám đốc Vietnam Airlines (VNA), cho hay số lượng máy bay của hãng thiếu hụt khá nhiều.
Do sự cố động cơ Pratt & Whitney sử dụng trên tàu bay Airbus A321neo, Vietnam Airlines đang phải dừng khai thác 11 tàu thân hẹp này - dòng máy bay chủ lực của các hãng trên mạng đường bay nội địa. Trên toàn cầu, khoảng 3.500 động cơ Pratt & Whitney bị triệu hồi để kiểm tra, bảo dưỡng. Vì vậy, thời gian sửa chữa động cơ kéo dài từ thông thường 90 ngày lên tới 250-300 ngày như hiện tại.
Theo CEO Vietnam Airlines, bên cạnh Pratt & Whitney, một số động cơ sử dụng trên các dòng tàu thân rộng như Airbus A350, Boeing B787 cũng bị ảnh hưởng, cần đưa vào bảo dưỡng. Hãng này có thể phải cho 2-4 tàu Airbus A350 nằm sân. Vì vậy, tổng số lượng tàu dừng khai thác của Vietnam Airlines thời gian tới có thể lên đến 13-15 tàu.
Bởi nhu cầu về tàu bay trên thế giới vẫn ở mức cao, ông Hà dự báo tình trạng thiếu hụt máy bay sẽ vẫn kéo dài sang năm 2025, có thể đến năm 2026, 2027 mới có thể được giải quyết. Giá thuê tàu bay đã tăng 20-30% so với trước đây. Còn nếu các hãng đặt mua tàu mới của Airbus, Boeing lúc này, có thể phải đến năm 2030, 2031 mới được bàn giao.
Để bù đắp sự thiếu hụt, VNA đã đưa ra nhiều giải pháp bao gồm việc tạm dừng hoặc giảm tần suất một số chặng bay ở giai đoạn thấp điểm, không hiệu quả, tăng giờ bay…
Với các giải pháp như vậy, số giờ bay trong ngày tăng bù đắp được phần nào nguồn cung đang thiếu hụt. Ngoài ra, hãng cũng đã thuê ướt một số máy bay, cao điểm Tết thuê thêm 2 chiếc và kế hoạch từ nay cuối năm thuê thêm 5 chiếc.
“Hãng đã có các giải pháp để khắc phục tình trạng thiếu hụt máy bay như tái cơ cấu các đường bay, giảm các đường bay thấp điểm để chuyển sang giờ cao điểm và các đường bay hiệu quả hơn. Đặc biệt, hãng tiếp tục mở các đường bay mới…”, ông Lê Hồng Hà thông tin.
Đặc biệt, VNA cũng quan tâm tới dòng máy bay C919 do Trung Quốc nghiên cứu và sản xuất. Ông Lê Hồng Hà nhấn mạnh, đây là một nhà sản xuất máy bay đối trọng với các nhà sản xuất máy bay của châu Âu. Vietnam Airlines vẫn đang theo dõi sát sao quá trình phát triển và cấp phép của các cơ quan quản lý với tàu bay C919. Hiện nay, dòng máy bay này mới được giới chức hàng không Trung Quốc cấp phép và chưa được Mỹ, châu Âu chứng nhận.
Theo Tổng Giám đốc Vietnam Airlines Lê Hồng Hà, thị trường quốc tế đang phục hồi nhanh, chiếm khoảng 6% tổng doanh thu của hãng nhưng một số đường bay lớn chưa phục hồi như kỳ vọng.
Đơn cử như đường bay đi Trung Quốc - thị trường lớn và quan trọng của VNA cũng như hàng không Việt Nam, việc phục hồi chậm so với dự báo chung. 5 tháng đầu năm, thị trường Trung Quốc giảm khoảng 55% so với trước dịch Covid-19. Hãng đang xem xét để mở lại dần các đường bay đi Trung Quốc trong thời gian tới, như đường bay Thành Đô.
Với đường bay Nhật Bản, khách du lịch Nhật Bản đến Việt Nam mới đạt 60% so với 2019, đây là thị trường quan trọng với du lịch Việt Nam và VNA nhưng phục hồi chậm.
Với đường bay Mỹ đã được hãng chính thức mở từ 2022, theo ông Hà, “đây là đường bay quan trọng về mặt chính trị - xã hội, được ấp ủ xây dựng sau hơn 20 năm đánh giá”. Về mặt tài chính, đường bay đi San Francisco (Mỹ) chưa đạt chi phí đủ trên tổng chi phí.
Huyền My (t/h)Sáng 21/01, Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị đã tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.