Tổ chức phiên tòa giả định, tuyên truyền về phòng, chống bạo lực học đường

Địa phương
01:53 PM 24/04/2024

Vừa qua, Huyện đoàn, Hội Liên hiệp thanh niên, Hội đồng Đội huyện Gia Lâm phối hợp với Học viện Tòa án, Viện Kiểm sát nhân dân và Tòa án nhân dân huyện Gia Lâm (Hà Nội) tổ chức "Phiên tòa giả định - Tuyên truyền phòng, chống bạo lực học đường năm 2024".

Chương trình nhằm nâng cao nhận thức, ý thức của thanh niên, học sinh về việc chấp hành pháp luật nói chung và phòng, chống bạo lực học đường nói riêng; góp phần hình thành chuẩn mực ứng xử văn minh, phù hợp với các quy định của pháp luật theo phương châm: "Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật".

Tổ chức phiên tòa giả định, tuyên truyền về phòng, chống bạo lực học đường- Ảnh 1.

Phiên tòa giả định được thực hiện với đầy đủ trình tự, thủ tục và thành phần tham gia.

Dự chương trình, có anh Tạ Quang Hưng - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Kiểm tra Thành đoàn; ông Nguyễn Trần Nam - Phó Ban Dân vận Huyện ủy Gia Lâm; ông Vũ Quang Dũng - Phó Chánh án Tòa án nhân dân huyện Gia Lâm; ông Hoàng Đình Thủy - Phó Bí thư chi bộ, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân huyện Gia Lâm.

Cùng dự Phiên tòa giả định, còn có các ông, bà đại diện các phòng ban, đoàn thể thuộc huyện; Bí thư, Phó Bí thư các cơ sở đoàn trực thuộc, các giáo viên làm tổng phụ trách Đội các liên đội trực thuộc; và sự có mặt của hơn 350 đoàn viên, thanh niên, học sinh khối THCS và THPT trên địa bàn.

Tổ chức phiên tòa giả định, tuyên truyền về phòng, chống bạo lực học đường- Ảnh 2.

"Phiên tòa giả định" là một hoạt động có ý nghĩa thiết thực, để lại những bài học quý báu cho đông đảo các em học sinh có mặt theo dõi.

Khác với các hình thức tuyên truyền khác, "Phiên tòa giả định" được xây dựng kịch bản cụ thể, chi tiết với đầy đủ thành phần (chủ tọa phiên tòa, thư ký, kiểm sát viên, hội thẩm nhân dân, bị cáo, người bị hại, nhân chứng, cán bộ công an bảo vệ phiên tòa) và diễn ra theo đúng trình tự, thủ tục quy định tại Bộ luật Tố tụng Hình sự.

Vì vậy, từ chỗ chưa hiểu biết đầy đủ các quy định pháp luật, các đoàn viên, thanh niên, thiếu nhi tham dự phiên tòa giả định sẽ nhớ đến các hành vi vi phạm của bị cáo và các chế tài pháp luật điều chỉnh có liên quan.

Ngoài ra, đây còn là cơ hội đoàn viên, thanh niên, thiếu nhi huyện Gia Lâm đưa ra các câu hỏi để được giải đáp trực tiếp tại chương trình. Qua đó, hiểu rõ hơn các quy định của pháp luật liên quan đến chủ đề của phiên tòa, tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức và ý thức tôn trọng, chấp hành pháp luật.

Tổ chức phiên tòa giả định, tuyên truyền về phòng, chống bạo lực học đường- Ảnh 3.

Qua "Phiên tòa giả định", giúp các em học sinh hiểu rõ và nhận thức được tác hại của bạo lực học đường

Phiên tòa giả định là hình thức đổi mới trong công tác tuyên truyền phòng chống bạo lực học đường, đề cao tính trực quan, sinh động và dễ tiếp thu nội dung. Từ đó, nâng cao trình độ nhận thức, giáo dục ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật trong trong thanh thiếu nhi góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Nguyễn Hạnh
Ý kiến của bạn