Tơ tằm làng Phùng Xá và dấu ấn từ hội chợ Ocop
Nhắc đến Nghệ nhân ưu tú Phùng Thị Thuận (xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức, Hà Nội), đó là hình ảnh người phụ nữ sinh ra và gắn bó với nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa. Cho đến nay dù đã gần 70 tuổi nhưng Nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận lúc nào cũng đau đáu phát huy nghề truyền thống và tạo công ăn việc làm cho người lao động nông thôn.
Đau đáu với nghề
Những năm 1970 - 1980, Phùng Xá được mệnh danh là "Thủ đô dâu tằm" của miền Bắc, với các mặt hàng tơ lụa được xuất sang các nước Đông Âu. Bản thân gia đình bà đã có bốn đời nuôi tằm, dệt lụa. Lên 6 tuổi, bà được bố mẹ dạy nghề. Gắn với lá dâu, con tằm từ thủa nhỏ, hiểu rõ cái hay, cái đẹp của nghề dệt lụa, cho nên khi thấy các hộ gia đình lần lượt bỏ nghề, những nương dâu bị phá bỏ, lòng bà như thắt lại.
"Người dân Phùng Xá chuyển đổi sang dệt hàng tiêu dùng, nhiều nhất là các loại khăn mặt, tất, màn… so với làng Vạn Phúc (Hà Đông), Phùng Xá không có lợi thế giao thương cho nên mất đi thị trường quan trọng, nghề dệt cũng từ đó mà mai một", bà Thuận chia sẻ.
Vừa lo công tác sản xuất, vừa lo đầu ra cho lụa tơ tằm khi bị rớt giá, bà tìm đến các làng nghề và tìm cách cùng họ hợp tác nhưng cũng không phải là cách lâu dài. Trong lúc bế tắc, năm 2010 Nghệ nhân Phan Thị Thuận đã thử nghiệm nuôi tằm tự dệt. Bà để những con tằm lên một mặt phẳng để chúng không có nơi bấu víu, không thể cuộn tròn lại để cuốn kén. Theo bản năng đến kỳ con tằm sẽ phải nhả tơ vào không gian. Cứ thế, những con tằm cùng nằm trên một mặt phẳng rút ruột nhả tơ một cách chăm chỉ. Những sợi tơ cuốn vào nhau dệt thành những tấm chăn tơ tằm bền, đẹp.
Và cho đến năm 2012, sau 1 năm với 8 lứa tằm thử nghiệm, Nghệ nhân Phan Thị Thuận đã thành công với sản phẩm chăn tơ tằm tự dệt bằng phương pháp đầu tiên xuất hiện trong lịch sử nghề nuôi tằm. Sản phẩm đã được Hội Nông dân Việt Nam tặng Bằng khen và đạt Giải nhất với giải pháp sáng tạo mềm bông tơ tằm do con tằm tự dệt vào năm 2015.
Mỗi sản phẩm là niềm tự hào với quê hương
Nhắc lại câu chuyện khi tham gia Hội chợ quảng bá sản phẩm Ocop năm 2013 do UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức, Nghệ nhân ưu tú Phùng Thị Thuận coi đó như là bước ngoặt đánh dấu việc quảng bá sản phẩm ra thị trường.
"Tôi còn nhớ lúc đó bác Phạm Minh Chính đang giữ cương vị Bí thư tỉnh uỷ Quảng Ninh, hội chợ được mở ra với nhiều mặt hàng, sản phẩm đến từ mọi nơi. Thời điểm ấy, công nghệ thông tin, mạng xã hội chưa được phủ sóng rộng rãi như bây giờ nên việc có mặt và được ghi nhận tại Hội chợ chính là cơ hội lớn của nghề tơ tằm Phùng Xá, Mỹ Đức chúng tôi", Nghệ nhân ưu tú Phùng Thị Thuận chia sẻ.
Từ đó, sản phẩm từ tơ tằm đã được nhiều đơn vị, cá nhân trong và ngoài nước quan tâm. Cũng vì thế, nhiều đơn đặt hàng làm quà biếu, quà tặng cũng tăng dần, nghề trồng dâu, nuôi tằm Mỹ Đức lại nức tiếng gần xa.
"Tôi vui nhất là được tạo ra nhiều sản phẩm nhận được sự ưa chuộng của khách hàng. Quan trọng hơn hết là tạo công ăn việc làm cho nhân dân nơi đây, đặc biệt là những thời gian nông nhàn có thể tăng gia sản xuất, tăng thêm thu nhập", bà Thuận cho biết.
Những năm gần đây, mặc dù ảnh hưởng của dịch bệnh Covid- 19 bùng phát nhưng theo Nghệ nhân ưu tú Phùng Thị Thuận, những sản phẩm từ tơ tằm, tơ sen của bà vẫn có kết quả sản xuất kinh doanh đáng mừng.
Bà đã chủ động linh hoạt tạo ra sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường, ví dụ như khẩu trang 100% từ tơ tằm với 3 lớp vừa đảm bảo sức khoẻ, vừa ngăn chặn được dịch bệnh cho người dùng; khăn mặt tơ tằm, chăn, ga, gối, …đều là những sản phẩm tơ tằm và đều được khách hàng đón nhận, yêu thích.
Đến với Phùng Xá, Mỹ Đức, nghe tiếng khung cửi dệt lụa của những người lao động cần mẫn ven bên dòng sông Đáy , được nghe câu chuyện làm nghề, giữ nghề, sống với nghề của Nghệ nhân ưu tú Phùng Thị Thuận mới thấm thía được những tình cảm mà những con người đã dành cho quê hương, đất nước.
Đối với Nghệ nhân Phan Thị Thuận, mảnh đất, dòng nước quê hương là động lực hun đúc tình yêu, sức sáng tạo để bà có thể gìn giữ, phát triển nghề dệt tơ tằm cho đến nay và truyền lại nó cho con cháu đời sau.
Trương Hưng - Quang DũngTrong báo cáo cập nhật kinh tế mới nhất về Việt Nam, Standard Chartered dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức vừa phải, lãi suất được duy trì ở mức thấp. GDP của Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng trưởng ở mức 6,8% năm 2024, nhờ xuất khẩu và công nghiệp giữ đà tích cực.