Tọa đàm "Định hướng phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045"

Diễn đàn
10:20 AM 14/12/2022

Sáng 13/12, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Tỉnh ủy Nghệ An tổ chức Tọa đàm khoa học định hướng phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Các đồng chí: Trần Tuấn Anh – Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án tổng kết Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị; Thái Thanh Quý - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án tổng kết Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị; Nguyễn Hồng Sơn - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án đã tổng kết Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị.

Tham dự tọa đàm có các đồng chí nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thường trực Tỉnh ủy, các đồng chí trong Tổ Tư vấn kinh tế - xã hội; các chuyên gia, nhà khoa học.

Về phía tỉnh Nghệ An có các đồng chí: Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ; Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Bí thư Tỉnh uỷ; cùng các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ Biên tập và đại diện Thường trực Thành uỷ Vinh và các huyện, thị xã: Cửa Lò, Hoàng Mai, Thái Hoà, Đô Lương, Con Cuông.

Nghệ An: Tọa đàm khoa học định hướng phát triển tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 - Ảnh 1.

Quang cảnh buổi tọa đàm

Những thành tựu toàn diện sau gần 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26

Với sự quan tâm đặc biệt đối với quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 30/7/2013, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020 với mục tiêu: Phấn đấu xây dựng Nghệ An trở thành tỉnh khá trong khu vực phía Bắc vào năm 2015, tạo cơ sở đến năm 2020 cơ bản trở thành một tỉnh công nghiệp. Năm 2019, Bộ Chính trị đã sơ kết, đánh giá 5 năm thực hiện Nghị quyết số 26; đồng thời, ban hành Thông báo số 55, trong đó đề ra các nhiệm vụ tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 26 và tổ chức tổng kết vào năm 2023. 

Sau gần 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị, tỉnh Nghệ An đã đạt được những thành tựu khá toàn diện trên các mặt. Quy mô nền kinh tế hiện đứng thứ 12 cả nước, đóng góp 12,43% quy mô kinh tế Vùng và 1,85% cả nước. Kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng khá, riêng năm 2022, đạt 9,05%; thu ngân sách năm 2022 thực hiện trên 20.000 tỷ đồng. 

Một số lĩnh vực từng bước định hình là trung tâm vùng Bắc Trung Bộ, như y tế, giáo dục và đào tạo, tài chính – ngân hàng... Đời sống của nhân dân ở các vùng, miền từng bước được nâng lên rõ rệt; khối đại đoàn kết toàn dân, niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước ngày càng được củng cố. Những thành quả ấy có ý nghĩa rất quan trọng, tạo nền tảng vững chắc cho bước phát triển của tỉnh những năm tới.

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình thực hiện Nghị quyết vẫn còn tồn tại, hạn chế, nhất là mục tiêu xây dựng Nghệ An trở thành tỉnh khá trong khu vực phía Bắc vào năm 2015, cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp vào năm 2020 chưa đạt được. Chất lượng tăng trưởng kinh tế, sức cạnh tranh chưa cao; một số chỉ tiêu kinh tế quan trọng còn đạt thấp so với mục tiêu …

Thực hiện chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư, ngay từ đầu năm 2022 đến nay, Tỉnh ủy Nghệ An đã dành nhiều thời gian, công sức để triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị, xác định đây là một trong những nhiệm vụ chính trị rất quan trọng được ưu tiên hàng đầu.

Nghệ An: Tọa đàm khoa học định hướng phát triển tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 - Ảnh 2.

Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý phát biểu tại toạ đàm

“Tọa đàm hôm nay sẽ giúp Ban Chỉ đạo Đề án và Tỉnh ủy Nghệ An nhìn nhận rõ hơn, cụ thể hơn về những kết quả đạt được, những khó khăn, hạn chế, tồn tại, nguyên nhân, những bài học kinh nghiệm trong 10 năm tổ chức thực hiện Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị; đồng thời, sẽ giúp làm sáng tỏ hơn những vấn đề lý luận và thực tiễn đặt ra đối với phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là bước rất quan trọng nhằm bổ sung, hoàn thiện Báo cáo tổng kết Nghị quyết bảo đảm tiến độ, chất lượng để trình Bộ Chính trị đúng êu cầu theo kế hoạch đề ra”, Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý nhấn mạnh.

Tập trung thảo luận 5 nhóm vấn đề

Phạm vi Tọa đàm khá rộng, đề cập tới nhiều vấn đề về định hướng phát triển tỉnh Nghệ An trong tương lai khá dài (đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045), liên quan đến nhiều cơ chế chính sách của các Bộ, ngành, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận 5 nhóm vấn đề.

Đó là, làm sâu sắc hơn tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW từ công tác tuyên truyền, học tập, quán triệt đến ban hành các cơ chế, chính sách, bổ sung nguồn lực và phối hợp triển khai của các Bộ, ngành, đặc biệt là cấp ủy và chính quyền các cấp tại Nghệ An. Trên cơ sở đó rút ra các bài học kinh nghiệm quý trong công tác ban hành Nghị quyết cho địa phương và trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng với các địa phương.

Làm nổi bật hơn kết quả đạt được về phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nghệ An trong 10 năm qua, những thành tựu nổi bật; những nguồn lực, tiềm năng còn chưa được khai thác hoặc khai thác kém hiệu quả và khả năng hấp thụ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; những tồn tại hạn chế và các nguyên nhân. Từ đó đề xuất các chủ trương, định hướng lớn, tạo căn cứ chính trị để các Bộ, ngành và các cấp chính quyền tỉnh Nghệ An ban hành các cơ chế chính sách phù hợp để phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nghệ An trong thời gian tới.

Định vị lại vai trò của tỉnh Nghệ An trong khu vực Bắc Trung Bộ, vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, trong tổng thể quốc gia; dự báo về bối cảnh mới trong nước, quốc tế, những tác động tích cực, tiêu cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh của tỉnh, nhất là tác động của các xu thế kinh tế mới như kinh tế số, kinh tế tuần hoàn... và các thách thức mới xuất hiện. 

Trên cơ sở đó đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nghệ An trong mối liên hệ chặt chẽ với các địa phương khu vực Bắc Trung Bộ và thực hiện tốt mục tiêu phát triển vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ như Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị đề ra.

Thảo luận, phân tích tính đồng bộ trong việc xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách nhằm huy động các nguồn lực bên ngoài và khai thông các nguồn lực tại chỗ để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; làm rõ các điểm “nghẽn” về cơ chế, chính sách và công tác phối hợp các Bộ, ngành và địa phương trong triển khai, thực hiện. Trên cơ sở đó, đề xuất định hướng lớn về chiến lược và quy hoạch phát triển tỉnh, nhất là quy hoạch phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, phát triển các vùng nguyên liệu, chuỗi sản xuất và ứng dụng các thành quả của khoa học công nghệ, cách mạng 4.0 vào các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội.

Đánh giá về phát triển từng lĩnh vực, địa bàn trong tỉnh, tìm ra các điểm đặc thù, các lợi thế cần được khai thác; gợi mở các mô hình tốt, cách làm hay xuất phát từ thực tiễn. Trên cơ sở đó, đề xuất các chương trình, kế hoạch, dự án, công trình cho từng địa bàn, lĩnh vực để thu hút, dẫn dắt các nguồn lực và tạo ra động lực tại chỗ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương; nhân rộng mô hình mới, cách làm sáng tạo hiệu quả để nhân rộng phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh.

Đề xuất nhiều giải pháp để Nghệ An phát triển

Theo Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Trương Đình Tuyển, muốn phát triển Nghệ An phải đặt trong sự phát triển chung của thời đại, phải có khát vọng, tư duy hành động, hành động táo bạo để thực hiện các mục tiêu đề ra. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh ứng dụng các thành quả của cách mang 4.0; phát huy tính cách của con người Nghệ An trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo.

Nghệ An: Tọa đàm khoa học định hướng phát triển tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 - Ảnh 3.

Ông Lê Doãn Hợp - Nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An phát biểu.

Nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Lê Doãn Hợp cho rằng, để phát triển Nghệ An phải xác định rõ những lợi thế của mình trong quá trình phát triển. Hiện nay, Nghệ An đã phát triển hạ tầng đồng bộ; chăm lo tốt các vấn đề văn hóa – xã hội; công tác khoanh nuôi bảo vệ, chăm sóc rừng tốt; chăm lo tốt sinh thái và môi trường đô thị; nội bộ đoàn kết, dân yên… Tuy nhiên, hiện nay, chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh vẫn thấp; công tác cải cách hành chính chưa đáp ứng yêu cầu, vẫn còn khiêm tốn so với các tỉnh khác; không có khu công nghiệp công nghệ thông tin. Nghệ An vẫn là tỉnh nghèo.

Ông Lê Doãn Hợp đề nghị Tỉnh ủy Nghệ An phải ra nghị quyết giải phóng tư tưởng, quyết chí làm giàu, sớm đưa Nghệ An thoát khỏi tỉnh nghèo. Xây dựng khu công nghiệp để phát triển các lĩnh vực Nghệ An có lợi thế; tôn vinh các di tích lịch sử để phát triển du lịch; nâng cấp các trường đại học ở Nghệ An để đáp ứng đào tạo nhân lực chất lượng cao; đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa. 

Bên cạnh đó, tỉnh phải quyết liệt hơn nữa trong công tác thu hút đầu tư, phải đi tìm kiếm các nhà đầu tư. Trong cơ chế thu hút đầu tư nên ưu tiên đầu tư các doanh nghiệp quốc tế; các doanh nghiệp lớn của Việt Nam và thu hút các doanh nghiệp người Nghệ An về đầu tư Nghệ An nên đề xuất Trung ương 2 nội dung: Cho phép thi tuyển 4 chức danh Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch UBND huyện, Chủ tịch UBND xã và Giám đốc các sở. Đầu tư cho đại lộ Đông Tây nối các nước Việt Nam, Lào, Campuchia, Mianma. 

Bên cạnh đó, nội bộ tỉnh phải đoàn kết, quyết liệt hơn; khai thác được vốn liếng của các doanh nghiệp Trung ương, doanh nghiệp nước ngoài; khai thác trí thức của người Nghệ An ở ngoại tỉnh.

Nghệ An: Tọa đàm khoa học định hướng phát triển tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 - Ảnh 4.

Chuyên gia Trần Đình Thiên đề nghị Trung ương cần có cơ chế, thể chế ưu tiên, phân cấp phần quyền, giao quyền cho tỉnh Nghệ An.

Bên cạnh đó, các đại biểu đề nghị cần phát triển Vinh thành đô thị biển. Trong báo cáo cần gắn kết các mục tiêu, nhiệm vụ; mục tiêu, chỉ tiêu đặt ra trong giai đoạn mới phải có tính thực tiễn. Tỉnh cần phát triển hệ thống logictics, phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ; định hướng sâu hơn về phát triển kinh tế biển; xác định các trọng tâm, trọng điểm nông nghiêp; phát triển cơ sở hạ tầng chiến lược…

Phát biểu kết luận buổi tọa đàm, đồng chí Trần Tuấn Anh – Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh, các nội dung trao đổi, thảo luận tại Tọa đàm cho thấy những nhìn nhận rất sâu sắc, chất lượng, toàn diện, có tính thực tiễn cao, bám sát các chủ trương, định hướng lớn của Đảng tại Đại hội Đảng XIII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ An nhiệm kỳ 2020 - 2025, đặc biệt là lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đồng bào đồng chí tỉnh nhà ra sức phấn đấu làm cho Nghệ An mau trở thành một trong những tỉnh khá nhất ở miền Bắc”. 

Từ kinh nghiệm quản lý điều hành, từ tình cảm sâu nặng và khát vọng xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh Nghệ An và các chuyên gia, nhà khoa học đã mạnh dạn đề xuất nhiều ý tưởng, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể nhằm phát triển nhanh, bền vững tỉnh Nghệ An thời gian tới. 

Nghệ An: Tọa đàm khoa học định hướng phát triển tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 - Ảnh 5.

Ông Trần Tuấn Anh – Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu kết luận buổi tọa đàm.

Các đại biểu đã phân tích những kết quả đạt được, những điểm nghẽn, hạn chế sau gần 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26. Đặc biệt, các đại biểu tham dự tọa đàm đều thống nhất cao về việc đề nghị Ban Chỉ đạo đề xuất Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết mới “về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” để tiếp tục khẳng định quan điểm của Đảng về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của Nghệ An đối với vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ và cả nước. Đồng thời, những vấn đề được đại biểu cho ý kiến hôm nay là cơ sở để Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương hoàn thiện, ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù và bổ sung nguồn lực để phát triển bền vững tỉnh Nghệ An xứng đáng là quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Thay mặt Ban Chỉ đạo, đồng chí Trần Tuấn Anh đã tiếp thu các góp ý của các đại biểu tham dự tọa đàm. Đây là một trong những cơ sở để Ban Chỉ đạo hoàn thiện Đề án tổng kết Nghị quyết số 26-NQ/TW.

Thái Quảng
Ý kiến của bạn
Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới

Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.