Toàn cảnh bức tranh ngành thép: Nhiều khó khăn nhưng vẫn có những tín hiệu tích cực

Thị trường
10:16 AM 27/03/2023

Ngành thép Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều khó khăn tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn tin tưởng vào tương lai khả quan của ngành thép trong nửa sau của năm 2023 từ việc sản xuất công nghiệp toàn cầu phục hồi khi tình trạng thiếu hụt năng lượng dần được kiểm soát.

Một năm khó khăn của ngành thép

Năm 2022, cơn bão giá quét qua nhiều mặt hàng. Thép là một trong những mặt hàng không nằm khỏi ngoại lệ. 

Đầu năm bão giá – cuối năm ảm đạm cũng là hai từ khóa thể hiện khó khăn lớn nhất của ngành vật liệu xây dựng (VLXD) theo kết quả khảo sát của Vietnam Report thực hiện trong tháng 2 vừa qua. 

Giá mặt hàng này trong năm 2022 đã trải qua gần 30 lần điều chỉnh, trong đó có 7 lần tăng giá liên tiếp vào đầu năm, sau đó giảm liên tiếp 15 lần từ tháng 4 đến tháng 8 xuống xung quanh 14 triệu đồng/tấn. Tính chung năm 2022, chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho xây dựng tăng 6,96%.

Toàn cảnh bức tranh ngành thép: Nhiều khó khăn nhưng vẫn có những tín hiệu tích cực - Ảnh 1.

TOP 5 công ty vật liệu nhóm thép, sắt, tôn do Vietnam Report báo cáo xếp hạng.

Tuy nhiên, giá các mặt hàng VLXD leo thang không phải do cầu thị trường tăng mà do tác động của giá nguyên liệu đầu vào từ quốc tế như xăng, dầu, than, giá cước vận tải,.. tăng cao và khan hiếm dẫn đến chi phí khai thác và sản xuất đều tăng, đặt gánh nặng lớn cho các doanh nghiệp. 

Xét riêng ngành thép, nếu như trong suốt năm 2020, thời điểm dịch COVID-19 hoành hành, giá nguyên liệu sản xuất và giá bán thép xây dựng tương đối ổn định thì kể từ năm 2021, giá bắt đầu điều chỉnh lên cao và đến cuối quý I/2022, giá nguyên liệu sản xuất thép ghi nhận mức giá giao dịch cao nhất trong những năm gần đây.

Nhu cầu xây dựng yếu tại các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam khiến việc xuất khẩu của các doanh nghiệp VLXD trong năm qua gặp khó. Trong nước, sự trầm lắng của thị trường bất động sản do tín dụng ngành này bị siết chặt khiến thị trường VLXD cuối năm ngoái với hàng trăm loại sản phẩm từ sắt thép, xi măng, thiết bị vệ sinh... rơi vào cảnh ảm đạm. Trước các yếu tố bất lợi trên, tình hình tiêu thụ VLXD cả ngoại và nội địa năm qua đều không khả quan, lượng hàng tồn kho tăng cao. 

Năm 2022, sản lượng tiêu thụ nội địa sụt giảm nghiêm trọng, còn 62,68 triệu tấn. Sản lượng tiêu thụ sắt thép cũng ghi nhận sự giảm sút. Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, tổng tiêu thụ sản phẩm thép năm 2022 toàn ngành đạt 27,3 triệu tấn, giảm 7,2% so với năm 2021; tổng xuất khẩu là 6,28 triệu tấn, giảm gần 20%.

Triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu không tích cực kéo theo sức cầu VLXD toàn cầu yếu, những rào cản thương mại các nước nhập khẩu buộc doanh nghiệp VLXD Việt Nam vất vả hơn trong công tác tìm kiếm thị trường xuất khẩu. So với cùng kỳ năm trước, sản lượng xuất khẩu các sản phẩm từ sắt thép hai tháng đầu năm 2023 đạt 92,2% trong khi clinker và xi măng chỉ đạt 69,6%. Trong nước, ngành bất động sản chưa có dấu hiệu hồi phục trong nửa đầu năm nay, kéo theo sự hồi phục chậm của các doanh nghiệp ngành VLXD. 

Trong khi đó, doanh nghiệp vẫn chưa thể gạt bỏ hoàn toàn gánh nặng biến động giá nguyên liệu đầu vào. Theo số liệu thống kê của Bộ Xây dựng, dự báo giá VLXD năm 2023 sẽ tiếp tục tăng 3,2%, do tăng theo giá nguyên vật liệu đầu vào. Từ đầu năm tới nay, giá VLXD trong nước liên tục tăng lên: Giá thép có tới 5 lần tăng liên tiếp, giá xăng dầu, xi măng, cát… cũng không ngừng tăng lên. 

Khảo sát của Vietnam Report chỉ ra rằng mức độ ảnh hưởng của sự biến động giá nguyên liệu và phụ gia đến chiến lược phát triển và nâng cao uy tín của doanh nghiệp VLXD trong năm 2023 đạt 4,7 điểm trên thang điểm 5 – tức mức ảnh hưởng rất nhiều, giảm nhẹ so với mức 4,8 điểm của năm 2021 nhưng vẫn tăng mạnh so với mức 4,1 điểm của năm 2020 hay 3,8 điểm của năm 2021 – năm mà phần lớn các hoạt động kinh doanh đều bị đóng băng do tác động của đại dịch. 

Bên cạnh đó, sự bất cân xứng cung cầu do tình trạng dư thừa nguồn cung sẽ gây nên sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt giữa các doanh nghiệp. Dự báo về triển vọng kinh doanh của ngành VLXD trong năm 2023 so với năm 2022, đa số các doanh nghiệp đều giữ thái độ thận trọng. Cụ thể, trên thang điểm 5, lĩnh vực xi măng đạt 2,8 điểm trong khi gạch, đá ốp lát, sứ vệ sinh được các doanh nghiệp đánh giá ở mức 2,9 điểm và lĩnh vực sắt, thép, tôn đạt 3,0 điểm.

Những điểm sáng cho ngành thép

Dù còn nhiều khó khăn nhưng vẫn có những tín hiệu tích cực cho ngành VLXD trong năm nay. 

Phần lớn các doanh nghiệp và chuyên gia trong ngành nhận định rằng đầu tư công được kỳ vọng sẽ là động lực mạnh mẽ đưa thị trường hồi phục và phát triển trở lại. Năm 2023, Chính phủ dự kiến chi 793.000 tỷ đồng cho giải ngân đầu tư công, tương đương mức tăng 34% so với kế hoạch năm 2022. 

Toàn cảnh bức tranh ngành thép: Nhiều khó khăn nhưng vẫn có những tín hiệu tích cực - Ảnh 2.

Nhiều doanh nghiệp tin tưởng vào tương lai khả quan trong nửa sau của năm 2023 từ việc sản xuất công nghiệp toàn cầu phục hồi khi tình trạng thiếu hụt năng lượng dần được kiểm soát. (Ảnh: Báo Hải quan)

Tính chung hai tháng đầu năm 2023, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước ước đạt 56,9 nghìn tỷ đồng, bằng 8,3% kế hoạch năm và tăng 18,3% so với cùng kỳ năm trước. Với những chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng nhằm đưa dòng vốn đầu tư công vào nền kinh tế ngay từ đầu năm, giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 được kỳ vọng sẽ tăng từ 20-25% so với giải ngân thực tế năm 2022. Điều này sẽ mở ra cơ hội lớn cho ngành VLXD.

Tín hiệu tích cực khác là vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) sẽ tiếp tục được đổ về từ sự ổn định về chính trị, môi trường kinh doanh và sức phát triển lớn tại thị trường nội địa. Trong năm 2022, đây cũng là một nguồn lực quan trọng khi ước tính các dự án đầu tư nước ngoài FDI đã giải ngân được gần 22,4 tỷ USD.

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp tin tưởng vào tương lai khả quan trong nửa sau của năm 2023 từ việc sản xuất công nghiệp toàn cầu phục hồi khi tình trạng thiếu hụt năng lượng dần được kiểm soát. Đặc biệt, các yếu tố liên quan đến công tác quản lý, điều hành của Chính phủ đóng vai trò rất lớn tới sức bật của các doanh nghiệp VLXD.

Các gói tín dụng cho nhà ở xã hội hay việc tháo gỡ các khó khăn pháp lý trên thị trường bất động sản của Chính phủ sẽ khơi thông những dự án bất động sản triển khai dang dở ở giai đoạn trước, giúp thúc đẩy tăng trưởng "hệ sinh thái" đi cùng như xây dựng và VLXD. Bên cạnh đó, việc chính sách Zero-Covid được gỡ bỏ và các gói cứu trợ lĩnh vực bất động sản dần có hiệu lực ở Trung Quốc - thị trường xuất khẩu sắt thép, xi măng lớn nhất của Việt Nam được cho là động lực quan trọng cho thị trường VLXD trong năm nay.

Mai Phương
Ý kiến của bạn
Tổng nhu cầu vốn ngành năng lượng khoảng hơn 4.000 nghìn tỷ đồng Tổng nhu cầu vốn ngành năng lượng khoảng hơn 4.000 nghìn tỷ đồng

Theo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tổng nhu cầu vốn đầu tư của ngành năng lượng toàn giai đoạn 2021 - 2030 cần khoảng 4.133 - 4.808 nghìn tỷ đồng.