Toàn cảnh “bức tranh” xây dựng NTM trên quê hương xứ Thanh

Địa phương
08:04 PM 27/10/2024

Mục tiêu cao nhất của Chương trình nông thôn mới giai đoạn 2021- 2025 là xây dựng nông thôn thành những miền quê bình yên nhưng trù phú; xây dựng đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng ấm no, hạnh phúc, gắn kết cộng đồng...

Những kết quả nổi bật

Thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa đã có những bước tiến xa, với nhiều thành tựu nổi bật trong xây dựng NTM. Số lượng các sản phẩm OCOP và số lượng xã đạt chuẩn NTM luôn thuộc top đầu cả nước. Trong đó, xã NTM đứng thứ hai, xã NTM nâng cao đứng thứ ba và xã NTM kiểu mẫu đứng thứ năm cả nước.

Toàn cảnh “bức tranh” xây dựng NTM trên quê hương xứ Thanh- Ảnh 1.

Vườn dưa Kim Hoàng Hậu - thị trấn Vạn Hà được trồng đúng kỹ thuật, cho năng suất cao.

Theo số liệu của Sở NN&PTNT Thanh Hóa, lũy kế, tính đến hết ngày 08/6/2024, toàn tỉnh có 13 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; 363/465 xã, 717 thôn, bản miền núi đạt chuẩn NTM; 97 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 23 xã, 489 thôn bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; có 492 sản phẩm OCOP đã được công nhận (trong đó, 01 sản phẩm 5 sao, 57 sản phẩm 4 sao, 429 sản phẩm 3 sao). Bình quân toàn tỉnh đạt 16,85 tiêu chí/xã.

Công tác giảm nghèo được chú trọng thực hiện, tỷ lệ hộ nghèo năm 2023 còn 3,53%, giảm 1,46% so với năm 2022; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 46,333 triệu đồng, tăng 3,483 triệu đồng so với năm 2022.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, các địa phương đã tích tụ được trên 4.000 ha ruộng đất để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao, đạt 66% kế hoạch năm. Hiện tại, có hàng trăm doanh nghiệp, tập đoàn chăn nuôi lớn đã và đang đầu tư vào nông nghiệp CNC, hình thành nhiều chuỗi liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm. 

Toàn tỉnh có trên 90 HTX nông nghiệp ứng dụng CNC đang hoạt động có hiệu quả. Riêng năm 2023, nhiều dự án quy mô lớn đã được đưa vào hoạt động: Khu liên hợp sản xuất, chăn nuôi công nghệ cao Xuân Thiện Thanh Hóa 1; Chăn nuôi bò sữa quy mô công nghiệp tỉnh Thanh Hóa; Khu chăn nuôi bò giống và thương phẩm ứng dụng công nghệ cao Dabaco Thanh Hóa...

Toàn cảnh “bức tranh” xây dựng NTM trên quê hương xứ Thanh- Ảnh 2.

Đường làng, ngõ xóm ở Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa sạch đẹp.

Để góp phần xây dựng thương hiệu, quảng bá, giới thiệu sản phẩm và mở rộng thị trường cho các sản phẩm OCOP. Bài toán thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp luôn được lãnh đạo các ban, ngành trong tỉnh quan tâm, chỉ đạo, hỗ trợ người dân đưa sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử. Đồng thời, cập nhật sản phẩm mũi nhọn trên chuyên trang nông sản Thanh Hóa với tiêu đề "Đồng hành cùng người Việt nâng tầm nông sản Việt". Đến nay, có 152 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP và 11.361 sản phẩm đặc trưng của các huyện lên sàn thương mại điện tử postmart.vn và các sàn thương mại điện tử khác.

Không chỉ vậy, chương trình chuyển đổi số trong xây dựng NTM, hướng tới NTM thông minh cũng được tổ chức đồng bộ, thống nhất trên nền tảng công nghệ số, 100% hồ sơ được xử lý trên môi trường mạng, vượt chỉ tiêu so với chỉ tiêu đến năm 2025. Toàn tỉnh đã triển khai xây dựng được 14 thôn thông minh thuộc các xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 03 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu với lĩnh vực nổi trội về chuyển đổi số.

Mục tiêu năm 2024, Thanh Hóa phấn đấu có thêm 01 huyện, 19 xã và 60 thôn/bản miền núi đạt chuẩn NTM; 02 huyện và 19 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 10 xã và 30 thôn/bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 120 sản phẩm OCOP được cấp có thẩm quyền công nhận.

Những điển hình tiên tiến

Phong trào thi đua "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới" được cấp ủy, chính quyền quan tâm chỉ đạo, nhân dân nhiệt tình hưởng ứng. Nhiều địa phương trong tỉnh đã có cách làm hay, sáng tạo, khơi thức sức dân, phát huy mạnh mẽ sức mạnh nội sinh trên chính mảnh đất quê hương mình. Hình ảnh những bác nông dân phấn khởi sau vụ mùa bội thu, những anh chị thanh niên với gương mặt hào sảng, thấm đẫm mồ hôi đang chơi bóng sau một ngày lao động, hay con đường làng thơm mùi lúa mới... càng làm cho bức tranh thôn quê bình yên, đáng sống.

Toàn cảnh “bức tranh” xây dựng NTM trên quê hương xứ Thanh- Ảnh 3.

Ông Lê Văn Bé - Chủ tịch UBND xã Thiệu Long, huyện Thiệu Hóa đưa phóng viên tham quan một số đường mới mở do nhân dân hiến đất.

Phong trào hiến đất mở đường diễn ra khắp nơi. Nhà nhà, người người nói về việc đóng góp được gì vào sự đổi thay của quê hương mình. Điển hình, tại huyện Thiệu Hóa, qua 5 năm thực hiện cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh", kết quả nhân dân hiến trên 60.000 m2 đất, đóng góp hàng trăm tỷ đồng, trên 39.240 ngày công; làm gần 362 km đường giao thông, 198 km tường rào mẫu, hàng chục km đường điện mẫu... Tiêu biểu nhất là thôn Minh Đức, xã Thiệu Long có 410 hộ dân, với 1.350 nhân khẩu. Không chỉ đồng thuận đóng góp 8 triệu đồng/hộ để đổ bê tông và thảm nhựa toàn bộ đường giao thông ở 6 khu dân cư, với chiều dài hơn 1km, các hộ dân trong thôn còn tự nguyện hiến 2.300m2 cho việc mở rộng mặt đường từ 2,5m lên gần 6m...

Phải nói, yếu tố quyết định sự thành công trong xây dựng NTM là nỗ lực của cấp ủy Đảng, chính quyền và sự đồng thuận của nhân dân. Không có 2 yếu tố đó mọi sự sẽ bất thành... Người đứng đầu phải làm tốt công tác định hướng, dẫn dắt, phải biết lắng nghe và cầu thị để thực hiện đúng, trúng nhiệm vụ đề ra; phải luôn đặt trong tâm thế làm thực chất, thụ hưởng thực chất, hiệu quả bền vững, làm sao để đưa mức sống của người dân quê tiệm cận với mức sống ở đô thị, tuyệt đối không chạy theo bệnh thành tích. Các thôn, cộng đồng dân cư phải là hạt nhân trong xây dựng NTM.

Toàn cảnh “bức tranh” xây dựng NTM trên quê hương xứ Thanh- Ảnh 4.

Đoàn công tác báo chí tham quan thôn 6 - thôn NTM kiểu mẫu tại xã Thọ Vực, huyện Triệu Sơn.

Tại huyện Triệu Sơn, công tác xây dựng NTM nâng cao đã đạt được những bước tiến vững chắc. Mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2024 sẽ có thêm 7 xã đạt NTM nâng cao, 2 thị trấn đạt đô thị văn minh, hoàn thành mô hình xã thôn thông minh tại xã Vân Sơn, hoàn thành 9/9 tiêu chí huyện NTM nâng cao, có thêm 10 sản phẩm OCOP 3 sao. 

Đến nay, hơn 962,5 ha đất sản xuất nông nghiệp quy mô lớn được tích tụ với nhiều mô hình khá như: mô hình trồng cây ăn quả tại xã Hợp Lý, Thọ Thế, Thọ Vũ... giá trị kinh tế đạt 250-300 triệu đồng/1ha; mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang trồng đào cảnh tại xã Hợp Lý, Thọ Tân, Vân Sơn giá trị bình quân đạt từ 800-1 tỷ đồng/1ha...

Đặc biệt, tại huyện miền núi Ngọc Lặc, sau 4 năm, cây vải không hạt - Vải Ngọc, do Công ty TNHH nông nghiệp công nghệ cao Hồ Gươm - Sông Âm phối hợp với Viện Di truyền nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) chọn tạo, trồng thử nghiệm với diện tích khoảng 30 ha tại xã Nguyệt Ấn, theo quy trình GlobalGAP đã cho trái ngọt đầu mùa và xuất khẩu hơn 1 tấn sang thị trường Nhật Bản, Vương Quốc Anh, đánh dấu cột mốc mới trong phát triển nông nghiệp của tỉnh.

Toàn cảnh “bức tranh” xây dựng NTM trên quê hương xứ Thanh- Ảnh 5.

Lô vải không hạt đầu tiên xuất khẩu được trồng tại miền núi Ngọc Lặc, Thanh Hóa.

Đây là cơ sở cho việc xác nhận giống đầu dòng để nhân ra diện rộng trong toàn công ty và cung cấp giống cho toàn vùng tạo ra vùng nguyên liệu để xây dựng cơ sở Nhà máy chế biến và đóng gói xuất khẩu. Được biết, công ty đã ươm hơn 20.000 cây vải không hạt để ghép giống vải quý dự kiến sẽ tiếp tục nhân rộng trong những năm tới, cung cấp cho người tiêu dùng sản phẩm nông sản chất lượng cao và xuất khẩu đi các nước trên thế giới.

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao, đổi mới khoa học công nghệ được coi là một trong những giải pháp then chốt, trọng tâm. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng khoa học kỹ thuật gắn với phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao là một trong những hướng đi đang được nhiều nông dân huyện Quảng Xương thực hiện có hiệu quả.

Toàn cảnh “bức tranh” xây dựng NTM trên quê hương xứ Thanh- Ảnh 6.

Vải không hạt của CNC Hồ Gươm Sông Âm được bảo hộ cây trồng.

Phát huy những giá trị sẵn có từ cây rau má, anh Trần Văn Tân, Tổng Giám đốc Công ty CP Xây dựng và Thương mại Phong Cách Mới đã dày công nghiên cứu, áp dụng công nghệ từ Nhật Bản trong sản xuất và chế biến trên 1 tấn rau má tươi/ngày, nâng tầm thành những sản phẩm có giá trị cao quảng bá với bạn bè trong nước và quốc tế. Để đảm bảo cung ứng nguồn nguyên liệu cho sản xuất, công ty đã liên kết với hàng chục địa phương trong tỉnh với tổng diện tích hàng 100 ha để trồng rau má hữu cơ...

Hiện các sản phẩm chế biến từ cây rau má như: bột rau má mịn, nước uống rau má đóng chai, thạch, trà túi lọc, viên nén, rau má tươi cung cấp cho các nhà hàng, khách sạn, Bánh Trung Thu rau má… được đánh giá OCOP 4 sao và có nhiều đối tác nước ngoài đặt hàng. Trong đó, một đối tác ở Ấn Độ đã đặt mua rau má tươi 3.000-3.500 tấn/năm để chiết xuất tinh dầu rau má.

Toàn cảnh “bức tranh” xây dựng NTM trên quê hương xứ Thanh- Ảnh 7.

Anh Trần Văn Tân, Tổng Giám đốc Công ty CP Xây dựng và Thương mại Phong Cách Mới trao đổi về sản phẩm cây rau má với đồng chí Cao Văn Cường - Giám đốc Sở NN&PTNT Thanh Hóa tại gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP.

Đây không chỉ là sản phẩm hỗ trợ, chăm sóc sức khỏe, mang lại hiệu quả kinh tế mà còn góp phần quảng bá hình ảnh Thanh Hóa với bạn bè quốc tế, từng bước khẳng định thương hiệu "Cây rau má - Sâm của người Xứ Thanh", khẳng định đầu tư theo hướng nông nghiệp CNC là hướng đi đúng đắn, phù hợp với xu thế tất yếu của thời đại.

Phần lớn các doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã làm tốt vai trò "cầu nối" trong chuyển giao khoa học - kỹ thuật, hỗ trợ người dân chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản kết hợp lúa - cá, phát triển trang trại chăn nuôi tập trung... Từ đó, giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu hàng hóa cho nông sản.

Dự án Khu chăn nuôi lợn giống và thương phẩm ứng dụng công nghệ cao Dabaco Việt Nam tại xã Thạch Tượng, huyện Thạch Thành của Công ty cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam. Sau 3 năm triển khai thực hiện, đến quý II năm 2023 dự án đã đi vào hoạt động với quy mô chăn nuôi 5.600 lợn nái và 157.000 lợn thịt/năm. Dự kiến, đàn lợn giống của công ty sẽ cung cấp khoảng 15.000 con lợn bố mẹ và 140.000 lợn thịt/năm, góp phần đáp ứng đủ nguồn lợn giống chất lượng và an toàn, giải quyết thực trạng khan hiếm nguồn cung lợn giống chất lượng cao, cho năng suất tối ưu trong chăn nuôi, cung cấp thịt lợn sạch cho thị trường trong nước và định hướng xuất khẩu; đóng góp vào chỉ tiêu tăng trưởng của ngành nông nghiệp Thanh Hóa.

Toàn cảnh “bức tranh” xây dựng NTM trên quê hương xứ Thanh- Ảnh 8.

Khu chăn nuôi lợn giống và thương phẩm ứng dụng công nghệ cao Dabaco Thanh Hoá.

Tuy vẫn còn đó nhiều khó khăn, hạn chế, kết quả xây dựng NTM giữa miền núi và đồng bằng còn chênh lệch khá lớn (vùng đồng bằng đạt trên 98%, miền núi đạt 41,1%). Các sản phẩm OCOP được công nhận vượt kế hoạch, song chủ yếu là sản phẩm 3 sao, sản phẩm đạt 4 sao còn ít.

Nhưng trên tinh thần coi trọng sự đoàn kết, thống nhất không chỉ trong từng cơ quan, đơn vị, mà cả trong tổng thể nền kinh tế, trong mọi tầng lớp nhân dân, từ đó tạo sức mạnh tồng hợp để vượt qua mọi khó khăn, thách thức, hoàn thành các nhiệm vụ… Với các động lực như vậy, có thể tin tưởng, năm 2024, kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa nói chung và công tác xây dựng NTM nói riêng sẽ đạt và vượt mục tiêu đề ra.

Yến Hoàng
Ý kiến của bạn