Toàn cầu tê liệt suy thoái, Việt Nam thành công và vượt lên

Sự kiện
04:00 PM 29/06/2020

Do ảnh hưởng của Covid-19, tăng trưởng GDP Việt Nam 6 tháng của 2020 thấp nhất kể từ 2011. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn là nước hiếm hoi trên toàn cầu có tăng trưởng sau khi khống chế thành công dịch bệnh.

Số liệu do Tổng cục Thống kê công bố ngày 29/6 cho thấy: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm 2020 ước tính tăng 1,81% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất của 6 tháng các năm trong giai đoạn 2011-2020.

Tăng trưởng GDP thoát trạng thái âm, song tốc độ tăng rất thấp. 

Mức tăng này thấp hơn rất nhiều so với tốc độ tăng GDP cùng kỳ từ 2011 đến nay. Tốc độ tăng GDP 6 tháng đầu năm so với cùng kỳ các năm 2011-2020 lần lượt là: 5,92%; 4,93%; 4,90%; 5,22%; 6,32%; 5,65%; 5,83%; 7,05%; 6,77%; 1,81%.

Theo Tổng cục Thống kê, kinh tế - xã hội nước ta 6 tháng đầu năm diễn ra trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (Covid-19) bùng phát mạnh trên phạm vi toàn cầu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt kinh tế - xã hội của các quốc gia trên thế giới.

Những nền kinh tế lớn như Mỹ, Nhật Bản, Cộng đồng chung châu Âu đang đối mặt với tình trạng suy thoái kinh tế sâu, tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ qua; thương mại toàn cầu tiếp tục suy giảm, chuỗi cung ứng bị gián đoạn, giá dầu thô giảm mạnh do nhu cầu sử dụng hạn chế; thất nghiệp tăng cao.

Theo các tổ chức quốc tế và thể chế tài chính, tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ rơi vào suy thoái trong năm 2020.

Với Việt Nam, tác động của dịch bệnh đến nền kinh tế thể hiện rõ rệt trong quý II/2020 khi tăng GDP quý II/2020 ước tính chỉ tăng 0,36%. Đây là mức rất thấp nếu so với cùng kỳ từ 2011 trở lại đây, thậm chí trước năm 2010. Tốc độ tăng GDP quý II các năm 2011-2020 lần lượt là: 5,93%; 5,08%; 5,0%; 5,34%; 6,47%; 5,78%; 6,36%; 6,73%; 6,73%; 0,36%

Cùng với đó, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung vẫn tiếp diễn, căng thẳng chính trị gia tăng giữa Mỹ - Iran, bất đồng nội bộ trong tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và trên bán đảo Triều Tiên đã tác động tiêu cực đến kinh tế Việt Nam. 

Trong nước, Tổng cục Thống kê cho rằng: Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực tới mọi lĩnh vực. Toàn bộ hệ thống chính trị, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã đặt ưu tiên hàng đầu việc phòng chống và dập dịch, hy sinh lợi ích kinh tế để bảo đảm tính mạng và sức khỏe của người dân.

"Đây chính là nền tảng vững chắc để nền kinh tế nước ta tiếp tục duy trì tăng trưởng, không rơi vào tình trạng tăng trưởng âm", Tổng cục Thống kê nhấn mạnh.

Kết quả trên được cơ quan này đánh giá là "thắng lợi của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và người dân" trong cuộc chiến đẩy lùi dịch bệnh, đồng thời vẫn duy trì các hoạt động sản xuất kinh doanh và từng bước đưa nền kinh tế trở lại trạng thái bình thường như trước khi xảy ra dịch bệnh.

Trong mức tăng trưởng 1,81% trong 6 tháng đầu năm của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,19%, đóng góp 11,89% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 2,98%, đóng góp 73,14%; khu vực dịch vụ tăng 0,57%, đóng góp 14,97%.

Động lực chính cho tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm là công nghiệp chế biến, chế tạo (tăng 4,96%) và các ngành dịch vụ thị trường (bán buôn và bán lẻ tăng 4,3%; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 6,78%).

L.Bằng
Ý kiến của bạn
Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới

Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.