Tốc độ tăng trưởng GRDP của Thanh Hóa thuộc top đầu cả nước
Trong bối cảnh thời cơ, thuận lợi, khó khăn, thách thức đan xen, tỉnh Thanh Hóa đã đạt nhiều kết quả rất quan trọng và khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Trong đó, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nằm trong nhóm cao nhất cả nước.

Một góc tỉnh Thanh Hoá.
Giai đoạn 2021-2025, tốc độ tăng trưởng tổng sảan phẩm trên địa bàn (GRDP) của Thanh Hóa ghi nhận nhiều điểm bứt phá, ước đạt 10,24%/năm đứng thứ 4 cả nước và xếp thứ 3 trong nhóm 10 tỉnh, thành phố có quy mô kinh tế lớn nhất. Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân hàng năm đạt 10,4%. Riêng năm 2025, năng suất lao động bình quân ước đạt 170,1 triệu đồng/người, tăng 81,5 triệu đồng so với năm 2020.
Theo đó, quy mô tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn năm 2025, ước đạt 357.760 tỷ đồng, gấp 1,9 lần năm 2020, đưa Thanh Hóa vươn lên vị trí thứ 8 cả nước và dẫn đầu vùng Bắc Trung Bộ.
Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt kết quả tích cực, chiếm 12%, giảm 5,3% điểm so với năm 2020; ngành công nghiệp - xây dựng chiếm 51%, tăng 9,2 điểm phần trăm; ngành dịch vụ chiếm 30%, giảm 3,9 điểm phần trăm; còn lại 7% là thuế sản phẩm.
Giai đoạn 2021–2025, Thanh Hóa có trên 17.600 doanh nghiệp thành lập mới. Đến cuối năm 2025, toàn tỉnh dự kiến sẽ có khoảng 22.000 doanh nghiệp đang hoạt động, đạt tỷ lệ 5,8 doanh nghiệp/1.000 dân – tăng 1,05 doanh nghiệp so với năm 2020. Kinh tế tư nhân phát triển năng động, đa dạng ngành nghề và lĩnh vực. Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tiếp tục gia tăng về quy mô và tỷ trọng trong GRDP.
Hiện trên địa bàn tỉnh có 175 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký khoảng 15,26 tỷ USD, đưa Thanh Hóa đứng thứ 9 cả nước về thu hút vốn FDI. Đây là kết quả từ chính sách cải thiện môi trường đầu tư, tăng cường xúc tiến hiệu quả và phát huy vai trò các khu kinh tế, khu công nghiệp trọng điểm như Khu kinh tế Nghi Sơn.
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2021–2025 trên địa bàn tỉnh ước đạt 700.100 tỷ đồng, tăng 14% so với giai đoạn 2016–2020. Cơ cấu vốn đầu tư có sự chuyển dịch tích cực, giảm tỷ trọng vốn nhà nước từ 25,7% năm 2020 xuống còn 22,1% năm 2025, trong khi vốn ngoài nhà nước tăng từ 74,3% lên 77,9%.
Cùng với sự phát triển của kinh tế, cơ cấu lao động Thanh Hóa cũng chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa. Năm 2025, tỷ lệ lao động trong ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản ước còn 29,9%, giảm 10 điểm phần trăm so với năm 2020. Lao động trong ngành công nghiệp – xây dựng tăng lên 43,1% (tăng 8,3 điểm phần trăm); dịch vụ chiếm 27%, tăng 1,7 điểm phần trăm.
Chất lượng lao động được nâng lên đáng kể. Đến năm 2025, tỷ lệ lao động qua đào tạo ước đạt 75%, tăng 5 điểm phần trăm so với năm 2020. Trong đó, tỷ lệ lao động có văn bằng, chứng chỉ đạt 30%, tăng 4,9 điểm phần trăm.
Để tốc độ tăng trưởng tiếp tục được duy trì ổn định. Từ năm 2020 đến nay, tỉnh đã phối hợp triển khai các kế hoạch hợp tác phát triển với TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh… nhằm đẩy mạnh kết nối hạ tầng, mở rộng thị trường tiêu thụ, thúc đẩy thương mại – dịch vụ liên vùng. Qua đó góp phần gia tăng khả năng thu hút đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Năm 2025 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, về đích giữ vai trò then chốt, quyết định đối với việc hoàn thành các mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã đề ra. Mặc dù kết quả đạt được rất phấn khởi, song so với yêu cầu nhiệm vụ của năm 2025 và cả nhiệm kỳ 2020-2025 còn rất nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi Thanh Hóa phải kiên quyết không lùi bước, giữ vững bản lĩnh, kiên định mục tiêu đề ra với quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn. Tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường, coi khó khăn, thách thức là trải nghiệm, là động lực phấn đấu vươn lên.
Yến Hoàng

Giá xăng trong nước hôm nay (17/7) đã quay đầu giảm chỉ sau một phiên tăng, trong đó giá xăng RON 95 rời mốc 20.000 đồng/lít.