“Tôi muốn ăn”: Dòng chữ hé lộ "chiến trường chính" của Trung Quốc trong cuộc cạnh tranh toàn cầu
Ở "mặt trận" này, Trung Quốc không chỉ bắt kịp Mỹ mà hiện đang bắt đầu dẫn đầu ở một số lĩnh vực.
Trung Quốc phát triển mạnh chip AI
Dòng chữ “Tôi muốn ăn” bằng tiếng Trung Quốc hiện lên trên màn hình máy tính tại một bệnh viện công ở trung tâm Bắc Kinh. Những từ này được tạo ra từ suy nghĩ của một phụ nữ 67 tuổi mắc bệnh xơ cứng teo cơ một bên (ALS), còn gọi là bệnh Lou Gehrig, người không thể nói được.
Sự việc, được Đài Phát thanh và Truyền hình Bắc Kinh ghi hình vào tháng 3, là một phần của thử nghiệm lâm sàng với năm bệnh nhân được cấy ghép một con chip có kích thước bằng đồng xu có tên Beinao-1 — một giao diện não - máy tính không dây (BCI). Đây là công nghệ do các nhà khoa học Mỹ dẫn đầu, nhưng các chuyên gia nhận định Trung Quốc đang nhanh chóng bắt kịp.

Luo Minmin trong buổi phỏng vấn với CNN tại phòng thí nghiệm của Viện nghiên cứu não bộ Trung Quốc, tại Bắc Kinh, Trung Quốc vào ngày 28/5/2025. CNN
Luo Minmin, Giám đốc Viện Nghiên cứu Não bộ Trung Quốc (CIBR) và là nhà khoa học đứng đầu thử nghiệm, cho biết nhu cầu đối với công nghệ BCI là “rất lớn” và nhóm của ông đã “quá tải” vì số lượng bệnh nhân tiềm năng yêu cầu tham gia.
“Các bệnh nhân nói rằng cảm giác thật tuyệt vời, giống như họ có thể lấy lại hoặc kiểm soát được cơ bắp của mình,” ông chia sẻ với CNN trong một cuộc phỏng vấn hiếm hoi vào tháng 5, tại phòng thí nghiệm cách Bệnh viện Xuanwu ở Bắc Kinh – nơi diễn ra thử nghiệm – khoảng một giờ lái xe.
Luo cho biết công nghệ này đang cho thấy “độ chính xác cao” trong việc giải mã tín hiệu từ não người bệnh, chuyển đổi tín hiệu đó thành văn bản, lời nói hoặc chuyển động của máy móc. Nhóm của ông đang có kế hoạch mở rộng thử nghiệm lên 50 đến 100 bệnh nhân khác trong năm tới.
“Chúng tôi hy vọng có thể đẩy nhanh tiến trình hơn nữa,” ông nói. “Nếu được chứng minh là an toàn và hiệu quả… nó có thể được ứng dụng lâm sàng trên toàn cầu.”
Tính đến tháng 5, đã có năm bệnh nhân được cấy ghép Beinao-1 — tương đương với số bệnh nhân của thiết bị Neuralink do Elon Musk phát triển. Một công ty Mỹ khác là Synchron, được hậu thuẫn bởi Jeff Bezos và Bill Gates, đã tiến hành thử nghiệm trên 10 bệnh nhân, gồm sáu người ở Mỹ và bốn người ở Úc.
Maximilian Riesenhuber, giáo sư khoa học thần kinh tại Đại học Georgetown – người không tham gia các thử nghiệm của Beinao – nói với CNN rằng dù Trung Quốc bắt đầu muộn hơn, nhưng đang đạt được tiến bộ rõ rệt.
“Trung Quốc chắc chắn đã thể hiện năng lực không chỉ bắt kịp mà còn cạnh tranh, và hiện đang bắt đầu dẫn đầu ở một số lĩnh vực,” ông nói. “Điều thú vị là cả hai quốc gia đều đang rất tích cực nghiên cứu, vì họ đã nhận ra tiềm năng của công nghệ BCI.”
Theo công ty nghiên cứu thị trường Precedence Research, thị trường công nghệ não bộ trị giá khoảng 2,6 tỷ USD vào năm ngoái, dự kiến sẽ tăng lên 12,4 tỷ USD vào năm 2034. Tuy nhiên, với cả Trung Quốc và Hoa Kỳ, giá trị của công nghệ này không chỉ nằm ở tiềm năng thương mại.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từ lâu đã đặt mục tiêu đưa đất nước trở thành cường quốc về khoa học và kinh tế. Vào tháng 3, ông phát biểu rằng công nghệ đã trở thành “tiền tuyến” và “chiến trường chính” trong cạnh tranh toàn cầu. Tham vọng này đã khiến Mỹ lo ngại, dẫn đến cuộc chiến công nghệ đang diễn ra, đặc biệt trong lĩnh vực bán dẫn.
Một hướng tiếp cận khác
Viện CIBR được thành lập năm 2018 bởi chính quyền thành phố Bắc Kinh cùng một số trường đại học địa phương, khoảng hai năm sau khi tỷ phú Mỹ Elon Musk thành lập Neuralink gần San Francisco.
Năm 2023, CIBR đã ươm mầm một công ty tư nhân tên là NeuCyber NeuroTech, chuyên phát triển các sản phẩm công nghệ não bộ như Beinao-1. Luo, cũng là nhà khoa học trưởng của NeuCyber, đã cho CNN một cái nhìn hiếm hoi bên trong viện vào tháng 5.

Con chip của Beinao-1 có kích thước bằng một đồng xu. CNN
Ông cho biết người phụ nữ mắc ALS – nay đã ngoài 60 tuổi – nhiều năm qua không thể diễn đạt được ý nghĩ của mình.
“Cô ấy tỉnh táo, biết mình muốn gì, nhưng không thể nói ra,” Luo, người từng lấy bằng Tiến sĩ khoa học thần kinh tại Đại học Pennsylvania và sống gần một thập kỷ ở Mỹ, cho biết. “Sau khi cấy ghép, cô ấy giờ đây có thể nói được những câu đơn giản một cách khá chính xác thông qua hệ thống.”
Tất cả các nhóm nghiên cứu BCI đều phải cân bằng giữa rủi ro và hiệu quả.
Riesenhuber cho biết hầu hết các công ty Mỹ chọn cách tiếp cận xâm lấn, tức là đặt chip dưới lớp màng cứng – lớp mô ngoài bảo vệ não và tủy sống – để thu tín hiệu tốt hơn. Tuy nhiên, cách này đòi hỏi phẫu thuật với rủi ro cao hơn.
“Điều đáng chú ý là NeuCyber dường như có thể thu thập đủ dữ liệu chỉ qua màng cứng để giải mã từ cụ thể,” ông nói.
Thử nghiệm trên bệnh nhân ALS, bắt đầu từ tháng 3, là thử nghiệm trên người thứ ba với chip Beinao-1. Các thử nghiệm này được mô tả trong thông cáo báo chí là “lô cấy ghép BCI không dây bán xâm lấn đầu tiên trên thế giới vào não người.” Tính đến tháng 5, đã có thêm hai thử nghiệm được tiến hành, nâng tổng số lên năm.
Tham vọng rõ ràng
Trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng, việc so sánh tiến bộ công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc trở nên phổ biến. Giao diện não - máy tính lần đầu xuất hiện vào thập niên 1970 tại Mỹ.
Nhiều thập kỷ sau, vào năm 2013, chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama đã khởi động “Sáng kiến Não bộ”, đầu tư hơn 3 tỷ USD để hỗ trợ hơn một nghìn dự án nghiên cứu thần kinh, theo Viện Y tế Quốc gia Mỹ.

Mô hình não được trưng bày bên trong phòng thí nghiệm CIBR tại Bắc Kinh, Trung Quốc. CNN
Synchron – có trụ sở tại New York – là công ty đầu tiên tiến hành thử nghiệm BCI trên người vào tháng 7/2021. Ba năm sau, hệ thống BCI mới được phát triển tại UC Davis Health có thể chuyển tín hiệu não của bệnh nhân ALS thành giọng nói với độ chính xác 97% — mức cao nhất cùng loại, theo thông báo từ trường đại học. Cùng năm đó, công ty của Musk cũng hoàn tất thử nghiệm người đầu tiên, cho phép người tham gia điều khiển chuột máy tính bằng cấy ghép não.
Trung Quốc bắt đầu nghiên cứu công nghệ não bộ từ thập niên 1990 nhưng đã có tiến bộ nhanh chóng. Năm 2014, các nhà khoa học Trung Quốc đề xuất một chương trình quốc gia về công nghệ não nhằm theo kịp Mỹ và châu Âu. Hai năm sau, công nghệ não đã được đưa vào kế hoạch 5 năm của quốc gia – văn kiện đặt ra các ưu tiên phát triển.
“Khoa học não bộ vẫn còn khá mới mẻ ở Trung Quốc,” Lily Lin, cựu trợ lý nghiên cứu tại một trong những đơn vị thần kinh hàng đầu Trung Quốc giai đoạn 2021–2023, cho biết. “Dù bắt đầu trễ, tốc độ phát triển lại nhanh hơn các nước khác. Trung Quốc đầu tư mạnh vào các cơ sở nghiên cứu khoa học, và ngân sách đang tăng dần theo từng năm.”
Năm ngoái, chính phủ Trung Quốc đã ban hành hướng dẫn đạo đức đầu tiên cho nghiên cứu trong lĩnh vực này. Ở cấp địa phương, các thành phố như Bắc Kinh, Thượng Hải cũng đang hỗ trợ mạnh mẽ cho các công ty công nghệ não từ nghiên cứu đến thử nghiệm và thương mại hóa.
Riesenhuber cùng các nhà nghiên cứu Đại học Georgetown đã công bố nghiên cứu về sự phát triển BCI tại Trung Quốc vào năm 2024, kết luận rằng nỗ lực của Trung Quốc đạt đến “mức độ tinh vi tương đương” với các nước phát triển như Mỹ và Anh.
Theo bản tóm tắt, “Nghiên cứu BCI không xâm lấn của Trung Quốc đã đạt đến trình độ ngang bằng các quốc gia khoa học tiên tiến khác và đang nỗ lực vượt qua các rào cản để đạt độ chính xác, năng suất và ứng dụng cao hơn.” Trong khi đó, “nghiên cứu BCI xâm lấn dù trước đây chậm hơn, nay cũng đang tăng tốc và tiệm cận các tiêu chuẩn toàn cầu về độ tinh vi.”
Luo – người từng làm việc ở cả Trung Quốc và Mỹ – cho biết Mỹ vẫn là “người dẫn đầu” về cả công nghệ não xâm lấn và không xâm lấn. Tuy nhiên, ông nói thêm rằng việc so sánh Beinao-1 và Neuralink cũng giống như “so sánh táo với cam.”
Hai hệ thống khác nhau không chỉ ở vị trí cấy ghép mà còn ở loại tín hiệu não được thu nhận và cách truyền dữ liệu. Chip Beinao của Trung Quốc ghi lại vùng não rộng hơn, nhưng độ chính xác với từng neuron thấp hơn.
“Tôi không nghĩ hai sản phẩm này có tính cạnh tranh hay loại trừ lẫn nhau,” Luo nói. “Kết quả vẫn chưa rõ ràng, và chúng ta chưa thể biết hệ thống nào cuối cùng sẽ mang lại lợi ích tốt hơn cho bệnh nhân.”
Theo CNN
An An
Từ cảng biển đến sân bay, Nghệ An đang từng bước chuyển mình đầy tích cực từ những hoạch định mang tầm chiến lược, hứa hẹn sẽ vươn mình, phát triển mạnh mẽ trong kỷ nguyên mới của đất nước…