Tối ưu hóa logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt
Ngành logistics đã và đang đóng góp tích cực vào quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam, đồng thời giúp doanh nghiệp Việt Nam mở rộng phạm vi hoạt động và nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.
Tại Hội nghị Logistics Việt Nam lần thứ 2 - năm 2024 với chủ đề “Chuyển đổi để bứt phá", Thứ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Đỗ Thành Trung cho biết, tốc độ phát triển hàng năm của ngành logistics Việt Nam bình quân đạt 14-15%, quy mô 40 - 42 tỷ USD/năm.
Doanh nghiệp logistics của Việt Nam tăng nhanh về số lượng, đến nay đã có khoảng trên 3.000 doanh nghiệp vận tải và logistics trong nước và khoảng 25 tập đoàn logistics hàng đầu thế giới đang hoạt động.
Logistics đã trở thành một trong những ngành tăng trưởng nhanh nhất tại Việt Nam với tốc độ bình quân khoảng 16%/năm, đóng góp khoảng 4,5% GDP, và logistics Việt Nam đã vươn lên thuộc nhóm 5 quốc gia đứng đầu khu vực ASEAN.
Ông cho biết, con đường phía trước với logistics Việt Nam tiếp tục được dự báo là một con đường thênh thang rộng mở.
Điều này góp phần giúp doanh nghiệp Việt Nam mở rộng phạm vi hoạt động và nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, ngành logistics trong nước vẫn đang tồn tại nhiều vấn đề cần được cải thiện. Thị trường bất động sản logistics còn phân tán, thiếu sự liên kết và quy hoạch đồng bộ. Chi phí logistics cao, trong khi quy mô doanh nghiệp còn nhỏ và phụ thuộc lớn vào vận tải đường bộ, khiến doanh nghiệp Việt bị thiệt thòi trước hàng ngoại nhập.
Sự thiếu hụt cơ sở hạ tầng, việc áp dụng công nghệ hiện đại và phát triển nguồn nhân lực logistics cũng là những hạn chế lớn cần cải thiện nếu muốn ngành logistics Việt Nam thực sự cạnh tranh với khu vực và thế giới.
Bên cạnh đó, tại Hội nghị, Tiến sĩ Yap Kwong Weng, CEO Việt Nam SuperPort™ cho rằng, chi phí của logistics tại Việt Nam đang chiếm khoảng 18% giá trị hàng hóa Việt nên cần phải kéo chi phí này xuống 5% thì hàng hóa Việt mới cạnh tranh được với các thị trường khác.
Từ thực tế trên, để tối ưu hóa hoạt động logistics, các diễn giả tại Hội nghị cho rằng, Việt Nam cần cải tiến hoạt động, đẩy mạnh chuyển đổi số, đầu tư ứng dụng các công nghệ mới để nâng cao hiệu quả hoạt động và khả năng cạnh tranh. Đây là những thách thức không nhỏ đối với các doanh nghiệp logistics Việt Nam vốn phần lớn là các doanh nghiệp vừa và nhỏ với kinh nghiệm, nguồn vốn, trình độ nguồn nhân lực còn hạn chế.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương nhận định, sự phát triển của các trung tâm logistics trong thời gian qua ở Việt Nam còn khá manh manh mún và tự phát. Chúng ta vẫn thiếu các trung tâm quy mô lớn, chuyên ngành, chuyên dụng, hoạt động hiện đại, có tác động đến thị trường và có sự liên kết giữa các địa phương, doanh nghiệp logistics với nhau như trung tâm logistics nông sản lớn, kho lạnh lớn… phục vụ việc lưu trữ, phân phối hàng hóa để đưa đến các hệ thống siêu thị, bán lẻ.
Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho rằng, khu thương mại tự do sẽ là một trong những giải pháp trong thời gian tới, góp phần thúc đẩy ngành logistics phát triển.
Thông qua việc có các trung tâm thương mại, hội chợ lớn, ngoài cho phép doanh nghiệp sản xuất được thiết lập cơ sở, đưa hàng hóa vào và chưa chịu sự kiểm soát của thuế quan, quản lý hành chính khác… thì khu thương mại tự do còn cho phép thiết lập cở sở, dịch vụ, trong đó có dịch vụ logistics như chia tách, đóng gói, thực hiện các dịch vụ giá trị gia tăng…
Minh AnTháng 11/2024, hàng loạt các chính sách mới quan trọng về lương viên chức, thông tư quy định mới về mức lãi suất từ ngày 20/11/2024, nới điều kiện xây trường,... có hiệu lực.