Tôm hùm, cua và bạch tuộc có thể cảm nhận nỗi đau, việc ăn chúng có thể sẽ cần sự "tôn trọng"
Tôm hùm, bạch tuộc và cua đã được nước Anh thêm vào danh sách sinh vật có tri giác và việc kinh doanh, chế biến chúng cũng cần phải thay đổi, dù chưa ngay lập tức.
Chính phủ Anh đang cải cách luật phúc lợi động vật sau Brexit, bao gồm cả một dự luật sẽ chính thức công nhận khả năng cảm nhận của một số động vật. Trong đó, Anh bổ sung động vật chân đầu (mực và bạch tuộc) và giáp xác mười chân (tôm hùm, cua) vào danh sách các loài có các cảm giác như đau đớn. Quyết định này có thể tạo cơ sở cho những thay đổi trong cách đối xử và giết mổ các loài trong nước.
Một ủy ban sẽ được thành lập nhằm mục đích đảm bảo Anh sẽ xem xét tôn trọng động vật khi thiết kế chính sách công. Trước đó, dự luật ban đầu coi tất cả động vật có xương sống là có tri giác, nhưng lại loại bỏ các sinh vật khác như tôm hùm, bạch tuộc và cua. Việc mở rộng danh sách được đưa ra sau khi một báo cáo của các chuyên gia tại Học viện Kinh tế và chính trị London (LSE), thực hiện dưới sự ủy thác của chính phủ Anh, cho thấy những loài động vật này có khả năng cảm thấy đau đớn hoặc đau khổ.
Các nhà khoa học đã đánh giá và cân nhắc hơn 300 nghiên cứu đánh giá các chỉ số thần kinh hoặc hành vi ở các loài động vật không xương sống này, Jonathan Birch, giáo sư tại Trường Kinh tế và chính trị London và là điều tra viên chính của dự án Foundations of Animal Sentience, cho biết. Các nghiên cứu đã kiểm tra về việc các loài động vật liệu có biết đau, có khả năng học hỏi hay không và cách chúng phản ứng với thuốc giảm đau.
"Trong tất cả các trường hợp, cán cân bằng chứng dường như nghiêng về phía thuyết phục. Bạch tuộc có tri giác rất mạnh, còn ở loài tôm, điều này không đáng kể nhưng cũng có", Birch nói. Ông cho biết các nhà khoa học cũng nghiên cứu một loạt cảm xúc của động vật, bao gồm niềm vui, sự thích thú và thoải mái. Tuy nhiên, nỗi đau và sự thống khổ mới là yếu tố đặc biệt liên quan đến luật phúc lợi động vật.
Theo thông cáo của chính phủ, những thay đổi của dự luật sẽ không có tác động tức thì với các nhà hàng hoặc doanh nghiệp đánh bắt cá thương mại. Tuy vậy, điều này có thể giúp hình thành chính sách phúc lợi động vật của Anh trong tương lai và các Bộ trưởng sẽ phải đánh giá tác động của việc đánh bắt đối với các động vật và quan tâm đến cảm giác của chúng.
Birch nói: "Khi bạn tôn trọng một thứ với tư cách là một sinh vật sống, thì bạn phải áp dụng loại nguyên tắc mà bạn chấp nhận đối với những sinh vật sống khác. Việc giết mổ nhân đạo cần được thực thi. Đây là nguyên tắc đạo đức mà mọi người đều có thể dễ dàng ban cho bất kỳ loài động vật có xương sống nào".
Báo cáo đã xem xét các quyền lợi của động vật thương mại và khuyến nghị chống lại các hoạt động như luộc tôm hùm sống mà không làm choáng, lột vỏ cua hoặc bán các loài giáp xác mười chân cho những người chế biến chưa qua đào tạo. Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn chưa thể xác định cách chế biến bạch tuộc và các loài động vật chân đầu khác nhân đạo và khả thi về mặt thương mại hơn.
Báo cáo cho biết, cách các tàu đánh cá thường giết những sinh vật này ở vùng biển châu Âu như đánh, cắt đầu hoặc khiến chúng ngạt thở trong một túi lưới treo lơ lửng, là không được chấp nhận. "Thực sự còn thiếu nghiên cứu trong lĩnh vực này", Birch nói. "Các phương pháp được coi là tiêu chuẩn để giết nhân đạo trong khoa học không thể được thực hiện ở quy mô thương mại để tạo ra sản phẩm ăn được".
Được biết, dự luật phúc lợi động vật đang được chuyển qua Thượng viện trước khi chuyển đến Hạ viện, nơi dự kiến sẽ được thông qua.
Linh ChiTối 15/11, tại Cung Văn hóa Lao động hữu nghị Việt Xô, Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức Chương trình "Hồ Chí Minh - Hành trình khát vọng 2024" - Tôn vinh các điển hình tiêu biểu toàn quốc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.