Tồn kho bất động sản tiếp tục tăng
Lượng tồn kho bất động sản được đánh giá tiếp tục tăng hơn so với cùng kỳ năm trước, với lượng tồn kho gần 17.000 căn trong quý II/2023.
Theo số liệu báo cáo chưa đầy đủ của các địa phương, lượng tồn kho bất động sản trong quý II năm 2023 vào khoảng 16.688 căn (bao gồm chung cư, nhà ở riêng lẻ, đất nền), trong đó: chung cư tồn 1.714 căn; nhà ở riêng lẻ tồn 7.4773 căn; đất nền tồn 7.501 nền.
Số liệu trên cho thấy, tỷ trọng tồn kho chủ yếu ở phân khúc bất động sản nhà ở riêng lẻ, đất nền của các dự án và căn hộ nghỉ dưỡng của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nhà ở và nghỉ dưỡng. Giá trị tồn kho bất động sản hiện nay lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng.
Theo Bộ Xây dựng, mặc dù cũng có những tín hiệu tích cực về cơ chế chính sách, lãi suất ngân hàng đang trong xu hướng giảm, nhưng vẫn còn nhiều dự án bất động sản đang phải tạm dừng do vướng mắc liên quan đến quy định pháp lý, quy hoạch, giải phóng mặt bằng và biến động nguyên vật liệu… Ngoài ra, các dự án còn gặp khó về hạn chế vốn tín dụng ngân hàng, trái phiếu doanh nghiệp.
Theo các chuyên gia, hệ thống pháp luật liên quan đến đất đai, đầu tư, xây dựng, kinh doanh bất động sản… vẫn còn bất cập cần sửa đổi như: chưa thống nhất về hình thức lựa chọn (đấu giá, đấu thầu, chỉ định) chủ đầu tư dự án có sử dụng đất.
Thêm vào đó, thị trường bất động sản rất thiếu vốn trung và dài hạn ổn định. Kênh huy động vốn qua trái phiếu doanh nghiệp đang gặp khó khăn. Dòng vốn ứng trước của khách hàng và vốn chủ đầu tư chỉ chiếm khoảng 15-30% tổng mức đầu tư của dự án.
Để thúc đẩy thị trường bất động sản vượt qua khó khăn giai đoạn hiện nay, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) đề xuất, cần có mức lãi suất cho vay nhà ở thương mại phù hợp với thu nhập (kiến nghị dưới 7%/năm); nhà ở xã hội (kiến nghị với doanh nghiệp dưới 6%/năm, với người mua nhà dưới 4,5%/năm); bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng (kiến nghị dưới 9%/năm); bất động sản nhà ở cao cấp (kiến nghị từ 9 - 10%/năm).
Bên cạnh đó, cần khơi thông dòng vốn trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp và hướng dẫn doanh nghiệp chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nhiệp đúng quy định pháp luật; giãn nợ cho doanh nghiệp những khoản nợ đến kỳ hạn trả nợ; điều chỉnh kịp thời định mức, đơn giá xây dựng do biến động giá nguyên vật liệu; rút gọn quy trình thủ tục đầu tư, nhất là với dự án nhà ở xã hội, cải tạo chung cư cũ...
Về giải pháp dài hạn, cần sớm ban hành sửa đổi Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản đồng bộ, tránh chồng chéo; các cơ chế chính sách đủ hấp dẫn với chủ đầu tư và nhà đầu tư, khách hàng mua bất động sản. Doanh nghiệp bất động sản cũng cần cơ cấu lại sản phẩm, ưu tiên vào phân khúc phù hợp nhu cầu đại đa số người dân; quản trị lại doanh nghiệp, xác định lại giá thành để hạ giá bán hợp lý trên thị trường; đàm phán với nhà đầu tư về các phương án giãn hoãn nợ, hàng đổi hàng…
Từ 11/11/2024, người dân có thể sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập trên ứng dụng iHanoi. Việc tích hợp VNeID lên iHanoi có thể coi là 1 bước tiến lớn khi mang lại nhiều lợi ích hơn tới người dân Thủ đô.