Tôn vinh 79 tác giả, nhóm tác giả trong Sách vàng Sáng tạo Việt Nam năm 2023
Ngày 6/12, tại Hà Nội, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Lễ công bố Sách vàng Sáng tạo Việt Nam năm 2023.
Lễ công bố Sách vàng Sáng tạo Việt Nam năm 2023 nhằm tôn vinh, biểu dương các tập thể, cá nhân có công trình, giải pháp sáng tạo đóng góp thiết thực, hiệu quả trong hoạt động khoa học và công nghệ; hưởng ứng phong trào "Đoàn kết sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, hội nhập quốc tế".
Sách vàng Sáng tạo Việt Nam do Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam và các bộ, ngành, một số tổ chức thành viên Mặt trận tổ chức tuyển chọn, công bố từ năm 2016.
Việc lựa chọn những công trình tiêu biểu vinh danh trong Sách vàng Sáng tạo Việt Nam nhằm mục đích tôn vinh, cổ vũ các tổ chức và cá nhân có nhiều đóng góp thiết thực, hiệu quả trong hoạt động khoa học, công nghệ; công bố rộng rãi các công trình, giải pháp sáng tạo khoa học, công nghệ để mọi người dân, mọi cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp biết và thi đua hưởng ứng các hoạt động sáng tạo, đưa ra sáng kiến, tham gia nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ ở mọi lĩnh vực, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và hội nhập quốc tế thắng lợi; khẳng định năng lực sáng tạo mạnh mẽ của người Việt Nam ở trong nước và ở nước ngoài trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Sách vàng Sáng tạo Việt Nam năm 2023 tập trung tuyển chọn và công bố các công trình, giải pháp sáng tạo khoa học và công nghệ trên lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học ứng dụng và khoa học xã hội và nhân văn đã có đóng góp quan trọng cho nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Có 79 tác giả, nhóm tác giả có công trình được vinh danh trong Sách vàng Sáng tạo Việt Nam năm 2023.
Theo Ban tổ chức, năm nay, các công trình, được chia thành các nhóm chủ đề. Số lượng công trình, giải pháp sáng tạo khoa học công nghệ: Tính đến ngày 30/7/2023, Ban Thư ký Biên tập đã tiếp nhận được 199 hồ sơ công trình, giải pháp sáng tạo khoa học - công nghệ do 43 bộ, ngành, tỉnh, thành phố, trong đó có 10 bộ, ban, ngành, tổ chức thành viên của Mặt trận và 33 tỉnh, thành phố giới thiệu và đề nghị.
Từ các công trình, giải pháp gửi về, ngày 8/9/2023, Hội đồng tuyển chọn đã họp, thảo luận kỹ lưỡng và bỏ phiếu kín 162 công trình để tuyển chọn 79 công trình, giải pháp sáng tạo khoa học, công nghệ tiêu biểu. Các công trình này được chia theo các lĩnh vực như sau: công nghệ tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng mới và chế biến, sản xuất trong nông nghiệp: 14 công trình; công nghệ thông tin, điện tử viễn thông: 13 công trình; sinh học phục vụ sản xuất, đời sống: 12 công trình; cơ khí tự động hóa: 11 công trình; y tế: 10 công trình; công nghệ nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên: 9 công trình; công nghệ vật liệu: 7 công trình; giáo dục - đào tạo: 2 công trình; công trình lĩnh vực xã hội nhân văn 1 công trình.
Trên cơ sở kết quả tuyển chọn của Hội đồng, Ban Chỉ đạo tuyển chọn, biên tập, công bố và phát hành Sách vàng Sáng tạo Việt Nam năm 2023 gồm 79 công trình; ghi danh 5 công trình, tập thể, 27 cá nhân đoạt các giải thưởng quốc tế.
Một số công trình tiêu biểu vinh danh trong Sáng vàng Sáng tạo Việt Nam năm 2023 như: Nghiên cứu, thiết kế, lắp đặt hoàn thiện 5 mô hình xử lý, cấp nước sạch và nước uống trực tiếp (nước uống học đường) tại 5 nhà trường thuộc địa bàn khan hiếm nước sạch của tỉnh Hà Giang của tác giả Cao Hồng Kỳ; Mô hình nuôi tảo xoắn (Spirulina) hộ gia đình và đa dạng hóa sản phẩm của ThS. Huỳnh Thị Phương Thảo, Văn Hữu Tài; Hệ thống quản lý người bệnh, người nuôi bệnh bằng Face ID tăng hiệu quả phòng chống COVID-19 của tác giả Đoàn Thanh Vũ và cộng sự Trần Trung Nguyên;
Ứng dụng phát triển mô hình "Ngân hàng sữa mẹ" lan tỏa giúp nâng cao chất lượng, thể chất toàn diện cho thế hệ người Quảng Ninh từ khi sinh ra của ThS. Lê Thị Thùy Trang, Bùi Minh Cường, Nguyễn Thị Thu Hà và các cộng sự; Ứng dụng phương pháp nút mạch kết hợp phá hủy khối u bằng MWA (đốt nhiệt vi sóng) trong điều trị ung thư biểu mô tế bào gan tại Bệnh viện Bãi Cháy của tác giả Lê Tiến Hưng, Đoàn Thị Huệ và các cộng sự;
Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo và lắp đặt, đưa hệ thống điều khiển tự động đóng mở ghi đường sắt phòng nổ vào sử dụng trong hầm lò của ThS.Phạm Văn Minh và các cộng sự; Hoàn thiện công nghệ, thiết bị tái chế rác thải nhựa phục vụ nông nghiệp, công nghiệp và xây dựng của TS. Trương Ngọc Tuấn, Nguyễn Viết Thanh và các cộng sự.
Qua 7 lần tổ chức, việc công bố Sách Vàng sáng tạo Việt Nam 2023 không chỉ tiếp tục ghi nhận, tôn vinh, cổ vũ các tổ chức, cá nhân tiêu biểu, đóng góp hiệu quả trong hoạt động khoa học công nghệ; đồng thời cũng là dịp để tuyên truyền, phổ biến tri thức khoa học, kết nối và đưa sản phẩm sáng tạo khoa học vào thực tiễn cuộc sống, nhất là lan tỏa, khơi dậy niềm tự hào về trí tuệ Việt Nam, khát vọng lao động sáng tạo, cống hiến cho sự phát triển của đất nước của đội ngũ trí thức và các nhà khoa học.
141 công trình, giải pháp khoa học, công nghệ do 33 tỉnh, thành phố, gồm: Hà Giang, Phú Thọ, Lạng Sơn, Bắc Ninh, Bắc Giang, Bình Thuận, Quảng Ninh, Hà Tĩnh, Thừa Thiên - Huế, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Đắk Nông, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Bình Định, An Giang, Cần Thơ, Đồng Nai, Thái Nguyên, Kiên Giang, Bạc Liêu, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Thanh Hóa, Sóc Trăng, Cà Mau, Khánh Hòa, Bà Rịa Vũng Tàu, Tuyên Quang, Long An, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh, TP. Hà Nội.
Trong đó, có 162/199 công trình, giải pháp sáng tạo khoa học - công nghệ đảm bảo theo Quy định tiêu chí, hồ sơ đề nghị tuyển chọn Sách vàng Sáng tạo Việt Nam năm 2023 ban hành kèm theo Quyết định số 1954/QĐ-BCĐSVSTVN, ngày 8/6/2023 của Ban Chỉ đạo biên tập Sách vàng Sáng tạo Việt Nam.
Có 6/199 công trình đạt các giải thưởng quốc tế chuyển vào danh sách các cá nhân tập thể đạt giả thưởng quốc tế; Có 33/199 công trình không đưa vào tuyển chọn do không đảm bảo tiêu chuẩn, tiêu chí tuyển chọn.
Có 8 tập thể, 31 cá nhân đạt giải thưởng quốc tế, trong đó có: 5 công trình và tập thể, 27 cá nhân đạt các giải thưởng quốc tế do các bộ, ngành ở Trung ương giới thiệu đảm bảo tiêu chí, điều kiện.
Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư số 33/2024/TT-BGTVT quy định về quản lý giá dịch vụ sử dụng phà được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, do trung ương quản lý.