Tôn vinh danh hiệu Nhà nước đối với nhà báo: Mong ước không xa
Được mang bên mình danh hiệu cao quý, những người làm báo càng tự ý thức được sứ mệnh thiêng liêng, nhiệm vụ chính trị cao cả, trách nhiệm xã hội đối với Đảng, Nhà nước, Tổ quốc và nhân dân.
Nghề báo góp phần tăng cường nguồn lực nội sinh cho đất nước
Báo chí có vai trò to lớn trong việc kiến tạo dư luận xã hội lành mạnh, mở rộng dân chủ và khơi dậy tình yêu thương, gắn kết nhịp cầu nhân ái trong cộng đồng. Thực tế cho thấy, không có thông tin thì không có định hướng đúng đắn, nhanh nhạy và người dân không có nhiều kiến thức, kinh nghiệm, tư liệu, dữ kiện cần thiết để phục vụ cuộc sống, học tập, nghiên cứu khoa học, lao động, sản xuất, kinh doanh...
Phóng viên báo VietNamNet tác nghiệp trên cánh đồng lúa hữu cơ tại tỉnh Quảng Trị. Ảnh: Hiền Anh
Trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, khi thông tin là một trong những yếu tố quan trọng nhất góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển, thì báo chí càng có vai trò to lớn, ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống xã hội. Chính báo chí là một trong những kênh thông tin quan trọng giúp Đảng, Nhà nước có thêm cơ sở, căn cứ để hoạch định chủ trương, đường lối, chính sách và pháp luật phù hợp với sự quy luật khách quan, xu thế phát triển của thời đại và những yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống.
Không chỉ có vậy, báo chí còn chứa đựng nhiều hàm lượng chất xám, khoa học, văn hoá mà nếu được quan tâm khai thác đúng mức thì đây chính là nguồn năng lực nội sinh dồi dào, đóng góp tích cực vào sự nghiệp nâng cao dân trí, xây dựng con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước.
Lao động báo chí là loại lao động đặc thù với tính chất căng thẳng, cường độ và mức độ cao, không kể thời gian, không gian, địa hình và thời tiết. Muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ, người làm báo phải luôn sáng suốt, tỉnh táo trong mọi điều kiện, tình huống, hoàn cảnh; cân nhắc thận trọng, kỹ lưỡng những vấn đề mình thông tin, nếu để xảy ra sai sót dù là nhỏ như văn phong, chữ nghĩa, chính tả hay nhầm lẫn về con số, tư liệu, dữ kiện và cách lập luận vấn đề... cũng có thể để lại những tác hại ghê gớm và hậu quả khôn lường đối với đối tượng được thông tin, phản ánh và dư luận xã hội.
Không những thế, người làm báo còn phải tập trung chú ý cao độ tư tưởng, suy nghĩ, trách nhiệm để hoàn thành nội dung bài viết; thường xuyên đổi mới cách nghĩ, cách viết, cách tiếp cận, khai thác và xử lý thông tin, đồng thời phải tích cực tìm tòi, sáng tạo để đạt hiệu quả thông tin kịp thời, chính xác, hấp dẫn.
Cũng do yêu cầu công việc đòi hỏi, người làm báo phải luôn vận động, nay chỗ này, mai nơi khác, bất chấp thời gian ngày hay đêm, địa hình sông suối, núi đồi chia cắt, cheo leo, hiểm trở và thời tiết mưa to, gió lớn hay khí hậu nóng nực, lạnh buốt. Nhiều khi muốn có được một bài báo, một thông tin có chất lượng, lôi cuốn và hài lòng công chúng và mang lại hiệu quả xã hội nhất định, người làm báo phải đổ bao mồ hôi, tốn bao công sức, chấp nhận lao tâm khổ tứ và không loại trừ cả sự rủi ro.
Để có được những trang báo in, báo điện tử, chương trình phát thanh, truyền hình với bao thông tin cập nhật, sự kiện sinh động, kiến thức bổ ích luôn hấp dẫn người đọc, người nghe và người xem, những người làm báo khi thì âm thầm, lặng lẽ, cần mẫn, tận tuỵ ở trong phòng kín; lúc thì năng nổ, xông xáo “tắm mình” vào đời sống sôi động, phức tạp ở khắp nơi mọi chốn, kể cả nơi rừng xanh núi thẳm hay hang cùng ngõ hẻm của đất nước.
Trong đợt đại dịch Covid-19 xảy ra những tháng đầu năm 2020 ở Việt Nam, lãnh đạo Chính phủ đã ghi nhận, khẳng định, cùng với đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế, bộ đội và công an, các phóng viên báo chí cũng là lực lượng trên tuyến đầu tham gia phòng, chống đại dịch nguy hiểm này.
Tác nghiệp tại điểm lũ quét ở huyện Tam Đường (Lai Châu)
Ước mong chính đáng của hàng vạn người làm báo chân chính
Sản phẩm của báo chí là sự kết tinh quá trình lao động sáng tạo không mệt mỏi của đội ngũ những người có tri thức, học vấn và luôn coi trọng dấu ấn danh dự cá nhân. Nghề báo là một nghề có tác động và ảnh hưởng sâu rộng đối với mọi mặt của đời sống xã hội. Nhà báo cũng là công dân của xã hội, nhưng đó là công dân rất nhạy cảm với thời cuộc.
Diện mạo, vị thế, uy tín, bước tiến của xã hội ra sao luôn có một phần đóng góp không nhỏ của đội ngũ nhà báo. Trong quá trình nước ta đang tiến sâu vào hội nhập quốc tế, việc tiếp nhận, sàng lọc và xử lý thông tin đang diễn ra hàng giờ, hàng ngày để có lợi cho quốc kế dân sinh và sự phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững an ninh, chủ quyền quốc gia hiện là một trong những vấn đề cấp thiết nhất. Cùng với các cơ quan nghiên cứu và hoạch định chính sách của Đảng và Nhà nước, các cơ quan thông tấn, báo chí đã và đang tiên phong thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ quan trọng này.
Được biết trong xã hội ta, một số nghề nghiệp mang tính chất, ý nghĩa xã hội cao cả đã được Nhà nước tôn vinh danh hiệu cao quý như: Lĩnh vực nghệ thuật có danh hiệu “Nghệ sĩ Nhân dân” và “Nghệ sĩ Ưu tú”; Lĩnh vực giáo dục có danh hiệu “Nhà giáo Nhân dân” và “Nhà giáo ưu tú”; Lĩnh vực y tế có danh hiệu “Thầy thuốc Nhân dân” và “Thầy thuốc Ưu tú”; Lĩnh vực văn nghệ dân gian có danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân” và “Nghệ nhân Ưu tú”.
Trong xã hội bùng nổ thông tin hiện nay, việc xem xét, ghi nhận và tôn vinh giá trị tinh thần thông qua danh hiệu vinh dự Nhà nước như “Nhà báo Nhân dân”, “Nhà báo Ưu tú” đối với người cầm bút có ý nghĩa xã hội rất sâu sắc. Đây không phải là đòi hỏi, mà là mong muốn, nguyện vọng chính đáng của những người làm báo - đội ngũ luôn trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân, có ý chí và tinh thần vượt mọi khó khăn, gian khổ, dám chấp nhận nguy hiểm, xung kích đi đầu trên mặt trận thông tin tuyên truyền, xứng đáng là người chiến sĩ cầm bút “phò chính, trừ tà” như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn.
Được mang bên mình danh hiệu cao quý, những người làm báo càng tự ý thức được sứ mệnh thiêng liêng, nhiệm vụ chính trị cao cả, trách nhiệm xã hội nặng nề của mình đối với Đảng, Nhà nước, Tổ quốc và nhân dân, luôn tận tâm cống hiến sức lực, trí tuệ vì một nền báo chí cách mạng chân chính, nhân văn, tiến bộ, vì sự phát triển phồn vinh, văn minh của đất nước và xã hội.
Mặt khác, việc coi trọng và đề cao giá trị tinh thần chính là một trong những hình thức, biện pháp biểu dương, ghi nhận, tôn vinh những phẩm chất văn hoá-đạo đức cao đẹp, góp phần làm cho “Cái tốt nảy nở như hoa mùa xuân, cái xấu mất dần đi” (Bác Hồ) và tạo động lực cho mỗi nhà báo hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ xung kích trên mặt trận tư tưởng-văn hoá của Đảng và là người gửi gắm thông tin tin cậy của nhân dân.
Thời kỳ kháng chiến giải phóng dân tộc, đã có hơn 400 nhà báo đã anh dũng ngã xuống trong khi làm nhiệm vụ, hy sinh cao cả vì Tổ quốc. Thời bình hiện có hàng vạn nhà báo đang lặng lẽ dâng hiến nhiều công sức, trí tuệ cho đất nước và nhân dân.
Vậy nên, tôn vinh danh hiệu Nhà nước đối với nhà báo là điều nên làm!
Hy vọng hiện thực đó không xa bởi mong ước của những người làm báo Việt Nam rất gần!
Thiện VănKhông khí Tết len lỏi khắp mọi nẻo đường lên “nóc nhà Đông Dương”, Fansipan (Sa Pa) khoác lên tấm áo xuân rực rỡ sẵn sàng chào đón du khách trong kỳ nghỉ lễ sắp tới.