Tổng Bí thư Tô Lâm thăm và làm việc tại tỉnh Ninh Thuận
Vừa qua, tại Ninh Thuận, Tổng Bí thư Tô Lâm và Đoàn công tác của Trung ương đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Thuận, nghe báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, tình hình thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị, quá trình triển khai đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.
Báo cáo tại hội nghị, đại diện lãnh đạo địa phương cho biết, qua 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, kinh tế - xã hội của tỉnh duy trì ổn định và tăng trưởng khá, quy mô nền kinh tế được mở rộng đáng kể, tăng hơn 1,7 lần so với đầu nhiệm kỳ; tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt gần 9%, thuộc top đầu cả nước (riêng năm 2024, kinh tế tăng trưởng khá, đạt 8,7%); ước thực hiện hoàn thành 16/18 chỉ tiêu đề ra.
Ninh Thuận từ tỉnh khó khăn của cả nước đã phát triển, trở thành tỉnh có thu nhập trung bình. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, nâng cao tỷ trọng công nghiệp; sản xuất nông nghiệp có bước phát triển khá toàn diện. Dịch vụ, du lịch phục hồi, lượng khách du lịch đến tỉnh tăng mạnh, đến cuối năm 2024 đạt 3,4 triệu lượt, gấp gần 3 lần so với năm 2020.
Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện tích cực; năng lực cạnh tranh cấp tỉnh cải thiện đáng kể, chỉ số PCI năm 2023 xếp thứ 11/63 tỉnh, thành phố, huy động nguồn lực đầu tư đạt kết quả tích cực. Kết cấu hạ tầng thiết yếu liên vùng, kết nối, liên thông đa mục tiêu được tập trung đầu tư…
Về văn hóa - xã hội, môi trường có nhiều tiến bộ; chất lượng giáo dục, chất lượng nguồn nhân lực từng bước được nâng lên. Hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ gắn với đổi mới sáng tạo bước đầu đạt kết quả.
Tỉnh đã chú trọng nâng chất lượng khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân; công tác phòng, chống dịch bệnh phát huy hiệu quả, nhất là trong đại dịch COVID-19. Các vấn đề an sinh xã hội được quan tâm đúng mức. Quốc phòng, an ninh tiếp tục được củng cố, tăng cường vững mạnh cả về tiềm lực, lực lượng và thế trận. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được tiến hành thường xuyên, toàn diện, tập trung lãnh đạo, đạt nhiều kết quả quan trọng.
Về công tác chuẩn bị cho đại hội Đảng bộ các cấp, đến nay, cấp tỉnh đã ban hành Đề cương báo cáo chính trị; chỉ đạo sơ kết, tổng kết các nghị quyết chuyên đề; tiến hành xây dựng Báo cáo chính trị (lần thứ nhất); đã hoàn thành quy hoạch nhân sự khoá mới; cơ bản rà soát, kết luận về tiêu chuẩn chính trị, chuẩn bị tốt quy trình giới thiệu nhân sự tham gia cấp ủy tỉnh nhiệm kỳ 2025-2030.
Tuy nhiên, kinh tế của tỉnh tăng trưởng khá nhưng chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; quy mô nền kinh tế còn nhỏ, sức cạnh tranh thấp; cơ cấu lại nền kinh tế và cơ cấu nội bộ từng ngành, lĩnh vực chưa đi vào chiều sâu. Môi trường đầu tư, kinh doanh tuy đã được cải thiện nhưng vẫn thiếu ổn định. Chất lượng nguồn nhân lực có mặt chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Đời sống, thu nhập của người dân đã được nâng lên nhưng còn nhiều khó khăn, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng núi, vùng sâu, vùng xa.
Ngành năng lượng tái tạo là thế mạnh của địa phương, nhưng còn khó khăn do quy hoạch, cơ chế chính sách, giá, ban hành chậm và nhiều vướng mắc; tiến độ thực hiện các dự án hạ tầng truyền tải điện chậm. Kết cấu hạ tầng thiết yếu tuy được quan tâm đầu tư nhưng nhiều lĩnh vực chưa đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông.
Báo cáo về Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, đại diện lãnh đạo tỉnh cho biết, sau khi Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại Nghị quyết 41/2009/QH12, ngày 25/11/2009, quy hoạch xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 đặt tại xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam và Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 đặt tại xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh đã khảo sát, đo đạc xác định tổng diện tích quy hoạch xây dựng 2 Nhà máy là 1.642,22ha, ảnh hưởng, tác động đến gần 4.000 người với 1.100 hộ.
Ngày 26/11/2016, Quốc hội ban hành Nghị quyết dừng thực hiện chủ trương đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, đã làm thay đổi các kịch bản tăng trưởng và phát triển của tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội và các công trình phúc lợi công cộng trên địa bàn 2 xã Phước Dinh, Vĩnh Hải và vùng lân cận bị xuống cấp do không được đầu tư chờ bàn giao chuyển đi nơi ở mới. Nhân dân trong vùng dự án gặp khó khăn, trải qua thời gian dài chờ đợi, mong mỏi sớm được về nơi ở mới, ổn định đời sống - sản xuất.
Việc tái khởi động Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển nhanh, tháo gỡ những khó khăn hiện nay. Tỉnh đề nghị Trung ương sớm xác định lộ trình xây dựng các nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận để làm cơ sở cho tỉnh tiến hành khảo sát, lấy ý kiến, xác định tâm tư, nguyện vọng nhân dân vùng dự án; tăng cường công tác tuyên truyền thông tin, vận động tạo sự đồng thuận khi dự án được triển khai. Tỉnh đề xuất tiếp tục được xây dựng cơ chế đặc thù phát triển kinh tế-xã hội của địa phương có Nhà máy điện hạt nhân, trong đó ưu tiên cơ chế phát triển nhân lực, hạ tầng trọng điểm.
Phát biểu kết luận hội nghị, Tổng Bí thư Tô Lâm ghi nhận, biểu dương những thành tựu mà Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Ninh Thuận đạt được trong thời gian qua, nhất là phát triển kinh tế - xã hội. Về công tác xây dựng Đảng, tỉnh đã bám sát các văn bản của Trung ương, tập trung lãnh đạo quyết liệt, chủ động, phòng ngừa, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ; chủ động triển khai thực hiện kịp thời Chỉ thị 35-CT/TW của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng.
Tổng Bí thư cho biết, vui mừng và xúc động khi thấy Ninh Thuận từ vùng đất khô hạn với lượng mưa ít ỏi, thấp nhất cả nước chỉ với khoảng 700-800mm một năm, nay đã vượt lên khó khăn, biết khai thác được những tiềm năng sẵn có từ năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời, du lịch xanh và nông nghiệp công nghệ cao.
Trong vòng 10 năm, thu nhập bình quân đầu người tăng gấp 4 lần, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 9,34% xuống còn 2,69%. Đó là minh chứng cho sức mạnh vượt qua nghịch cảnh. Ninh Thuận ngày nay không chỉ là điểm đến hấp dẫn, mà còn là lời nhắc nhở rằng sự quyết tâm, bền bỉ và sáng tạo có thể biến những thách thức thành cơ hội, mở ra con đường phát triển bền vững và đầy hy vọng.
Tổng Bí thư nhấn mạnh, điều kiện khí hậu và tự nhiên của Ninh Thuận không thuận lợi, đó là khi nhìn lợi thế so sánh trong ngành nông nghiệp, nếu nhìn ở ngành năng lượng, trong đó có năng lượng tái tạo, năng lượng sạch thì đây lại là một thế mạnh vượt trội. Ninh Thuận đang nổi lên như một trung tâm năng lượng quan trọng của cả nước, chiếm 18% tổng công suất toàn quốc, đóng góp lớn vào tăng trưởng của tỉnh trong thời gian qua.
Nếu một số vướng mắc các dự án điện gió, điện mặt trời hiện nay được khơi thông, đồng thời việc triển khai Quy hoạch điện VIII được thúc đẩy, Ninh Thuận sẽ tiếp tục bứt phá mạnh mẽ hơn nữa. Chính phủ, các bộ ngành, nhất là Bộ Công Thương phải nhanh chóng tháo gỡ các điểm nghẽn về cơ chế, chính sách, vướng mắc để thúc đẩy sự phát triển các dự án năng lượng của quốc gia nói chung, trong đó có các dự án năng lượng ở Ninh Thuận.
Về điện hạt nhân, Tổng Bí thư khẳng định, điện hạt nhân là nguồn điện nền, xanh và bền vững. Điện hạt nhân ngày càng được nhiều quốc gia quan tâm lựa chọn và tiếp tục phát triển. Trong lịch sử có một số sự cố về các nhà máy điện hạt nhân nhưng xét về xác suất là vô cùng thấp. Hơn nữa, những công nghệ hạt nhân hiện nay đã tiến bộ rất xa, trải qua rất nhiều thế hệ mới so với những công nghệ cũ trước đây.
Vừa qua, Quốc hội đã quyết nghị tiếp tục thực hiện chủ trương đầu tư điện hạt nhân Ninh Thuận, sau 8 năm tạm dừng dự án này, nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện của Việt Nam hết sức cấp thiết và được dự báo vẫn tiếp tục tăng cao. Tổng công suất hệ thống điện hiện nay khoảng 85.000MW, cần có thêm khoảng 70.000MW vào năm 2030, tức khoảng 150.000MW. Đến năm 2050, tổng công suất cần đạt là 400.000 đến 500.000MW.
Việc phát triển nguồn điện hạt nhân sẽ đa dạng nguồn cung, bảo đảm an ninh năng lượng và chuyển dịch năng lượng xanh, giúp Việt Nam đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào 2050 theo cam kết tại COP26. Bên cạnh đó, làm dự án điện hạt nhân còn là cơ hội để nước ta phát triển nhân lực chất lượng cao, nâng cao tiềm lực khoa học công nghệ quốc gia, tham gia vào chuỗi cung ứng công nghiệp điện hạt nhân toàn cầu.
Tổng Bí thư nêu rõ, người dân Ninh Thuận và các địa phương lân cận chia sẻ, dành nguồn lực (đất đai, tài nguyên) để phát triển dự án năng lượng phục vụ sự phát triển cho cả nước, chắc chắc sẽ phải được tái phân phối, thụ hưởng những thành quả xứng đáng của sự phát triển. Đảng và Nhà nước sẽ phải đảm bảo lựa chọn những công nghệ hạt nhân tốt nhất, chọn những đối tác tư vấn tốt nhất, đào tạo nhân lực quản lý tốt nhất để bảo đảm vận hành an toàn và hiệu quả dự án năng lượng này của quốc gia, không chỉ vì thế hệ hiện tại mà còn cho thế hệ con cháu mai sau.
Về phát triển kinh tế - xã hội nói chung, Tổng Bí thư cho rằng, Ninh Thuận có rất nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, phát triển kinh tế biển, cảng biển và trung tâm dịch vụ logistics. Ninh Thuận có lợi thế vượt trội để phát triển năng lượng điện mặt trời, điện gió nhờ tốc tốc độ gió và số giờ nắng trung bình trong ngày cao nhất cả nước. Vùng biển Ninh Thuận có lợi thế độ mặn lý tưởng để phát triển sản xuất công nghiệp muối và hóa chất sau muối; có nhiều sản phẩm đặc hữu mang tính bản địa cao đã trở thành thương hiệu nổi tiếng như nho, táo, hành, tỏi, tôm giống…
Tất cả giá trị tiềm tàng của Ninh Thuận rất lớn, cần có cách nhìn mới mang tính thời đại, toàn cầu, mang hơi thở của kỷ nguyên vươn mình để đánh thức tiềm năng đang ẩn chứa trong đất và người Ninh Thuận.
Quán triệt quyết tâm phấn đấu đạt mức cao nhất các mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025, Tổng Bí thư đề nghị Đảng bộ tỉnh tiếp tục làm tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; phát huy sức mạnh văn hóa, con người, khối Đại đoàn kết toàn dân. Đề cao trách nhiệm người đứng đầu, trách nhiệm nêu gương; khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung.
Tập trung sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả. Chuẩn bị thật tốt các điều kiện và tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030; trọng tâm là xác định các mục tiêu tăng trưởng, làm tốt công tác nhân sự phục vụ Đại hội; văn kiện Đại hội phải khách quan, khoa học, lấy ý kiến rộng rãi, thể hiện ý chí khát vọng vươn lên, vững tin bước vào Kỷ nguyên mới của dân tộc.
Tỉnh cần tận dụng thế mạnh của một trung tâm năng lượng lớn quốc gia, vùng ít mưa, ít bão, vùng cao, các lợi thế giao thông để phát triển vùng đất này trở thành tổ hợp công nghiệp chế tạo xanh, công nghiệp phụ trợ, Trung tâm công nghiệp xanh-Net Zero; Trung tâm sản xuất chip bán dẫn và công nghệ trí tuệ nhân tạo AI, trung tâm dữ liệu quốc gia vùng. Chuẩn bị tốt các điều kiện để khởi động lại Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận theo chủ trương của Trung ương, nhất là công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận cao trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.
Phương LoanNgày 15/1, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề: “Những vấn đề lý luận và thực tiễn về xây dựng văn hóa trong Đảng giai đoạn mới”.