Tổng chi ngân sách nhà nước 5 tháng đạt 581,6 nghìn tỷ đồng, bằng 34,5% dự toán
Theo thông tin từ Bộ Tài Chính, trong tháng 5/2021, tổng thu ngân sách nhà nước thực hiện ước đạt 98,6 nghìn tỷ đồng, tổng chi ngân sách ước đạt 125,8 nghìn tỷ đồng. Như vậy, trong tháng 5 ngân sách nhà nước bội chi 27 nghìn tỷ đồng.
Cụ thể, tổng chi cân đối ngân sách nhà nước tháng 5/2021 ước đạt 125,8 nghìn tỷ đồng; lũy kế chi 5 tháng đạt 581,6 nghìn tỷ đồng, bằng 34,5% dự toán (cùng kỳ năm 2020 là 34,6%).
Trong đó, chi đầu tư phát triển đạt 102 nghìn tỷ đồng, bằng 21,4% dự toán Quốc hội quyết định (cùng kỳ năm 2020 là 26%); chi trả nợ lãi đạt 47,8 nghìn tỷ đồng, bằng 43,4% dự toán; chi thường xuyên đạt 430,8 nghìn tỷ đồng, bằng 41,6% dự toán (cùng kỳ năm 2020 là 40,6%).

Chi ngân sách nhà nước tháng 5 ước đạt 125,8 tỷ đồng. Ảnh: TBTCVN
Các nhiệm vụ chi ngân sách 5 tháng đầu năm được thực hiện theo dự toán và tiến độ triển khai nhiệm vụ chuyên môn của các đơn vị sử dụng ngân sách. Cả ngân sách trung ương và ngân sách địa phương đã ưu tiên bố trí chi cho công tác phòng, chống dịch COVID-19, đảm bảo cơ sở vật chất và các điều kiện cần thiết phục vụ cho công tác bầu cử Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Trung ương đã chi từ dự toán chi dự phòng ngân sách trung ương 2.057 tỷ đồng cho phòng chống dịch COVID-19 để thực hiện 2 nhiệm vụ: Bổ sung 1.740 tỷ đồng cho Bộ Y tế kinh phí mua vắc xin (1.237 tỷ đồng) và mua sắm các vật tư, hóa chất, sinh phẩm và trang thiết bị y tế cần thiết phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 (503 tỷ đồng); Hỗ trợ 317 tỷ đồng cho các địa phương kinh phí phòng chống dịch COVID-19.
Để đảm bảo cân đối ngân sách nhà nước, trong 5 tháng đầu năm, Bộ Tài chính đã thực hiện phát hành 109,7 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, với kỳ hạn bình quân 12,32 năm, lãi suất bình quân 2,27%/năm.
Hoài Thương (t/h)
Ngành F&B 2025 sẽ tiếp đà tăng trưởng khi được thúc đẩy bởi nhu cầu tiêu dùng có xu hướng ổn định qua các năm. Sự phục hồi của nền kinh tế nói chung và thu nhập của người dân cải thiện cũng sẽ tạo động lực giúp ngành phát triển hơn.