Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam: Lợi nhuận cốt lõi tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ
Kết quả kinh doanh của ACV sẽ tiếp tục tăng trưởng nhờ sự phục hồi của lượt khách quốc tế và dự kiến lợi nhuận sau thuế năm 2024 sẽ vượt qua mức lợi nhuận trước đại dịch COVID-19.
Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) là doanh nghiệp hàng đầu trong hoạt động kinh doanh cảng hàng không và đang quản lý 22 cảng hàng không tại Việt Nam. ACV đã công bố liên danh Vietur là đơn vị đáp ứng yêu cầu kỹ thuật thi công gói thầu 5.10 thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình nhà ga hành khách thuộc dự án thành phần 3, các công trình thiết yếu trong cảng hàng không thuộc dự án đầu tư xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 1, là gói thầu có giá trị lên tới 35.000 tỷ đồng. Nhờ đó, liên danh này đã thắng thầu gói thầu 5.10 sân bay Long Thành.
Cùng với đó, ACV cũng đã công bố liên danh thắng thầu gói thầu 4.6 xây dựng sân đỗ máy bay, đường lăn, đường băng và các công trình khác, với giá trị 8.100 tỷ đồng. Hiện tại, các sân bay quan trọng, đặc biệt là sân bay Tân Sơn Nhất đều đang trong tình trạng quá tải, vì vậy việc sớm đưa sân bay Long Thành đi vào vận hành thương mại sẽ giúp công suất phục vụ của ACV tăng mạnh, thúc đẩy tăng trưởng của ACV.
Mới đây, ACV đã công bố tình hình kinh doanh quý 2/2023. Theo đó, sau 2 năm gặp khó khăn vì COVID-19, kết quả kinh doanh của ACV đã phục hồi về gần mức trước đại dịch.
Trong quý 2, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của công ty đạt lần lượt là 4.929 tỷ đồng (tăng 43,7%) và 2.608 tỷ đồng (tăng 1,6%). Tăng trưởng của ACV đến từ việc số lượt khách quốc tế tăng mạnh làm doanh thu và lợi nhuận gộp tăng mạnh.
Số lượt khách quốc tế của ACV đạt 7,5 triệu lượt, tương đương 76% cùng kỳ năm 2019, là năm trước đại dịch COVID-19. Lượt khách quốc tế chiếm 25,7% tổng lượt khách trong quý 2 nhưng đóng góp tới 62,4% doanh thu dịch vụ hành khách là doanh thu chính của ACV. Tăng trưởng lượt khách quốc tế là động lực chính yếu để gia tăng lợi nhuận của ACV.
Trước đại dịch, lượt khách du lịch hàng không Trung Quốc và Hàn Quốc chiếm lần lượt là 40,4% và 29,8% tổng lượt khách du lịch quốc tế bằng đường hàng không. Sau khi Việt Nam thực hiện chính sách mở cửa, số lượt khách du lịch bằng đường hàng không của Hàn Quốc đã có sự phục hồi mạnh mẽ. Lượt khách du lịch bằng đường hàng không Hàn Quốc đạt 0,8 triệu lượt, tương đương với khoảng 81,5% so với quý 2/2019. Mức tăng trưởng diễn ra chậm hơn từ thị trường Trung Quốc do Trung Quốc vẫn thực hiện chính sách Zero Covid.
Tuy nhiên, đến tháng 03/2023, Trung Quốc đã cho phép du lịch theo đoàn tới Việt Nam. Điều này đã thúc đẩy tăng trưởng lượt khách du lịch bằng đường hàng không tới Việt Nam. Quý 2/2023, lượt khách du lịch bằng đường hàng không Trung Quốc đạt khoảng 0,5 triệu lượt, tương đương với 35% so với cùng kỳ 2019 và vẫn còn dư địa lớn để hỗ trợ tăng trưởng lượt khách quốc tế cho ACV.
Lượt khách nội địa đạt 21,7 triệu lượt trong Quý 2/2023, giảm 16,6% so với cùng kỳ. Mức giảm khá mạnh do nền cao của Quý 2/2022. Đây là giai đoạn mà Việt Nam mới gỡ bỏ các biện phòng chống COVID-19 vì vậy người dân đã đẩy mạnh hoạt động du lịch sau 2 năm bị hạn chế. Cùng với đó, kinh tế tăng trưởng thấp trong năm nửa đầu năm 2023 dẫn tới người dân thắt chặt chi tiêu cũng làm ảnh hưởng tới ngành Du lịch cũng như lượt khách nội địa của ACV.
Kết quả kinh doanh của ACV sẽ tiếp tục tăng trưởng nhờ sự phục hồi của lượt khách quốc tế và dự kiến lợi nhuận sau thuế năm 2024 sẽ vượt qua mức lợi nhuận trước đại dịch COVID-19.
Tính đến cuối quý 2/23, phải thu khó đòi của ACV đã lên tới 5.541 tỷ đồng. Trong đó, phải thu khó đòi nhiều nhất đến từ VJC với giá trị phải thu khó đòi lên tới 2.342 tỷ đồng, phải thu khó đòi từ hãng Tre Việt lên tới 1.435 tỷ đồng, phải thu khó đòi từ HVN là 866 tỷ đồng và phải thu khó đòi từ Pacific Airlines là 684 tỷ đồng. Nếu các hãng bay vẫn phục hồi chậm thì ACV sẽ phải tiếp tục trích lập dự phòng dẫn tới làm giảm tốc độ tăng trưởng lợi nhuận.
Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 của ACV vẫn còn 2 điểm nhấn mạnh là chưa nhận được quyết định phê duyệt quyết toán cổ phần hóa; và ACV đang quản lý, sử dụng và khai thác tài sản khu bay. ACV ghi nhận doanh thu và chi phí từ tài sản này lên báo cáo hợp nhất nhưng chưa ghi nhận các tài sản này lên báo cáo tài chính do Bộ Giao thông vận tải chưa ban hành quyết định phê duyệt giá trị tài sản nói trên.
Lan AnhTừ 11/11/2024, người dân có thể sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập trên ứng dụng iHanoi. Việc tích hợp VNeID lên iHanoi có thể coi là 1 bước tiến lớn khi mang lại nhiều lợi ích hơn tới người dân Thủ đô.