Tổng công ty Đường sắt đề xuất nâng cấp nhà ga thành khu vui chơi, siêu thị, dịch vụ...
Ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã có ý kiến như trên tại tọa đàm “Thách thức và cơ hội phát triển ngành đường sắt Việt Nam”.
Tại buổi tọa đàm, ông Minh chia sẻ về giải pháp khai thác hiệu quả đường sắt hiện hữu. Ông cho biết, đường sắt có 3 yếu tố quan trọng. Một là năng lực chất lượng hạ tầng, hai là chất lượng phương tiện vận tải, ba là chất lượng dịch vụ. Điểm yếu cốt tử là năng lực hạ tầng, chất lượng hạ tầng. Năng lực hạ tầng thông qua tuyến Bắc-Nam và 21 đôi tàu. Như vậy, việc đầu tư thêm toa xe không tạo ra dòng sản phẩm mới, mà chỉ thay thế cái cũ.
Đối với các phương thức vận tải khác, khi gia tăng phương tiện, sẽ gây áp lực để tạo động lực phát triển hạ tầng. Nhưng đối với đường sắt không gia tăng phương tiện để tạo áp lực, thúc đẩy cho hạ tầng phát triển. Đây là một đặc thù của ngành đường sắt.
Toàn bộ hạ tầng hiện nay, Tổng công ty Đường sắt quản lý vận hành khai thác, hạ tầng thuộc sở hữu Nhà nước. Sở hữu của đường sắt là phương tiện vận tải. Chất lượng hạ tầng cũ, lạc hậu và duy tu bảo trì hằng năm đáp ứng 40%, nghĩa là không đảm bảo được trạng thái để vận hành một cách bình thương tốt nhất.
Về chất lượng phương tiện, ông Minh cho hay, ngành đường sắt đã tổ chức đóng mới, cải tạo trong những năm qua và chất lượng tốt hơn bởi sự khác biệt với các phương thức vận tải khác, hạ tầng công nghệ nào thì phương tiện công nghệ đó. Vì vậy muốn đổi mới nhưng không đổi mới được
Trong hạ tầng này, có hạ tầng thứ hai là nhà ga và bãi hàng. Hạ tầng nhà ga và bãi hàng hiện nay thuộc sở hữu Nhà nước, cần phải nâng cao chất lượng hạ tầng nhà ga và bãi hàng. Nếu bãi hàng không được cải thiện thì sẽ không bố trí được phương tiện bóc xếp hiện đại, tàu sẽ biến thành kho, chi phí xếp dỡ sẽ lớn, chi phí logistics sẽ tăng lên.
Trên toàn tuyến hiện có 5.726 giao gạt đồng mức, trong đó có 1.519 đường ngang chính, còn lại là lối đi tự mở. Đường sắt là phương tiện ưu tiên, nhưng các phương tiện đi qua các lối đi tự mở, không quan sát, dễ dẫn đến xảy ra tai nạn. Trên toàn tuyến có trên 14.000 điểm vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt. Trước đây, trong giải pháp xây dựng đường sắt, với năng lực nhu cầu hàng hóa thấp, nên làm đường đơn và tốc độ chạy tàu rất thấp. Bên cạnh đó, có trên 1.000 đường cong có bán kính cong dưới 300 m. Đây là những điểm nghẽn về hạ tầng.
Ông Minh nhận định: "Muốn giải quyết được điểm nghẽn hạ tầng này, Nhà nước phải đầu tư. Tổng công ty Đường sắt có 2 hoạt động sản xuất kinh doanh chính, một là thực hiện các công tác bảo trì hệ thống đường sắt theo luật quy định cũng như nghị định quy định, thứ hai là kinh doanh vận tải hàng hóa".
Kinh doanh vận tải hàng hóa được phát triển khi năng lực hạ tầng được cải thiện. Do vậy mới có chiến lược phát triển đường sắt và quy hoạch mở tuyến, quy hoạch cải tạo nâng cấp tuyến đường sắt hiện hữu, mục tiêu nâng cao năng lực thông qua gấp 4-5 lần như hiện nay, cải thiện tốc độ chạy tàu. Tàu khách bình quân 80-90 km/giờ, tàu hàng 60 km/giờ.
"Nguồn lực Nhà nước phân bổ hạn chế là một phần, nhưng một phần chúng ta chưa quan tâm đến đường sắt nhiều và quan tâm đến các phương thức vận tải khác nhiều hơn. Nó đã giải quyết những nút thắt trong suốt quá trình vừa qua, nhưng đã đến lúc chúng ta điều chỉnh lại những danh mục đầu tư cho các lĩnh vực. Bài toán ở đây là tổ chức thực hiện, chứ không phải là cơ chế chính sách chưa có" - ông Minh nói.
Hiện nay đã có quy định về đường sắt tốc độ cao, đã gắn trách nhiệm của địa phương khi để phát sinh lối đi tự mở, đường ngang dân sinh. Hiện nay đã có Nghị định 46/2018/NĐ-CP quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, Nghị định 65/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đường sắt, quy định từ nay đến năm 2025 xóa bỏ hoàn toàn 4.200 lối đi tự mở. Nhưng vấn đề là tổ chức thực hiện như thế nào để đúng theo quy hoạch. Chủ tịch Tổng công ty Đường sắt cho rằng cần xem lại điều này.
Trong khi các loại hình vận tải hàng không, hàng hải được giao tài sản hạ tầng cho DN để khai thác, kinh doanh, đường sắt lại chưa được phép.
Ông Minh đề xuất: "Nhà ga là điểm đến, điểm đi, tại đây có thể nâng cấp thành các khu vui chơi, siêu thị, dịch vụ... chứ hoàn toàn không đơn thuần là việc trung chuyển hành khách. Vì thế, nhiều quốc gia đã đầu tư các ga bằng nguồn ngân sách từ trung ương và địa phương, kể cả cho phép DN và các thành phần kinh tế khác tham gia".
Công ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.