Tổng Công ty Hàng Hải Việt Nam (VIMC) đặt kế hoạch "đi lùi" trong năm 2022, trình phương án phát hành tăng vốn điều lệ vượt 13.000 tỷ đồng

Doanh nghiệp - Doanh nhân
12:42 AM 02/04/2022

VIMC sẽ trình cổ đông thông qua phương án chào bán 100 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài đáp ứng điều kiện là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Số lượng nhà đầu tư tham gia sẽ không vượt quá 100.

Ngày 20/4 tới đây, Tổng Công ty Hàng Hải Việt Nam (VIMC - UpCOM: MVN) sẽ tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên. Tài liệu đại hội đã được công bố.

Nhìn lại năm 2021, cả năm vừa qua, MVN đạt 13.251 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 33% so với cùng kỳ. Kết quả, LNST đạt 2.941 tỷ đồng, cao gấp 14 lần năm ngoái, trong đó LNST thuộc về công ty mẹ là 1.943 tỷ đồng – Đây cũng là mức lợi nhuận cao nhất trong lịch sử hoạt động của MVN.

MVN dự kiến sẽ không thực hiện phân phối lợi nhuận năm 2021 của VIMC do bù đắp lỗ của năm 2020 và còn lỗ lũy kế đến thời điểm 31/12/2021 vẫn còn gần 887 tỷ đồng.

Tổng Công ty Hàng Hải Việt Nam (VIMC) đặt kế hoạch đi lùi trong năm 2022, trình phương án phát hành tăng vốn điều lệ vượt 13.000 tỷ đồng - Ảnh 1.

Kế hoạch năm 2022 "đi lùi" hai chữ số phần trăm

Bước sang năm 2022, MVN đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu đạt 12.511 tỷ đồng, giảm 13% so với thực hiện năm 2021 và lợi nhuận trước thuế đạt 2.518 tỷ đồng, giảm 31% so với thực hiện trong năm trước.

Về sản lượng, chỉ tiêu vận tải biển trong năm 2022 kỳ vọng đạt 19,36 triệu tấn, giảm 15% và thông qua cảng 132,68 triệu tấn, tăng 5%. 

Tổng Công ty Hàng Hải Việt Nam (VIMC) đặt kế hoạch đi lùi trong năm 2022, trình phương án phát hành tăng vốn điều lệ vượt 13.000 tỷ đồng - Ảnh 2.

 Nguyên nhân đặt ra kế hoạch tăng trưởng âm trong năm 2022 là do công ty con CTCP Đại lý Hàng hải Việt Nam (VSA) sẽ giảm mạnh hoạt động đại lý vận tải hàng không vì có biên lợi nhuận thấp, đồng thời MVN cũng dự báo cước vận tải biển năm 2022 sẽ giảm. Ngoài ra, Công ty VIMC Logistics cũng giảm doanh thu thu hộ trả hộ từ hoạt động đại lý hãng tàu và giảm doanh thu hàng dự án.

MVN dự kiến lợi nhuận của khối vận tải biển và dịch vụ hàng hải đều có sự tăng trưởng so với thực hiện năm trước. Tuy nhiên, lợi nhuận khối cảng biển sẽ giảm mạnh do trong năm 2021, lợi nhuận hợp nhất Cảng Sài Gòn ghi nhận khoản bất thường khoảng 484 tỷ đồng từ khoản cơ cấu khoản nợ vay của SP-PSA. Đồng thời, lợi nhuận Cảng Quy Nhơn trong năm 2022 cũng có khả năng giảm 220 tỷ đồng do không còn mặt hàng thiết bị điện gió.

Về hoạt động đầu tư, MVN sẽ đầu tư vỏ container để thay thế vỏ cũ đã thanh lý, bổ sung thiết bị phục vụ nhu cầu SXKD. Cụ thể, kế hoạch đầu tư vỏ container với số lượng dự kiến là 500 vỏ container mới loại 40’HC, 500 vỏ container mới loại 20DC. Tổng mức đầu tư của dự án là 6.306.160 USD (tương đương 146,8 tỷ đồng), dự kiến thực hiện Quý 3/2022.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp sẽ đầu tư 02 tàu container 1.700 - 2.200 TEU, tổng mức đầu tư 48.742.000 USD tương đương 1.160 tỷ đồng; kế hoạch giải ngân năm 2022 khoảng 116 tỷ đồng, bao gồm các chi phí chuẩn bị đầu tư, giám định, đặt cọc,... MVN cũng sẽ đầu tư 1 xe ô tô điện phục vụ CBCNV, trị giá 1,6 tỷ đồng.

Kế hoạch chào bán 100 triệu cổ phiếu riêng lẻ, vốn điều lệ vượt 13.000 tỷ

Đáng chú ý, MVN sẽ trình cổ đông thông qua phương án chào bán 100 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài đáp ứng điều kiện là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Số lượng nhà đầu tư tham gia sẽ không vượt quá 100. Số cổ phiếu trong lần chào bán này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong 1 năm kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán.

Tổng giá trị chào bán theo mệnh giá là 1.000 tỷ đồng, vốn điều lệ của MVN sẽ tăng từ mức 12.006 tỷ đồng lên 13.006 tỷ đồng.

Trên thị trường, chốt phiên 1/4, thị giá MVN giảm 1,69% xuống mức 35.000 đồng/cp.

Tổng Công ty Hàng Hải Việt Nam (VIMC) đặt kế hoạch đi lùi trong năm 2022, trình phương án phát hành tăng vốn điều lệ vượt 13.000 tỷ đồng - Ảnh 3.
Nhiên An
Ý kiến của bạn