Tổng doanh thu của các DNNN trên cả nước đạt gần 690 nghìn tỷ đồng
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung, tính đến 30/6/2023, tổng doanh thu của các DNNN trên cả nước đạt gần 690 nghìn tỷ đồng, đạt 50% kế hoạch năm 2023. Lãi phát sinh trước thuế là 67,4 nghìn tỷ đồng.
DNNN đóng vai trò chi phối, chủ đạo trong nhiều ngành, lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế
Phát biểu tại tọa đàm "Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp: Nhìn lại và hướng tới", sáng ngày 26/9, Tổng Biên tập báo Đầu tư Lê Trọng Minh cho biết, khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đang đóng vai trò chi phối, chủ đạo trong những ngành, lĩnh vực quan trọng, thiết yếu của nền kinh tế. Trong lĩnh vực năng lượng, các nhà máy điện cung cấp khoảng 87% sản lượng điện cho xã hội. Trong lĩnh vực xăng dầu, các DNNN và DN do DNNN sở hữu đóng góp khoảng hơn 84% thị phần bán lẻ.
Trong lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò, chế biến và khai thác dầu khí, các DNNN cung cấp 100% thị phần khí thô và 70% thị phần khí hóa lỏng toàn quốc, đáp ứng khoảng 70% nhu cầu xăng dầu, 70-75% nhu cầu phân đạm cho sản xuất nông nghiệp. DNNN cũng đóng vai trò quyết định trong nhiều lĩnh vực hạ tầng quan trọng của nền kinh tế như viễn thông, công nghệ thông tin với hơn 90% thị phần về thuê bao di động và băng thông rộng di động mặt đất, hạ tầng giao thông vận tải, cảng biển, tài chính ngân hàng, cung cấp nguyên vật liệu sản xuất đầu vào quan trọng cho nền kinh tế…
Theo ông Đỗ Thành Trung - Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến hết năm 2022, Việt Nam còn khoảng 478 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và khoảng 198 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối. DNNN đang nắm giữ nguồn lực lớn về vốn, tài sản, công nghệ, nhân lực chất lượng cao, đóng góp đáng kể vào ngân sách nhà nước. Riêng các doanh nghiệp chiếm 100% vốn nhà nước, mặc dù chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong nền kinh tế (chưa đến 0,1% số doanh nghiệp hoạt động) nhưng lại nắm giữ nguồn lực lớn của nền kinh tế (chiếm khoảng 7% tổng tài sản và 10% vốn chủ sở hữu của toàn bộ doanh nghiệp trên thị trường).
Do đó, khu vực DNNN, đặc biệt là các DNNN quy mô lớn đóng vai trò chi phối, chủ đạo trong những ngành, lĩnh vực quan trọng, thiết yếu của nền kinh tế.
Bên cạnh vai trò thúc đẩy phát triển về kinh tế, DNNN có vai trò lớn trong sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích. Nhiều DNNN tham gia cùng Nhà nước đảm bảo an ninh, quốc phòng, thực hiện các chính sách an sinh xã hội, kết hợp phát triển kinh tế với bảo đảm quốc phòng, an ninh và chủ quyền quốc gia tại các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.
Theo ông Đỗ Thành Trung, tính đến 30/6/2023, tổng doanh thu của các DNNN trên cả nước đạt gần 690 nghìn tỷ đồng, đạt 50% kế hoạch năm 2023. Lãi phát sinh trước thuế là 67,4 nghìn tỷ đồng. Tổng thuế và các khoản phát sinh nộp NSNN là 67.233 tỷ đồng, đạt 56% so với kế hoạch năm 2023.
"Ước cả năm 2023 tổng doanh thu của toàn khu vực DNNN đạt hơn 1,4 triệu tỷ đồng, tăng 4% so với kế hoạch đề ra. Tổng lãi phát sinh trước thuế của khu vực DNNN năm 2023 ước đạt hơn 117,3 triệu tỷ đồng, tăng 9% so với kế hoạch đề ra. Tổng thuế và các khoản phát sinh nộp NSNN của DNNN cả năm 2023 ước đạt gần 129 nghìn tỷ đồng, tăng 7% so với kế hoạch.
Như vậy có thể thấy trong bối cảnh tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp còn khó khăn chung do tác động của xung đột Nga - Ukraina và các bất ổn của kinh tế thế giới, các DNNN cơ bản đã nỗ lực tổ chức sản xuất kinh doanh đạt kế hoạch đề ra, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô", ông Trung nói.
Cần tăng khả năng cạnh tranh, đặc biệt cạnh tranh quốc tế của DNNN
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung cho rằng, mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng hoạt động của các DNNN còn không ít hạn chế. Các DNNN đang chậm chuyển mình trong thời đại, bối cảnh mới. Vai trò dẫn dắt, tạo động lực, mở đường, thúc đẩy các thành phần kinh tế khác chưa được phát huy rõ nét.
Theo Thứ trưởng Đỗ Thành Trung, hạn chế, tồn tại chủ yếu của DNNN biểu hiện ở 3 góc độ.
Thứ nhất, hiệu quả hoạt động chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ, chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng. Do nguyên nhân khách quan, một số Tập đoàn, Tổng công ty có mức lợi nhuận âm, trong đó có những doanh nghiệp có quy mô lớn, có vai trò quan trọng.
Thứ hai, DNNN quy mô lớn chưa thể hiện rõ vai trò nổi bật trong việc dẫn dắt, tạo động lực, thúc đẩy các thành phần kinh tế khác phát triển. Các tập đoàn kinh tế (TĐKT), tổng công ty (TCT) chưa chú trọng đầu tư vào các ngành, lĩnh vực có tính dẫn dắt, tạo động lực. Mặc dù nắm giữ trên 60% nguồn lực của nền kinh tế, các tập đoàn, tổng công ty hầu như chưa có các dự án đầu tư phát triển quy mô lớn để tạo động lực bứt phá, sức lan tỏa, hỗ trợ tái cơ cấu và nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Năng lực cạnh tranh, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của các DNNN còn hạn chế.
Thứ ba, một số dự án đầu tư còn chậm tiến độ triển khai; công tác thanh quyết toán các dự án xây dựng cơ bản kéo dài làm giảm hiệu quả sử dụng nguồn lực. Việc thực hiện các dự án đầu tư mới của DNNN chưa được thúc đẩy. Tiến độ phê duyệt Đề án tái cơ cấu, Chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh giai đoạn 2021-2025 còn chậm. Trừ Tập đoàn Viettel, đến nay hầu hết các TĐKT, TCT thuộc Ủy ban quản lý vốn chưa được phê duyệt chiến lược và kế hoạch sản xuất, kinh doanh.
"Khả năng cạnh tranh, đặc biệt cạnh tranh quốc tế của DNNN còn hạn chế. Các DNNN mới chỉ chiếm lĩnh được thị trường trong nước nhưng chưa có khả năng cạnh tranh và vươn ra thị trường quốc tế. Thực tế là, các DNNN chưa có các sản phẩm xuất khẩu chủ lực, chưa tạo ra giá trị gia tăng cao trong khi xuất khẩu. Đây là tiêu chí quan trọng để đánh giá chính xác nhất năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trên trường quốc tế", ông Trung chỉ rõ.
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, để đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn tới và tiếp tục triển khai các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Thường trực Chính phủ với DNNN, cần nhận định, đánh giá lại vị thế, vai trò của DNNN. Từ đó, làm rõ mục tiêu sắp xếp, cải cách khu vực DNNN phù hợp với tình hình thực tế của Việt Nam.
Đây cũng là những bàn luận cần thiết phục vụ cho việc tổ chức sơ kết, đánh giá toàn diện việc thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TW về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN để báo cáo Bộ Chính trị xem xét, trình Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII.
"Cần bàn luận đưa ra các định hướng đổi mới phương thức quản lý phần vốn Nhà nước của doanh nghiệp theo hướng tiếp tục đẩy mạnh phân công, phân cấp việc thực hiện quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu trong bối cảnh mới. Đặc biệt là tìm kiếm giải pháp nâng cao vai trò của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Đồng thời, đánh giá rõ hơn về tình hình thực hiện đầu tư và hiệu quả đầu tư của DNNN trong thời gian qua để từ đó xác định được những vướng mắc, khó khăn cần tháo gỡ", ông nhấn mạnh.
Muốn xây dựng nền kinh tế Việt Nam độc lập, tự chủ trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và cách mạng công nghệ 4.0, không thể thiếu sự hiện diện của DNNN bên cạnh vai trò quan trọng của khối doanh nghiệp tư nhân. Để đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn chiến lược tới, cần củng cố, phát triển các DNNN quy mô lớn có vai trò đặc biệt quan trọng, có tính chất mở đường, dẫn dắt doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác.
Tuy nhiên, các DNNN cần phải hiện diện với một năng lực mới, diện mạo mới, thay vì chỉ đơn thuần trở thành một công cụ để điều tiết vĩ mô nền kinh tế. Để làm được điều đó, cần đưa ra những giải pháp có tính đột phá để cởi trói cho DNNN, để DNNN được tự chủ, sáng tạo, phát triển trong một môi trường kiến tạo.
Nhật HàCông ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.