Tổng giá trị trái phiếu mua lại trước hạn đạt 7.589 tỷ đồng

Chứng khoán
09:23 AM 24/02/2024

Theo dữ liệu của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), tính từ đầu năm đến 16/2, tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại trước hạn đạt 7.589 tỷ đồng, giảm 48% so với cùng kỳ năm 2023.

Theo Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, tính từ đầu tháng 2/2024 đến ngày công bố thông tin 16/02/2024, thị trường có 1 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) với tổng giá trị 500 tỷ đồng.

Tổng giá trị trái phiếu mua lại trước hạn đạt 7.589 tỷ đồng- Ảnh 1.

Tổng giá trị trái phiếu mua lại trước hạn đạt 7.589 tỷ đồng. Ảnh: Internet

Lũy kế từ đầu năm 2024 đến 16/2, tổng giá trị phát hành TPDN được ghi nhận là 4.800 tỷ đồng, với 2 đợt phát hành ra công chúng trị giá 2.650 tỷ đồng (chiếm 55,2% tổng giá trị phát hành) và 3 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 2.150 tỷ đồng (chiếm 44,8% tổng số).

Về TPDN được mua lại trong tháng 2/2024, theo Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), các doanh nghiệp đã mua lại 60 tỷ đồng trái phiếu trong tháng 2. Tính từ đầu năm đến 16/2, tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại trước hạn đạt 7.589 tỷ đồng, giảm 48% so với cùng kỳ năm 2023. Bất động sản là nhóm ngành dẫn đầu, chiếm 58,9% tổng giá trị mua lại trước hạn (tương ứng khoảng 4.473 tỷ đồng).

Đối với TPDN đến hạn, trong phần còn lại của năm 2024, tổng giá trị trái phiếu sẽ đến hạn là 258.290 tỷ đồng. Trong đó, 38% giá trị trái phiếu sắp đáo hạn thuộc nhóm Bất động sản với khoảng 99.421 tỷ đồng, theo sau là nhóm Ngân hàng với gần 54.497 tỷ đồng (chiếm 21%).

Trước đó, theo báo cáo mới phát hành của Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), thị trường trái phiếu trong tháng 1 ít chịu áp lực khi ghi nhận khối lượng đáo hạn và khối lượng phát hành mới ở mức thấp.

Tổng giá trị phát hành chỉ đạt khoảng 3.650 tỷ đồng với lãi suất trung bình 10,7%/năm. Con số bao gồm 2 đợt chào bán trái phiếu riêng lẻ 1.650 tỷ (thuộc lĩnh vực bất động sản và xây dựng) và một đợt phát hành ra công chúng trị giá hơn 2.000 tỷ đồng.

Cũng trong tháng đầu năm, 34 doanh nghiệp thực hiện mua lại trước hạn 7.394 tỷ đồng trái phiếu. Chuyên gia KBSV cho rằng mặt bằng lãi suất thấp là động lực chính để các doanh nghiệp mua lại các trái phiếu phát hành có lãi suất cao giai đoạn trước, tình trạng này dự kiến tiếp tục gia tăng trong các tháng tiếp theo.

Trong tháng 2, dự tính sẽ có khoảng 4.880 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn. Các doanh nghiệp có lượng trái phiếu đáo hạn lớn trong tháng 2 gồm Công ty CP Đầu tư Thương mại Dịch vụ Gia Khang, Cá Tầm Việt Nam, Novaland, DRH Holding, Chứng khoán Rồng Việt...

Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh doanh khó khăn, thị trường nhiều khả năng tiếp tục ghi nhận thực trạng doanh nghiệp tiếp tục chậm trả nợ hoặc gia hạn trái phiếu như đã diễn ra từ năm 2023 đến nay.

Thực tế, dữ liệu trên HNX cho thấy Công trình Giao thông Đồng Nai đã chậm thanh toán lãi trái phiếu nhiều kỳ liên kết và vừa điều chỉnh kéo dài kỳ hạn trả lãi gốc đến 22/2/2026 hay Xây lắp Sunshine E&C đã chậm thanh toán lãi và gốc hơn 90 tỷ đồng vào ngày 19/2 do chưa thu xếp kịp nguồn vốn.


An Mai (t/h)
Ý kiến của bạn
Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới

Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.