Tổng hòa giá trị cốt lõi trong phát triển thương hiệu quốc gia
Theo nhận định của các chuyên gia, để giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam (THQG) ngày càng khẳng định uy tín và vị thế trên trường quốc tế, các doanh nghiệp cần tổng hòa, nâng tầm giá trị cốt lõi trong hoạt động xây dựng thương hiệu một cách chiến lược hơn.
Theo đánh giá của Tổ chức tư vấn định giá thương hiệu hàng đầu thế giới - Brand Finance, THQG Việt Nam có tốc độ tăng trưởng 102% trong giai đoạn từ năm 2019-2023. Giá trị THQG năm 2023 của Việt Nam đạt 498,13 tỷ USD, tăng 15,6% so với năm 2022 và liên tục tăng trưởng 2 con số trong 5 năm qua, xếp thứ 33 trong Top 121 THQG mạnh trên thế giới được xếp hạng.
Bộ Công Thương đã được Chính phủ giao là cơ quan chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, tổ chức và doanh nghiệp (DN) để triển khai Chương trình THQG Việt Nam. Mục tiêu là hướng tới xây dựng các thương hiệu sản phẩm, thương hiệu DN mạnh của quốc gia Việt Nam. Từ đó xây dựng hình ảnh Việt Nam là một quốc gia có uy tín về hàng hóa và dịch vụ chất lượng cao, góp phần thúc đẩy phát triển ngoại thương và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Để có thể thực sự "chắp cánh" thương hiệu quốc gia Việt Nam, các doanh nghiệp cần đồng hành cùng chương trình trong các hoạt động quảng bá, truyền thông, hướng tới một mục tiêu chung, đó là phát triển, nâng tầm Thương hiệu quốc gia Việt Nam, từ đó chính các doanh nghiệp cũng được hưởng lợi.
Hiện, các doanh nghiệp lớn của Việt Nam đã và đang tích hợp và nâng tầm giá trị cốt lõi trong hoạt động xây dựng thương hiệu một cách chiến lược hơn.
Giá trị cốt lõi của THQG được nêu trong Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam gồm: Chất lượng, đổi mới sáng tạo, năng lực tiên phong.
Đầu tiên là chất lượng sản phẩm, đây là yếu tố quyết định giá trị thương hiệu. Cùng với đó là đổi mới sáng tạo, phát huy khả năng sáng tạo trong việc thiết kế sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường; đầu tư đổi mới công nghệ nhằm sản xuất các sản phẩm chất lượng, đồng đều, ổn định, mang tính bền vững...
Bên cạnh đó, giá trị thương hiệu mạnh phải mang tính tiên phong. Trong cùng lĩnh vực ngành hàng, thương hiệu này mạnh hơn các thương hiệu khác, đó chính là yếu tố tiên phong. Yếu tố tiên phong thể hiện thông qua uy tín của người đứng đầu thương hiệu, sở hữu thương hiệu, sản phẩm; tiềm lực về tài chính, đầu tư và vai trò dẫn dắt...
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân, trong thời đại của sự thay đổi nhanh chóng, cạnh tranh ngày càng gay gắt với sự hỗ trợ của công nghệ, của trí tuệ nhân tạo, những giá trị cốt lõi càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Chúng là những nguyên tắc không thể thay đổi, là kim chỉ nam cho hành động của doanh nghiệp và là nền tảng để xây dựng và phát triển thương hiệu của từng doanh nghiệp, từng địa phương nói riêng và cả quốc gia nói chung.
Do đó, DN cần tổng hòa các giá trị cốt lõi để có nâng cao thương hiệu, trong đó phát huy khả năng sáng tạo, cần cù của người Việt Nam trong hoạt động thiết kế, phát triển sản phẩm để phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của thị trường trong nước và quốc tế.
Bên cạnh đó, đầu tư, đổi mới công nghệ để đảm bảo sản xuất sản phẩm chất lượng đồng đều, ổn định mang tính bền vững theo xu hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và kinh tế số. Đồng thời, doanh nghiệp cũng cần xây dựng văn hoá, đạo đức, uy tín trong kinh doanh đúng với truyền thống của người Việt Nam...
Trong tiến trình hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, Việt Nam đã và đang tham gia hàng loạt các Hiệp định thương mại tự do (FTA). Để thương hiệu của Việt Nam mạnh hơn nữa, mở thêm nhiều cơ hội cho sản phẩm, dịch vụ của Việt Nam vươn tầm quốc tế không chỉ phụ thuộc vào nỗ lực của DN, cần hơn chiến lược tổng thể, sự vào cuộc của Chính phủ, tất cả Bộ, ngành, địa phương và cộng đồng DN.
Minh An (t/h)Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tổng lượng tiền gửi của cả dân cư và doanh nghiệp, tổ chức kinh tế tại thời điểm tháng 8 vào ngân hàng thương mại đạt mức kỷ lục từ trước đến nay với hơn 13.763.230 tỷ đồng.