Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và EU đạt 72,3 tỷ USD

Xuất nhập khẩu
09:00 AM 19/01/2024

Năm 2023, suy thoái kinh tế, lạm phát và lãi suất vẫn duy trì ở mức cao khiến nhu cầu tiêu thụ và nhập khẩu hàng hóa tại EU sụt giảm đã tác động đáng kể đến trao đổi thương mại giữa Việt Nam với khu vực thị trường này.

Cụ thể, tổng kim ngạch trao đổi thương mại hàng hóa của Việt Nam với các nước trong khu vực Liên minh châu Âu (EU) ước đạt 72,3 tỷ USD, giảm 5,3% so với năm 2022. Trong đó, xuất khẩu ước đạt 53,3 tỷ USD, giảm 4,7% và nhập khẩu ước đạt gần 19 tỷ USD, giảm 6,8%. Thặng dư thương mại của Việt Nam với thị trường châu Âu trong năm 2023 ước đạt 34,3 tỷ USD.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và EU đạt 72,3 tỷ USD- Ảnh 1.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và EU đạt 72,3 tỷ USD. Ảnh: Internet

Thông tin trên được báo cáo tại buổi làm việc của Thứ trưởng Bộ Công Thương, Nguyễn Sinh Nhật Tân với ông Bernd Lange, Chủ tịch Ủy ban Thương mại quốc tế (INTA) của Nghị viện châu Âu (EP).

Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, EU hiện là đối tác thương mại lớn thứ 4 (sau Trung Quốc, Hoa Kỳ, Hàn Quốc) và là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 (sau Trung Quốc, Hoa Kỳ), thị trường nhập khẩu lớn thứ 5 (sau Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan - Trung Quốc) của Việt Nam.

Xuất khẩu sang EU đã thu hẹp đà giảm khá nhanh trong những tháng cuối năm, trong khi giai đoạn nửa đầu năm, sụt giảm kim ngạch xuất khẩu đều ở mức 2 con số.

Với độ mở nền kinh tế lớn, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam chịu tác động trực tiếp từ sự sụt giảm của kinh tế toàn cầu nửa đầu năm và sự phục hồi một cách chậm chạm và không đồng đều của các nền kinh tế trên thế giới nửa cuối năm 2023..

Bộ Công Thương nhận định, áp lực đối với sản xuất công nghiệp và hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam trong năm 2024 còn lớn. Trong đó, kênh thương mại quốc tế khi nhiều nền kinh tế là đối tác lớn của Việt Nam trong đó có EU tăng trưởng chậm, dẫn đến tổng cầu khó phục hồi mạnh, từ đó tác động đến kết quả xuất khẩu.

Bước sang năm 2024, hoạt động xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với thị trường châu Âu sẽ có những điều kiện thuận lợi nhưng cũng đối mặt với những thách thức lớn.

Thuận lợi là các hiệp định FTA đang có với các đối tác thị trường châu Âu tiếp tục có tác động tích cực, duy trì lợi thế của Việt Nam trong hoạt động thương mại, đầu tư.

Mặt khác, nhu cầu thị trường thế giới và khu vực châu Âu từng bước phục hồi do lạm phát đã bắt đầu có xu hướng giảm từ cuối năm 2023 và có khả năng tiệm cận mức mục tiêu các Ngân hàng Trung ương đề ra cho năm 2024 (ECB và FED: 2%).

Việc các nước công nghiệp phát triển tiếp tục đẩy mạnh chiến lược đa dạng hoá nguồn cung, đã dạng hóa chuỗi cung ứng, đa dạng hoá đầu tư đã giúp Việt Nam trở thành một trung tâm sản xuất và xuất khẩu quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Song thách thức bao trùm đó là nền kinh tế toàn cầu đang bước vào một thời kỳ mới, với đầy rủi ro và thách thức và khó đoán định. Năm 2024, tốc tăng trưởng kinh tế thế giới và các nước khu vực châu Âu dự báo thấp hơn so với năm 2023.

Cùng với đó, xung đột địa chính trị tiếp tục kéo dài và bất ổn tiếp tục có nguy cơ lan ra các khu vực khác. Xu hướng “phi toàn cầu hoá” đang tiếp tục trỗi dậy mạnh mẽ. Chính sách bảo hộ của các nước ngày một tăng.

Việc các nước phát triển càng ngày càng quan tâm nhiều đến các vấn đề phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu, an toàn cho người tiêu dùng đang tiếp tục là tiền đề để dựng lên những tiêu chuẩn mới, quy định mới liên quan đến chuỗi cung ứng, nguyên liệu, lao động, môi trường khắt khe hơn đối với các sản phẩm nhập khẩu.

Minh An (t/h)
Ý kiến của bạn
Sức hút của những lễ hội pháo hoa quốc tế Sức hút của những lễ hội pháo hoa quốc tế

Không đơn thuần mang đến những màn trình diễn ánh sáng ấn tượng trên nền trời, các lễ hội pháo hoa quốc tế còn là “đòn bẩy” kinh tế đối với nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.