Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 8 tháng tăng 10%
Theo Tổng cục Thống kê, 8 tháng năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 10% so với cùng kỳ năm trước do hoạt động thương mại đã trở nên sôi động hơn trong tháng 8.
Tổng cục Thống kê cho biết, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 8 ước đạt 515,4 nghìn tỷ đồng, tăng 0,9% so với tháng trước và tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 8 tháng năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 4.043,9 nghìn tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 19,2%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 7,7% (cùng kỳ năm 2022 tăng 15,1%).
Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa 8 tháng năm 2023 ước đạt 3.175,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 78,5% tổng mức và tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước (loại trừ yếu tố giá tăng 7,4%).
Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 8 tháng năm 2023 ước đạt 436,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 10,8% tổng mức và tăng 15,6% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu 8 tháng năm 2023 so với cùng kỳ năm trước của một số địa phương như sau: Đà Nẵng tăng 40,3%; Cần Thơ tăng 27,2%; Đồng Nai tăng 23,6%; Thành phố Hồ Chí Minh tăng 23,4%; Quảng Ninh tăng 21,8%; Hải Phòng tăng 14,4%; Hà Nội tăng 11,9%.
Doanh thu du lịch lữ hành 8 tháng năm 2023 ước đạt 22,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,6% tổng mức và tăng 47% so với cùng kỳ năm trước do nhu cầu du lịch tăng cao trong mùa cao điểm và các địa phương cũng đã tích cực triển khai nhiều hoạt động nhằm kích cầu du lịch sau một thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Tổng cục Thống kê nêu nguyên nhân tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng là do nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là các mặt hàng phục vụ năm học mới tăng cao. Tháng 8 là tháng mùa hè cuối cùng của năm, cũng là thời điểm cuối kỳ nghỉ hè của học sinh, sinh viên nên các hoạt động du lịch cũng như vui chơi ngoài trời nhộn nhịp hơn.
Hơn nữa, thời gian qua, thị trường nội địa đã tiếp tục trở thành bệ đỡ cho sản xuất, cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân và được người dân đón nhận. Do đó, thị trường trong nước vẫn tăng trưởng được ở mức 2 con số.
Đáng chú ý, hiện thị trường trong nước đã tổ chức được những mạng lưới để cung ứng hàng hóa đến 100 triệu người dân Việt Nam như chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó, trong giai đoạn từ đầu năm đến nay, có Tết Nguyên đán nhưng chúng ta đã kiểm soát tốt lạm phát và chuẩn bị đầy đủ hàng hóa cho nhu cầu của người dân Việt Nam.
Mức tăng trưởng này được kỳ vọng sẽ giữ được từ nay đến cuối năm để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2023 tăng 9%/năm như Quốc hội, Chính phủ giao cho ngành Công Thương.
Minh An (t/h)Theo các chuyên gia, để duy trì và phát huy vai trò trong chuỗi giá trị toàn cầu, Việt Nam cần áp dụng các chính sách đồng bộ hỗ trợ doanh nghiệp nội địa kết nối với doanh nghiệp FDI, đặc biệt là nâng cấp năng lực doanh nghiệp để đáp ứng các yêu cầu của chuỗi cung ứng toàn cầu.