Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 9 tháng tăng 9,7%
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho biết, 9 tháng năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 16% và doanh thu du lịch lữ hành tăng 47,7%.
Tại cuộc họp Tổ điều hành thị trường trong nước thường kỳ tháng 9/2023, thường trực Tổ Điều hành thị trường trong nước thông tin: tháng 9, thị trường hàng hóa sôi động trong dịp khai giảng năm học mới, nhu cầu vật phẩm giáo dục tăng.
Thị trường các mặt hàng thiết yếu khác không có biến động lớn, nguồn cung đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng, giá tương đối ổn định, riêng mặt hàng xăng dầu giá tăng do ảnh hưởng của giá thế giới.
9 tháng năm 2023, thị trường hàng hóa trong nước về cơ bản tương đối ổn định, nguồn cung các hàng hóa trong nước được bảo đảm. Sức mua trên thị trường đã có sự phục hồi tốt so với năm trước và giai đoạn bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, ước tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội tháng 9 đạt 524.595 tỷ đồng, tăng 2,4% so với tháng trước và tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó mức tăng chủ yếu nhờ các mặt hàng lương thực, thực phẩm, đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình (tăng 1,9-4,4%) và nhóm các ngành dịch vụ (tăng 3,34,5%); các nhóm khác tăng từ 1,2-2,4%, riêng nhóm hàng vật phẩm văn hóa, giáo dục giảm 0,5%.
Trong quý III/2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 1.550,2 nghìn tỷ đồng, tăng 1,9% so với quý trước và tăng 7,3% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 9 tháng năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 4.567,8 nghìn tỷ đồng, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 20,9%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 7,3% (cùng kỳ năm 2022 tăng 16,6%).
Doanh thu bán lẻ hàng hóa 9 tháng năm 2023 ước đạt 3.572,1 nghìn tỷ đồng, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước (loại trừ yếu tố giá tăng 7,0%).
Trong đó, nhóm vật phẩm văn hoá, giáo dục tăng 12,8%; hàng lương thực, thực phẩm tăng 11,4%; may mặc tăng 7,8%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 4,9%; riêng phương tiện đi lại (trừ ô tô) giảm 1,6%.
Theo thống kê của cơ quan thống kê quốc gia, doanh thu bán lẻ hàng hóa 9 tháng năm 2023 so với cùng kỳ năm trước của một số địa phương có mức tăng cao, như: Hải Phòng tăng 11,9%; Quảng Ninh tăng 10,9%; Đồng Nai tăng 9,9%; Bình Dương tăng 9%; Khánh Hòa tăng 8,7%; Cần Thơ tăng 8,2%...
Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 9 tháng năm 2023 ước đạt 500,1 nghìn tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, doanh thu du lịch lữ hành 9 tháng năm 2023 ước đạt 26,5 nghìn tỷ đồng, tăng 47,7% so với cùng kỳ năm trước do nhu cầu du lịch của người dân tăng cao sau một thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, từ đầu năm đến nay các địa phương đã tích cực triển khai nhiều hoạt động nhằm kích cầu du dịch.
Doanh thu dịch vụ khác 9 tháng năm 2023 ước đạt 469,1 nghìn tỷ đồng, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm trước.
Huyền My (t/h)VNDirect cho rằng nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục giữ vững đà tăng trưởng mạnh mẽ trong quý IV với GDP dự báo tăng 7,1%, nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 của Việt Nam lên 6,9%.