Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,4% trong 10 tháng
Theo Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 10 tháng ước đạt 5.105,4 nghìn tỷ đồng, tăng 9,4% so với cùng kỳ.
Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 10/2023 của Tổng cục Thống kê cho thấy, hoạt động thương mại dịch vụ tháng 10 diễn ra khá sôi động.
Theo đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 10 ước đạt 536,3 nghìn tỷ đồng, tăng 1,5% so với tháng trước và tăng 7% so với cùng kỳ năm trước do nhu cầu tiêu dùng các vật phẩm văn hóa, giáo dục, đồ dùng gia đình tăng khá cao và dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành tiếp tục duy trì xu hướng tích cực.
Tính chung 10 tháng năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 5.105,4 nghìn tỷ đồng, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 20,8%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 6,9% (cùng kỳ năm 2022 tăng 16,7%).
Doanh thu bán lẻ hàng hóa 10 tháng năm 2023 ước đạt 3.988,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 78,1% tổng mức và tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước (loại trừ yếu tố giá tăng 6,8%).
Trong đó, nhóm hàng vật phẩm văn hoá, giáo dục tăng 13,6%; lương thực, thực phẩm tăng 11,2%; may mặc tăng 7,7%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 5,5%; riêng phương tiện đi lại (trừ ô tô) giảm 2,8%.
Doanh thu bán lẻ hàng hóa 10 tháng năm 2023 so với cùng kỳ năm trước của một số địa phương đều tăng như: Quảng Ninh tăng 12%; Bình Dương tăng 10,2%; Khánh Hòa tăng 9,9%; Đồng Nai tăng 9,8%; Cần Thơ tăng 9,4%; Hải Phòng tăng 9,3%; Đà Nẵng tăng 7%; Thành phố Hồ Chí Minh tăng 5,9%; Hà Nội tăng 5,4%.
Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 10 tháng năm 2023 ước đạt 555,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 10,9% tổng mức và tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu 10 tháng năm 2023 so với cùng kỳ năm trước của một số địa phương như sau: Đà Nẵng tăng 36,8%; Cần Thơ tăng 32,7%; TP.HCM tăng 30,6%; Hải Phòng tăng 13,5%; Hà Nội tăng 10,7%.
Riêng doanh thu du lịch lữ hành 10 tháng năm 2023 ước đạt 30,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,6% tổng mức và tăng 47,6% so với cùng kỳ năm trước do các địa phương đã tích cực triển khai nhiều sản phẩm du lịch, hoạt động văn hóa, thể thao nhằm kích cầu du lịch.
Doanh thu 10 tháng năm 2023 của một số địa phương du lịch so với cùng kỳ năm trước tăng khá: Đà Nẵng tăng 143,8%; Khánh Hòa tăng 137,9%; Quảng Ninh tăng 94,9%; TP.HCM tăng 68%; Hà Nội tăng 59,5%; Hải Phòng tăng 47,3%; Cần Thơ tăng 32,4%.
Theo Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương, qua theo dõi, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng lũy kế hàng tháng luôn duy trì ở mức cao thời gian vừa qua. Trong đó có những tháng duy trì tăng ở mức 2 con số.
Nguyên nhân là do từ đầu năm đến nay, Chính phủ đã có nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, lạm phát trong nước vẫn được kiểm soát, mặt bằng lãi suất tiếp tục giảm. Tỷ giá cơ bản ổn định, giải ngân vốn đầu tư công tiếp tục được đẩy mạnh, là động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế, giúp tạo niềm tin cho người dân, doanh nghiệp và thị trường. Đây chính là động lực quan trọng giúp tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng cao.
Huyền My (t/h)Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thu hút vốn FDI cả năm 2024 đạt gần 38,23 tỷ USD, con số này đưa Việt Nam thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới; đặc biệt vốn FDI thực hiện khoảng 25,35 tỷ USD, tăng 9,4%, cao nhất từ trước đến nay. Giá trị thương hiệu quốc gia năm 2024 đạt 507 tỷ USD, xếp thứ 32 thế giới, tăng 1 bậc so với năm 2023.