Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1 đạt 573,3 nghìn tỷ đồng

Nhịp đập thị trường
04:13 PM 07/02/2025

Nhu cầu tiêu dùng nội địa tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán cùng với sự phục hồi mạnh mẽ của du lịch đã góp phần vào tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1/2025 ước đạt 573,3 nghìn tỷ đồng, tăng 9,5% so với cùng kỳ.

Theo Tổng Cục Thống kê, trong tháng 1, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 573,3 nghìn tỷ đồng, tăng 2,7% so với tháng trước và tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2024 tăng 8,0%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 6,6% (cùng kỳ năm 2024 tăng 5,6%).

Kết quả này là nhờ sự đóng góp tích cực của ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành.

“Nhu cầu tiêu dùng nội địa tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán cùng với sự phục hồi mạnh mẽ của du lịch đã góp phần tích cực vào tăng trưởng của ngành thương mại dịch vụ”, Tổng cục Thống kê nêu rõ.

Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1 đạt 573,3 nghìn tỷ đồng- Ảnh 1.

Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,5%

Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng 1/2025 ước đạt 441,4 nghìn tỷ đồng, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước.

Một số địa phương có doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng 1/2025 tăng cao so với cùng kỳ năm trước là Hải Phòng tăng 9,2%; Hà Nội tăng 9%; Quảng Ninh tăng 8,5%; thành phố Hồ Chí Minh tăng 8,4%; Đà Nẵng tăng 7,9%.

Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 67,3 nghìn tỷ đồng, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm trước. Một số địa phương có doanh thu cao như Đà Nẵng tăng 17,7%; Huế tăng 17,6%; Hà Nội tăng 16,8%; TP HCM và Bình Dương cùng tăng 15,6%; Đồng Nai tăng 12,7%; Cần Thơ tăng 10,7%, Bà Rịa - Vũng Tàu tăng 8,6%.

Doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 5,1 nghìn tỷ đồng, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước do nhu cầu du lịch của khách trong nước và quốc tế tăng cao trong các kỳ nghỉ lễ, Tết của tháng 1. Một số địa phương có doanh thu cao như Khánh Hòa tăng 36,6%; Đà Nẵng tăng 21,0%; TP HCM tăng 17,0%; Cần Thơ tăng 16,0%; Hà Nội tăng 14,8%; Quảng Ninh tăng 14,7%.

Doanh thu dịch vụ khác ước đạt 59,5 nghìn tỷ đồng, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, mức tăng, giảm tháng 1 so với cùng kỳ năm trước của một số địa phương như sau: Cần Thơ tăng 25,5%; Nam Định tăng 15,7%; Thanh Hóa tăng 12,1%; Hải Phòng tăng 4,7%; Kiên Giang giảm 0,8%; Cà Mau giảm 4,8%.

Điểm nổi bật trong việc cung ứng hàng hoá tháng 1 chính là việc chuẩn bị hàng Tết. Nguồn cung hàng hoá được các địa phương và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chuẩn bị từ rất sớm, nguồn hàng đa dạng, phong phú đáp ứng nhu cầu người dân.

Theo báo cáo của các địa phương, giá trị tổng lượng hàng dự trữ, cung ứng tăng khoảng 10-15% so với các tháng trong năm.

Cùng với đó, các chương trình hội chợ, phiên chợ Tết, chợ hoa, điểm bán hàng bình ổn thị trường... được tổ chức góp phần kích cầu tiêu dùng của người dân.

Nhằm bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu, phát triển thị trường trong nước, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đẩy nhanh việc rà soát, sửa đổi, xây dựng và hoàn thiện một số văn bản quy phạm pháp luật phục vụ công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực thị trường trong nước bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn, phục vụ hiệu quả cho công tác điều hành kinh tế vĩ mô và hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa của người dân và doanh nghiệp.

Huyền My (t/h)
Ý kiến của bạn
Môi trường tín nhiệm được kỳ vọng ổn định trong năm 2025 Môi trường tín nhiệm được kỳ vọng ổn định trong năm 2025

VIS Rating kỳ vọng môi trường tín nhiệm của Việt Nam trong năm 2025 sẽ trở nên ổn định sau khi đã cải thiện đáng kể trong năm trước. Niềm tin của nhà đầu tư sẽ tiếp tục được củng cố nhờ vào các quy định nghiêm ngặt hơn về phát hành trái phiếu và yêu cầu minh bạch thông tin cao hơn.