Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 2 tăng 13,2%
Nhu cầu tiêu dùng của người dân trở lại trạng thái bình thường theo quy luật tiêu dùng sau Tết Nguyên đán nên tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 02/2023 giảm 6% so với tháng trước nhưng vẫn tăng 13,2% so với cùng kỳ năm trước.
Theo công bố của Tổng Cục thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 2/2023 ước đạt 481,8 nghìn tỷ đồng, giảm 6% so với tháng trước và tăng 13,2% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung hai tháng đầu năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 994,2 nghìn tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 0,9%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 9,2% (cùng kỳ năm 2022 giảm 1,1%).
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng hai tháng đầu năm 2023 tăng 24,9% so với hai tháng đầu năm 2019 – năm trước khi xảy ra dịch COVID-19. Mặc dù vậy, quy mô tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng hai tháng đầu năm 2023 chỉ đạt 77,7% quy mô của chỉ tiêu này nếu ước tính trong điều kiện bình thường không xảy ra dịch COVID-19 từ năm 2020 đến nay.
Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa 02 tháng qua ước đạt 781,8 nghìn tỷ đồng, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm trước (loại trừ yếu tố giá tăng 6,5%). Đáng chú ý có nhóm hàng may mặc tăng 18,4%; lương thực, thực phẩm tăng 12,5%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 4%; phương tiện đi lại (trừ ô tô) tăng 3,4%; riêng nhóm vật phẩm văn hoá, giáo dục giảm 3,7%.
So với cùng kỳ năm trước, doanh thu bán lẻ hàng hóa của một số địa phương tăng cao như: Đà Nẵng tăng 12,6%; Quảng Ninh tăng 10,6%; Đồng Nai tăng 9,7%; TP. Hồ Chí Minh tăng 9,2%; Hà Nội tăng 9%; Hải Phòng tăng 8,9%; Cần Thơ tăng 2,7%; Bình Dương tăng 2,4%.
Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống hai tháng đầu năm 2023 ước đạt 109,1 nghìn tỷ đồng, tăng 31,6% so với cùng kỳ năm trước.
Doanh thu du lịch lữ hành hai tháng đầu năm 2023 ước đạt 4,7 nghìn tỷ đồng, gấp 2,2 lần cùng kỳ năm trước do năm nay nhiều tỉnh/thành phố tổ chức các hoạt động khai xuân thu hút khách du lịch trong khi cùng kỳ năm trước không tổ chức do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Hải Phòng gấp 17,5 lần; Tây Ninh gấp 15,9 lần; Đà Nẵng gấp 7,1 lần; Hà Nội gấp 3,1 lần; TP. Hồ Chí Minh tăng 84,4%; Lạng Sơn tăng 27,1%; Ninh Bình tăng 17,8%; Kon Tum tăng 6,2%; Bình Dương tăng 5,2%; Hà Giang tăng 2,9%; Lai Châu tăng 0,9%.
Tại Hội nghị thúc đẩy sản xuất tiêu dùng trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu năm 2023, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, ông Trần Duy Đông cho hay, mục tiêu năm 2023 là thúc đẩy phát triển mạnh mẽ thị trường trong nước nhằm khai thác hiệu quả thị trường nội địa với gần 100 triệu dân, phấn đấu tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 8-9%.
Thời gian tới, để duy trì tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường, nguồn cung, nhu cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu, xăng dầu để chủ động có phương án hoặc đề xuất với các cơ quan chức năng các biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, nhằm không xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn cung hàng hóa, gây bất ổn thị trường. Khẩn trương hoàn thiện và trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 95 và Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu.
Huyền My (t/h)Công ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.