Tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tháng 2/2022 tăng 3,1%
Theo báo cáo tình hình thương mại và công nghiệp tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2022 của Bộ Công Thương, tháng 2 năm 2022 có kỳ nghỉ Tết Nguyên đán với nhiều hoạt động khai xuân, lễ hội nên tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 12,6% và doanh thu du lịch lữ hành tăng 39,4%.
Tính chung 2 tháng đầu năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 1,7% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 2 năm 2022 ước đạt 421,8 nghìn tỷ đồng, giảm 7,1% so với tháng trước và tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 2 tháng đầu năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt hơn 876 nghìn tỷ đồng, tăng 1,7% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá giảm 0,3% (cùng kỳ năm 2021 tăng 0,7%).
Doanh thu bán lẻ hàng hóa 2 tháng đầu năm 2022 tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó nhóm hàng vật phẩm văn hoá, giáo dục tăng 12,7%; lương thực, thực phẩm tăng 9,0%; phương tiện đi lại tăng 4,3%; may mặc giảm 8,1%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình giảm 9,1%.
Tổng mức bán lẻ không đạt được như kỳ vọng do nhiều nguyên nhân.
Nguyên nhân chính là tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 làm cho tăng trưởng kinh tế bị chậm lại nhanh. Số doanh nghiệp tham gia thị trường hoặc tạm vào thị trường giảm, số doanh nghiệp ra khỏi hoặc tạm thời ra khỏi thị trường tăng, số doanh nghiệp đang hoạt động giảm doanh thu. Số lao động đang làm việc bị giảm (năm 2020 giảm 1,9%, năm 2021 giảm 8,6%) do số lao động bị thất nghiệp tăng; số lao động thiếu việc làm cũng tăng so với trước đại dịch. Thu nhập của lao động đang làm việc giảm.
Một nguyên nhân khác là tỷ lệ phần tiêu dùng thông qua mua bán trên thị trường (tức là tổng mức bán lẻ) so với tổng tiêu dùng cuối cùng bị giảm (nếu năm 2019 là 108,6%, thì năm 2020 chỉ còn 106%, ước năm 2021 còn thấp hơn), do phần tiêu dùng thông qua tự cấp tự túc tăng.
Tổng mức bán lẻ yếu tác động đến nhiều mặt. Trước hết là mức sống thực tế của người tiêu dùng bị ảnh hưởng, bị “bào mòn” sau hơn 2 năm bị đại dịch tác động, cả về quy mô, cả về cơ cấu, chủng loại... Tiêu dùng cuối cùng chiếm tỷ trọng lớn nhất (trên 70%) tổng GDP, cao hơn gấp đôi tích lũy tài sản, nên tác động lớn đến tăng trưởng GDP.
Bởi vậy, thời gian tới, Bộ Công Thương cũng sẽ theo dõi sát những biến động của kinh tế thế giới và trong nước, chủ động tham mưu các giải pháp ứng phó phù hợp.
Đồng thời, phối hợp với các bộ, ngành tăng cường hướng dẫn các doanh nghiệp tận dụng hơn nữa các FTA đã ký kết. Tận dụng và triển khai thực thi Hiệp định RCEP hiệu quả.
Ngoài ra, đổi mới công tác thông tin thị trường, bảo đảm thực chất, hiệu quả, kịp thời thông tin về thay đổi trong chính sách quản lý nhập khẩu, những điều kiện, quy chuẩn kỹ thuật và các rủi ro của thị trường.
Bộ Công Thương cũng kiến nghị các bộ, ngành thực thi tốt các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy đầu tư công, ổn định tiền tệ, lãi suất, đáp ứng nguồn lao động... cho phục hồi sản xuất, thúc đẩy thương mại.
Song song với đó, tiếp tục có sự phối hợp chặt chẽ trong công tác điều hành thị trường, giá cả các hàng hóa do Nhà nước quản lý; phối hợp trong công tác thông tin tuyên truyền nhằm tạo sự đồng thuận trong dư luận đối với công tác điều hành của nhà nước và bình ổn thị trường hàng hóa.
An MaiKhông khí Tết len lỏi khắp mọi nẻo đường lên “nóc nhà Đông Dương”, Fansipan (Sa Pa) khoác lên tấm áo xuân rực rỡ sẵn sàng chào đón du khách trong kỳ nghỉ lễ sắp tới.